Tổng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp Nhật Bản giảm hơn 40% trong quý I
Tổng lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán ở Nhật Bản trong quý I/2021 đã giảm 41,3% so với quý trước đó, xuống 4.940 tỷ yen (38,34 tỷ USD), phản ánh hậu quả của việc gia tăng chi phí nguyên liệu thô do cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra.
Theo dữ liệu từ công ty chứng khoán SMBC Nikko Securities Inc, ngay cả khi loại trừ SoftBank Group Corp., “gã khổng lồ” đầu tư vừa báo cáo khoản lỗ ròng kỷ lục hôm 12/5, các doanh nghiệp khác của Nhật Bản vẫn chứng kiến tổng mức giảm lợi nhuận ròng 16% trong quý đầu tiên của năm nay.
Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng Ba vừa qua, lợi nhuận ròng của các công ty Nhật Bản đã tăng 31,8% so với tài khóa trước, lên 28.530 tỷ yen, do đồng yen giảm giá so với đồng USD.
Dữ liệu của SMBC Nikko Securities Inc dựa trên kết quả kinh doanh của 891 công ty niêm yết tại thị trường chứng khoán Nhật Bản, tương đương khoảng 60% các công ty cấu thành nên chỉ số Topix trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.
Sự sụt giảm lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp diễn ra ngay cả trong lĩnh vực sản xuất, ngành đang dẫn đầu đà phục hồi kinh tế của “đất nước Mặt Trời mọc” sau đại dịch COVID-19, với mức giảm 18,3%, xuống 3.900 tỷ yen.
Các công ty sản xuất thiết bị giao thông vận tải, bao gồm các nhà sản xuất ô tô, đã công bố lợi nhuận ròng giảm 36,5% trong quý I vừa qua, trong khi các nhà sản xuất thép báo cáo lợi nhuận ròng giảm 35,3%.
Lĩnh vực sản xuất lương thực, vốn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chi phí nguyên liệu tăng cao, cũng giảm 47,7% lợi nhuận. Ngược lại, các công ty liên quan đến năng lượng và kim loại màu được hưởng lợi từ giá nguyên liệu tăng.
Các nhà khai thác vận tải biển và hàng không ghi nhận khoản lỗ lớn hơn trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao.
Ông Hikaru Yasuda, chiến lược gia cổ phiếu tại SMBC Nikko Securities, cho rằng sản lượng của các nhà sản xuất ô tô giảm mạnh đã góp phần khiến lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trong quý I bị hạ thấp, giữa bối cảnh tình trạng thiếu hụt nguồn cung trở nên căng thẳng hơn do đợt phong tỏa COVID-19 ở Trung Quốc và các yếu tố khác.
Các công ty có định hướng vào nhu cầu nội địa phải chịu áp lực gấp đôi của việc chi phí nguyên vật liệu tăng cao và đồng yen yếu.