Tổng quan thị trường xăng dầu Việt Nam 2016
Biến động thị trường xăng dầu trong nước gắn liền với biến động của thị trường thế giới. Năm 2016, giá xăng dầu đã chính thức khép lại sau đợt điều chỉnh cuối cùng vào ngày 20/12 vừa qua với mức tăng cao nhất từ đầu năm tới nay. Cụ thể, xăng RON 92 đã tăng thêm 919 đồng/lít lên mức tối đa 17.594 đồng/lít. Giá xăng sinh học E5 cũng tăng 800 đồng/lít lên mức tối đa 17.322 đồng/lít.
Thị trường xăng dầu toàn cầu năm 2016 sẽ cân bằng hơn, giá cả sẽ ổn định và tăng nhẹ. Ảnh: Xuân Nghĩa
Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng 15 lần với tổng cộng hơn 6.500 đồng/lít, giảm 8 lần với tổng cộng cũng gần 5.000 đồng/lít.
Bên cạnh đó, giá xăng, dầu Việt Nam đã dựa trên cơ sở giá thế giới và các sắc thuế cũng như mức trích/xả quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Đồng thời, căn cứ vào định mức chi phí kinh doanh và mức lợi nhuận hợp lý để quyết định giá cơ sở - căn cứ để điều hành giá bán lẻ theo chu kỳ 15 ngày.
Nước ta tuân thủ theo cơ chế giá thị trường, trong khi đó nguồn cung trong nước không đảm bảo. Hội nhập thế giới thì phải tuân thủ theo giá thế giới. Vậy trong xu thế từ năm 2014, giá xăng dầu thế giới đã giảm do nhiều yếu tố tác động như: kinh tế, chính trị… cho nên nguồn cung tăng rất mạnh do các quốc gia trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không muốn mất thị phần và phải tăng sản lượng.
Thời gian gần đây, các nước trong khối OPEC đã quyết định giảm sản lượng, khi nguồn cung giảm chắc chắn giá xăng dầu sẽ phục hồi, mà giá xăng dầu thế giới tăng thì trong nước cũng phải tăng theo. Từ đó, nhiều dự báo cho rằng trong năm tới, giá xăng dầu thế giới sẽ tăng.
Trên bình diện thế giới, năm 2015, động thái chủ đạo nổi bật và xuyên suốt của thị trường dầu thô thế giới vẫn là tình trạng cung vượt cầu; giá cả lúc tăng, lúc giảm và mức thấp nhất đạt được vào 11/12/2015. Giá dầu thô toàn cầu tính đến giữa tháng 12/2015, giảm sâu dưới ngưỡng 36 USD/thùng (dầu Brent London còn 37,93 USD thùng và dầu WTI của New York ở mức 35,62 USD/thùng), tức sụt giảm 1/3 so với tháng 5/2015 và giảm gần 2/3 so với đỉnh điểm hồi tháng 6/2014. Ở Việt Nam, dù giảm dần tỷ trọng, ngành dầu khí hiện vẫn đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm của cả nước.
Năm 2016, mức tiêu thụ dầu toàn cầu trung bình 95,7 triệu thùng/ngày. Tổng sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC sẽ giảm 500.000 thùng/ngày và của Mỹ năm 2016 sẽ giảm còn 12,56 triệu thùng/ngày, từ mức 12,75 triệu thùng/ngày trong năm 2015. Từ nay đến năm 2020, nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng dưới 1%, và ước chỉ tăng 5% trong 2 thập kỷ tới (nhu cầu dầu của thế giới sẽ không đạt ngưỡng 103,5 triệu thùng/ngày cho đến năm 2040, từ mức 94,5 triệu thùng dầu/ngày hiện nay.
Dầu mỏ Việt Nam có chất lượng tốt và trữ lượng khoảng 4,4 tỷ thùng, chiếm 0,3% trữ lượng dầu mỏ được phát hiện của thế giới, cao thứ nhì Đông Á, thứ ba châu Á, thứ 28 trên thế giới. Việt Nam vừa là nước xuất khẩu dầu thô (có thể sẽ duy trì sản lượng khai thác dầu thô ở mức khoảng 340.000 thùng/ngày trong một vài năm tới, xếp thứ 36 trên thế giới về quy mô khai thác, và xếp thứ tư trong khối Đông - Nam Á về xuất khẩu dầu mỏ), lại vừa là nước nhập khẩu dầu thô và xăng dầu thành phẩm (nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu của Việt Nam năm 2015 tăng 6% so với năm trước, ước khoảng 16,4 triệu tấn, với 50% được thỏa mãn từ nhập khẩu).
Về tổng thể, thị trường xăng dầu toàn cầu năm 2017 sẽ cân bằng hơn, giá cả sẽ ổn định và tăng nhẹ chung quanh mức giá 50-55 USD/thùng. Giá xăng dầu thấp như vừa qua khó kéo dài bởi tính phi kinh tế dưới giá thành sản xuất trung bình thế giới từ 30-70 USD/thùng cho công nghệ truyền thống và 60-100 USD cho công nghệ khai thác mới dầu khí đá phiến. Thời gian qua, hơn một nửa số giàn khoan dầu khí đá phiến trên thế giới đã bị đóng cửa vì thua lỗ càng là cơ sở vững chắc cho nhận định này.