|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổng kiểm kê tài sản công và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước quản lý

22:00 | 18/12/2024
Chia sẻ
Chiều 18/12, Bộ Tài chính đã tổ chức Họp báo chuyên đề về Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

 Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính chủ trì họp báo. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tân Thịnh Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết: Việc thực hiện tổng kiểm kê tài sản công là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Bộ Tài chính, các bộ, ngành và địa phương trong giai đoạn 2024-2025. Đây là bước triển khai chủ trương của Đảng về quản lý, sử dụng, khai thác và huy động hiệu quả các nguồn lực kinh tế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.

Theo Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 01/03/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai tổng kiểm kê. Nội dung kiểm kê bao quát nhiều loại tài sản, từ tài sản cố định tại các cơ quan đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng. Cùng với đó là các mục tiêu lớn như cải thiện chính sách, hỗ trợ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và cung cấp số liệu chính xác cho các báo cáo quốc gia.

Theo ông Thịnh, tổng kiểm kê giúp nắm được thực trạng của tài sản, đánh giá công tác hạch toán, sử dụng của các tổ chức, cơ quan, đơn vị để khai thác tốt hơn tài sản công với vai trò nguồn lực của Nhà nước.

Lãnh đạo Cục Quản lý Công sản cũng cho biết: Đối tượng trong kế hoạch Tổng kiểm kê tài sản công bao gồm các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, với các tài sản đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định (trừ tài sản đặc biệt tại các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và tài sản thuộc danh mục bí mật nhà nước). Ngoài ra, tài sản kiểm kê còn bao gồm kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu công nghệ thông tin tập trung, đê điều... do Nhà nước đầu tư và quản lý.

Thời điểm chốt số liệu kiểm kê được xác định là 0 giờ ngày 1/1/2025. Theo đó, các tài sản công hình thành sau mốc thời gian này sẽ không thuộc phạm vi thực hiện tổng kiểm kê.

Quy trình chuẩn bị gồm rà soát pháp luật, khảo sát thực tế, xây dựng biểu mẫu và chỉ tiêu kiểm kê. Việc kiểm kê thử nghiệm đã được triển khai tại hai Bộ là Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải cùng với 6 địa phương Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Kạn, và Quảng Ninh.

Đối với các bộ, ngành, địa phương, có 44/45 bộ, cơ quan Trung ương, 63/63 địa phương thành lập Ban chỉ đạo Tổng kiểm kê. 100% bộ, cơ quan trung ương, địa phương ban hành Kế hoạch triển khai Tổng kiểm kê của bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Đồng thời, 41/45 bộ, cơ quan trung ương, 63/63 địa phương đã hoàn thành triển khai tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Bộ Tài chính nhận định: Đến thời điểm hiện tại, việc triển khai của Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, địa phương cơ bản bảo đảm tiến độ theo Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý và kế hoạch do Bộ Tài chính ban hành.

“Thông qua việc triển khai, nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị và người đứng đầu đã nhận thức được vai trò của tổng kiểm kê tài sản công đợt này, coi đây là giải pháp quan trọng để thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về phòng, chống lãng phí, thất thoát của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm”, lãnh đạo Cục Quản lý Công sản nói.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Việc Tổng kiểm kê lần này vẫn còn một số khó khăn như nhận thức chưa đầy đủ từ một số cấp ủy, chính quyền và khối lượng công việc lớn trên toàn quốc. Thực tế, mặc dù quy định yêu cầu kiểm kê và hạch toán tài sản hàng năm, thực tế cho thấy nhiều nơi vẫn thực hiện chưa đầy đủ. Một số tài sản như quyền sử dụng đất chưa được định giá chính xác, hoặc chưa có quy định cụ thể để đánh giá. Điều này, dẫn đến khó khăn trong việc tổng hợp số liệu và giá trị tài sản hiện tại chưa phản ánh đúng nguồn lực thực tế.

Bên cạnh đó, quá trình kiểm kê phạm vi của đợt tổng kiểm kê rất lớn, với gần 100.000 đơn vị thuộc đối tượng kiểm kê. Đặc biệt, tài sản kết cấu hạ tầng như đê điều, đường bộ hay các công trình công cộng lâu đời thường thiếu tài liệu, hồ sơ bàn giao, gây khó khăn trong xác định giá trị và thông tin chi tiết.

Thêm vào đó, việc tinh gọn bộ máy hành chính cũng cũng có tác động đến kiểm kê. Những tài sản của các cơ quan sáp nhập, hợp nhất cần được chuyển giao đầy đủ đến đơn vị mới tiếp nhận để tránh lãng phí hoặc thất thoát. Bộ Tài chính đã dự liệu trước tình huống này và hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp để đảm bảo tài sản được quản lý chặt chẽ, không để xảy ra khoảng trống.

"Trong quá trình kiểm kê, các bộ, ngành, địa phương cần báo cáo ngay những tài sản dôi dư hoặc không sử dụng đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời. Các cơ quan, đơn vị sẽ kê khai thông tin chi tiết về hiện trạng tài sản, từ đó giúp thẩm định và bổ sung số liệu chính xác. Tổng kiểm kê tài sản công không chỉ là một nhiệm vụ hành chính mà còn là giải pháp chiến lược để thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về quản lý tài sản công.

Đây là lần đầu tiên một cuộc kiểm kê với quy mô toàn quốc và độ phức tạp cao được triển khai, góp phần minh bạch hóa công tác quản lý tài sản công, phòng chống tham nhũng, lãng phí và thất thoát", ông Nguyễn Tân Thịnh nhấn mạnh.

Về kế hoạch triển khai Đề án trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết đến ngày 31/12/2024 sẽ hoàn thành việc chuẩn bị phục vụ Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Đến ngày 31/3/2025 hoàn thành việc kiểm kê của các đối tượng thực hiện kiểm kê. Đến ngày 15/6/2025, các bộ, ngành, địa phương báo cáo về Bộ Tài chính.

Đến ngày 31/7/2025, Bộ Tài chính hoàn thành việc tổng hợp kết quả kiểm kê, xây dựng báo cáo tổng hợp về tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý trên phạm vi cả nước, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

Thùy Dương