Nhân dân tệ suy yếu so với USD, Trung Quốc có 6 cách giải cứu
Theo Reuters, đồng nhân dân tệ đã suy giảm 5% so với USD trong vòng ba tuần qua. Ngay cả khi so sánh với một giỏ tiền tệ của những đối tác thương mại chính, nhân dân tệ cũng sụt giảm 3%. Nhiều đồn đoán đã xuất hiện xoay quanh thời điểm cũng như cách thức mà Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ hành động để ngăn sự mất giá này.
Mặc dù nhiều người tham gia thị trường kỳ vọng sự suy yếu của đồng nhân dân tệ sẽ còn tồn tại trong một thời gian, vài chuyên gia mong đợi PBoC ít nhất sẽ làm chậm tốc độ sụt giảm.
Ông Robin Xing, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Morgan Stanley cho biết: “PBoC cũng có thể ngăn chặn đầu cơ một chiều bằng các công cụ an toàn vĩ mô, chỉ dẫn bằng lời nói, và dùng tới những khoản dự trữ ngoại hối dồi dào mà các ngân hàng thương mại đã tích lũy trong vòng hai năm qua”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố 23 biện pháp cứu nền kinh tế 20/04/2022 - 14:48
Cho tới nay, dấu hiệu duy nhất cho thấy PBoC đang không thoải mái với việc nhân dân tệ mất giá là vào cuối tháng 4, khi cơ quan này quyết định giảm dự trữ ngoại hối bắt buộc của các ngân hàng thương mại.
Dưới đây là những chính sách và giải pháp từng được PBoC triển khai để kiểm soát biến động của nhân dân tệ trong những năm qua.
1. Yếu tố ngược chu kỳ trong công thức ấn định tỷ giá nhân dân tệ hàng ngày
Năm 2017, Ngân hàng trung ương Trung Quốc lần đầu tiên thêm yếu tố ngược chu kỳ vào công thức ấn định tỷ giá nhân dân tệ-USD.
PBoC chưa bao giờ công bố cách tính yếu tố ngược chu kỳ, nhưng các nhà quản lý mô tả công thức này như một cách tốt hơn để phản ánh cung cầu cơ bản và giảm thiểu ảnh hưởng của tâm lý bầy đàn trên thị trường.
Vào cuối năm 2020, yếu tố ngược chu kỳ đã không còn được sử dụng do dòng vốn từ nước ngoài tràn vào và nền tảng kinh tế Trung Quốc được cải thiện.
2. Điều chỉnh điểm giữa tỷ giá hàng ngày
Đồng nhân dân tệ giao ngay trong nước có thể giao dịch trong phạm vi 2% xung quanh điểm giữa do PBoC thiết lập trong bảng tỷ giá hàng ngày.
Các nhà giao dịch tiền tệ coi bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào giữa dự đoán của thị trường về tỷ giá và điểm giữa mà PBoC ấn định như một dấu hiệu về cách mà ngân hàng trung ương muốn điều chỉnh thị trường.
3. Thông điệp
Quan chức cấp cao từ ngân hàng trung ương và nhà quản lý ngoại hối đã sử dụng những bài phát biểu, bình luận công khai trên truyền thông nhà nước để gửi thông điệp tới thị trường. Thông thường, các quan chức sẽ nhắc lại cam kết giữ nhân dân tệ ổn định.
Vào năm 2018, ông Pan Gongsheng, Phó Thống đốc PBoC, đã cảnh báo nhà đầu cơ về việc bán tháo nhân dân tệ, nhắc nhở họ rằng những yếu tố cơ bản của nền kinh tế đang mạnh mẽ cũng như lượng dự trữ ngoại hối dồi dào.
4. Chi phí giao dịch phái sinh
Vào năm 2018, PBoC đã tăng chi phí để bán tháo đồng nhân dân tệ trên thị trường phái sinh bằng cách nâng tỷ lệ dự phòng rủi ro từ 0 lên 20%. Vào cuối năm 2020, tỷ lệ này được điều chỉnh giảm trở về con số 0.
5. Thắt chặt thanh khoản nhân dân tệ ở nước ngoài
Để giảm thanh khoản nhân dân tệ ở nước ngoài, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã phát hành tín phiếu mệnh giá nhân dân tệ tại Hong Kong (Trung Quốc). Mặc dù chỉ được bán ra với số lượng nhỏ, các nhà phân tích cho rằng động thái này gửi đi thông điệp rõ ràng, định hướng kỳ vọng về tỷ giá hối đoái.
6. Hành động của các ngân hàng nhà nước
Một số nguồn tin của Reuters cho biết, trong giai đoạn đồng nhân dân tệ yếu đi trước đây, những ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc đã bán USD, nhiều khả năng hành động theo lệnh của PBoC.
Các ngân hàng nhà nước cũng đã đổi nhân dân tệ lấy USD bằng các hợp đồng kỳ hạn và ngay lập tức bán USD trên thị trường giao ngay để hỗ trợ đồng tiền Trung Quốc trong giai đoạn 2018-2019.