|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tổng thống đắc cử của Argentina muốn thay đồng nội tệ bằng USD để trị lạm phát ba chữ số

10:33 | 21/11/2023
Chia sẻ
Tổng thống đắc cử Javier Milei muốn sử dụng liệu pháp gây sốc để khống chế lạm phát lên đến 143% của Argentina. Ông sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức để thực hiện kế hoạch táo bạo này, bao gồm việc Argentina không có đủ nguồn lực để đổi peso ra đồng bạc xanh.

Ông Javier Milei (người mặc áo khoác da). (Ảnh: Shutterstock). 

Kế hoạch táo bạo

Ông Javier Milei, người chiến thắng cuộc tranh cử tổng thống Argentina năm nay, đã lên kế hoạch loại bỏ đồng peso và sử dụng USD làm đồng tiền chính thức.

Vị tổng thống đắc cử hứa sẽ xóa bỏ vấn nạn lạm phát đã gây hại cho nền kinh tế lớn thứ ba của Mỹ Latinh trong hàng thập kỷ bằng cách loại bỏ đồng nội tệ khỏi lưu thông và tước bỏ quyền in tiền của ngân hàng trung ương.

Các nhà kinh tế cho biết hoạt động in tiền không kiểm soát nhằm trang trải chi phí công là một trong những nguyên nhân chính khiến lạm phát của Argentina leo lên mức 143%. Ông Milei từng tuyên bố: “Đóng cửa ngân hàng trung ương là một nghĩa vụ đạo đức”.

Nhưng ông Milei sẽ gặp không ít thách thức để nhận được sự ủng hộ của Quốc hội và triển khai kế hoạch đô la hóa nền kinh tế. Những quốc gia đã đô la hóa khác có quy mô kinh tế nhỏ hơn Argentina nhiều, ví dụ như El Salvador.

Các chuyên gia cũng nói rằng Argentina không có đủ tiền để thực hiện đề xuất táo bạo như đô la hóa nền kinh tế. Trong những năm gần đây, nước này đã mất khả năng tiếp cận thị trường nợ quốc tế.

Ông Alejandro Werner, nhà kinh tế từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chỉ ra: “Đầu tiên, một quốc gia phải tiếp cận được với thị trường vốn để chuyển đổi cơ sở tiền tệ sang USD. Argentina không đáp ứng được điều kiện tiên quyết này”. 

 

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc tranh cử, ông Milei cam kết sẽ cải tổ chính phủ Argentina, giảm chi tiêu, mở cửa nền kinh tế và bán những doanh nghiệp nhà nước như công ty dầu mỏ YPF. Ông được đám đông người ủng hộ cổ vũ nhiệt liệt. Một số cổ phiếu công ty Argentina bật tăng trên thị trường chứng khoán New York sau tin ông Milei đắc cử, riêng cổ phiếu YPF nhảy vọt 36%.

Ông Milei, 53 tuổi, là một nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tự do và là “kẻ ngoại đạo” trên chính trường Argentina. Trong chiến dịch tranh cử, ông Milei tuyên bố việc tiết kiệm bằng peso là điều điên rồ.

Nhiều người Argentina cũng không tin tưởng đồng nội tệ. Peso đã mất giá khoảng 90% so với USD trên thị trường chợ đen kể từ năm 2019 đến nay. Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết người dân địa phương cất giữ hàng chục tỷ USD ở nước ngoài, nhiều hơn hẳn các quốc gia Mỹ Latinh khác. Một số người thích nắm giữ tiền mã hóa biến động mạnh.

Trở ngại lớn

Rào cản lớn đối với kế hoạch của ông Milei là Quốc hội Argentina đang bị chia rẽ và không một đảng phái chính trị nào chiếm được đa số.

Tòa án cũng là thách thức đáng gờm. Hồi tháng 9, thẩm phán Tòa án Tối cao Horacio Rosatti nói với tờ báo El País của Tây Ban Nha rằng việc thay thế peso với đồng ngoại tệ là hành động vi hiến và vi phạm chủ quyền quốc gia.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cảnh báo: “Không có bữa ăn nào là miễn phí. Việc sử dụng, bảo vệ và gặt hái lợi ích từ quá trình đô la hóa có thể sẽ đầy thách thức”.

Một số quốc gia nhỏ hơn Argentina ở Mỹ Latinh đã tiến hành đô la hóa từ nhiều năm trước, bao gồm Ecuador, El Savador và Panama. Đô la hóa mang lại sự ổn định cho nền kinh tế của các quốc gia này thông qua việc khống chế lạm phát và hạ lãi suất, đồng thời khiến các chính phủ không thể in tiền để bù đắp cho thâm hụt ngân sách.

Nhưng theo các nhà kinh tế, việc đô la hóa tại Ecuador và El Savador không thực sự giúp ích cho tài chính công. Trái phiếu của Panama được xếp hạng đầu tư, nhưng El Savador thì không. Ecuador thì đã vỡ nợ vào năm 2020.

Ông Augusto de la Torre, cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Ecuador, lưu ý: “Đô la hóa không phải phương án giải quyết mọi vấn đề”.

Giới phân tích nhận xét đô la hóa đem lại hiệu quả tốt nhất cho các quốc gia hội nhập tốt vào nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó Argentina lại là một trong những nền kinh tế khép kín nhất thế giới, tờ WSJ cho hay.

Nền kinh tế dựa trên xuất khẩu hàng hóa của Argentina cũng có chu kỳ kinh doanh khác với ở Mỹ, không giống với trường hợp của Panama. Điều đó có nghĩa là các quyết định về chính sách tiền tệ của Mỹ có thể gây tác động tiêu cực tới kinh tế Argentina.

Giang

Chiến thắng của ông Trump không phải nguyên nhân duy nhất khiến giá bitcoin bốc đầu
Theo nhiều chuyên gia, tình trạng chênh lệch giữa cung cầu bitcoin sau sự kiện halving là nguyên nhân chính khiến giá tăng vọt trong thời gian qua, chiến thắng của ông Trump chỉ là chất xúc tác.