Tổng giám đốc Mekong Capital: '8 tiếng đi làm cũng là cuộc sống'
Từ một nhân viên tư vấn nhân sự cấp cao của Navigos, 10 năm trước, Nguyễn Thị Minh Giang chuyển sang Mekong Capital nhận trách nhiệm hỗ trợ các công ty trong danh mục đầu tư tuyển dụng nhân sự cấp cao và kiến tạo văn hóa. Trong công việc, Tổng giám đốc Nhân tài và Văn hóa doanh nghiệp của Mekong Capital tự nhận mình là người ồn ào, máu lửa và nhiều chất "men".
- Có một câu hỏi mà hầu như mọi lãnh đạo nữ đều sẽ nhận được là "làm cách nào để cân bằng cuộc sống", vậy còn bà?
- Khi lần đầu được hỏi câu này tôi đã tự vấn bản thân, có phải cuộc sống mình đang bị mất cân bằng không. Thực ra là không. Làm việc ở Mekong Capital giúp tôi nhận ra một điều là "làm sếp" phải giúp nhân viên không phải tìm cách cân bằng cuộc sống vì công việc. Chẳng lẽ 8 tiếng đi làm không phải là cuộc sống, hay về nhà rồi vẫn là công việc.
Vì thế mà ở Mekong Capital chúng tôi có cụm từ "work-life integration", hiểu đơn giản thì đó là sự trọn vẹn giữa cuộc sống và công việc. Trong đó "Love Giver" là một những quan điểm xuyên suốt, nghĩa là làm sao đem lại sự hạnh phúc cho những người mình thương yêu, thay vì việc đi làm kiếm rồi đem tiền về nhà.
Tháng 4 này Mekong Capital sẽ tổ chức khóa học "Dạy con truyền sức mạnh". Tại sao một công ty quản lý quỹ lại đi làm chuyện đó? Mục tiêu Mekong Capital muốn tổ chức cho nhân viên để nuôi dạy con tốt hơn, làm sao để phát triển con người và lan toả sự hạnh phúc.
Mỗi ngày mỗi người đều có 24 giờ, tại sao chúng ta phải tách bạch mấy tiếng là công việc, mấy tiếng là sống và rồi tự làm khó mình bằng việc đi cân bằng phương trình đó. Ngay trong nội bộ công ty, chúng tôi có những hoạt động để bản thân mình có thể trải nghiệm cuộc sống ngay tại nơi làm việc.
- Bà nói không bị mất cân bằng, nhưng khi phải tiếp xúc với các CEO, những người đàn ông quyền lực và tài năng thì sao?
- Mỗi khi gặp ai đó mình sẽ học thêm một điều gì mới từ họ, từ những doanh nghiệp khởi nghiệp cho tới những người đã có cơ nghiệp kinh doanh cả tỷ USD. Có lẽ mọi người sẽ nghĩ nữ giới thường "lép vế" trước họ, tôi thì không nghĩ vậy. Tôi không thích từ "lép vế", vì khi đối diện với những người như vậy, bản thân tôi luôn cảm nhận được sự khát khao từ họ, họ cam kết những điều lớn lao hơn bản thân và đó cũng là điều mà mình nên học tập. Ngoài ra, nếu bạn luôn quan tâm đến vị thế cao thấp trong một cuộc đối thoại thì rất dễ xảy ra mẫu thuẫn, tranh cãi.
Ở Mekong Capital nói chung và với cá nhân tôi nói riêng thì có lẽ chữ "tranh cãi" không nằm trong từ điển sống.
Định nghĩa "tranh cãi" thường xảy ra khi hai bên gặp vấn đề, có mâu thuẫn gì đó nhưng tất cả các khoản đầu tư, mối quan hệ giữa Mekong và các doanh nghiệp đều xây dựng trên quan điểm "partnership" (đối tác). Ngay từ những bước đầu tiên khi thẩm định dự án đầu tư cho đến khi đầu tư xong, mọi thứ đều được tiếp cận trên tinh thần này. Thực tế tất cả những gì chúng tôi muốn triển khai đều đạt được sự đồng thuận. Điều này cũng giống như một con đường được định hình nhờ những bước chân mà chúng tôi đã đi trong nhiều năm.
Còn một lý do khác để "tranh cãi" không còn đất sống là cách chúng tôi tiếp cận vấn đề. Nói nôm na thì tôi như một người huấn luyện viên, một người đưa ra những gợi ý nhưng bản chất là tôi không quyết định thay các doanh nghiệp. Quyền quyết định có thực hiện vấn đề này hay không là ở ban lãnh đạo công ty, những người đưa ra giải pháp và ý tưởng. Tôi có thể hướng cho họ thấy tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp nhưng chính các CEO mới là người tạo nên bản sắc văn hóa riêng và thực hiện nó.
Và cũng có sự may mắn là những CEO mà tôi làm việc họ đều hiểu và nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nên tôi không gặp nhiều khó khăn và cũng chưa từng phải cãi vã với ai về chuyện này.
- Việc "là phái yếu" mang lại cho bà lợi thế gì trong công việc này?
- Nhắc đến vị trí giám đốc một quỹ đầu tư có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến nam giới, nhưng với vị trí có phần "đặc thù" của Mekong Capital là Giám đốc nhân tài và văn hóa, tôi nghĩ họ sẽ nghiêng về phái yếu nhiều hơn.
Mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau là công việc này hợp với nam hơn hay nữ nhưng với tôi, người phụ nữ trong tất cả công việc sẽ có những ưu thế, như khả năng và cách tiếp cận khéo léo hơn. Một điểm nữa là phụ nữ cũng linh hoạt, kiên nhẫn và chịu khó lắng nghe hơn. Vì vậy họ sẽ hiểu lãnh đạo, đối tác hơn. Khi làm việc với phái yếu, liệu có mấy CEO sẽ đập bàn hay lớn tiếng. Ưu thế này rất lớn đấy (Cười).
Tất nhiên là có mặt mạnh thì cũng có mặt yếu, nhưng theo kinh nghiệm của tôi là không nhiều. Hạn chế lớn nhất cho đến nay với tôi là thời gian tạo dựng các mối quan hệ ngoài giờ làm việc. Mình là phụ nữ mà, cần thời gian cho chồng con.
- Có trường hợp nào phái yếu không còn là lợi thế và bà "ước" mình là đàn ông?
- Với tôi có lẽ là không. Trong cuộc sống thỉnh thoảng mình muốn làm đàn ông để không phải đeo nhiều "trách nhiệm" do chính mình tự áp đặt. Còn trong công việc thì không, tôi chưa bao giờ ước mình là đàn ông. Với lại, bản thân tôi cũng thấy mình khá là "men".
Trong công việc, tôi là người khá mạnh mẽ và đa phần làm chủ cảm xúc tốt, tách rõ cảm xúc cá nhân và yêu cầu xử lý công việc. Cái này là yếu tố này rất quan trọng đấy. Tôi không để bị ảnh hưởng bởi sự buồn vui từ cảm xúc cá nhân mà vẫn làm việc bình thường. Rồi mỗi khi cần phải quyết định thì mình quyết đoán, độc lập.
- Vị trí của bà được ví là người đi "xây" văn hóa doanh nghiệp. Vậy còn cuộc sống riêng, bà xây những gì cho các mục tiêu của sống của mình?
- Thực ra, xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng giống như xây một thứ văn hóa của gia đình. Bạn cũng bắt đầu từ một tầm nhìn, một mục tiêu chung mà bạn muốn chia sẻ. Với công việc, đó là những người Founder, đồng nghiệp, hay đối tác. Còn trong gia đình thì đó là chồng.
Bạn đừng nghĩ xây dựng văn hóa doanh nghiệp điều gì đó ghê gớm lắm. Mọi thứ đều bắt đầu từ mục tiêu chung, để có thể "cùng nhau trải nghiệm sự hạnh phúc ở trong từng khoảng khắc". Có mục tiêu rồi thì bước tiếp theo là xác định những giá trị cốt lõi, những nền tảng để cùng nhau giao tiếp, chia sẻ.
Văn hóa trong gia đình cũng như vậy, khi hai bên đã có chung một tầm nhìn, thì bước tiếp theo là xác định nền tảng để đưa ra quyết định, những lựa chọn hay cách giao tiếp.
Ví dụ như cách vận hành của gia đình tôi, cũng được xây dựng như doanh nghiệp vậy (Cười). Tôi và chồng sẽ chia phần việc rõ ràng, việc nào do ai toàn quyền quán xuyến. Ví dụ toàn bộ việc nhà, người giúp việc hay đi chơi ở đâu thì tôi sẽ toàn quyền quyết định. Còn một số những phần việc khác như mua xe, thuê tài xế thì chồng tôi sẽ quyết. Hai vợ chồng tự phân công nhau và cũng nhờ vào một số những nguồn trợ giúp từ bên ngoài như ông bà, thầy cô nữa.
Có một điều mà mình cũng học được từ cuộc sống bận rộn này là phải "sống hết mình cho giây phút hiện tại". Có nhiều hôm tôi phải làm việc liên tục từ 8h sáng tới 8h tối, nhưng sau đó, toàn bộ thời gian của tôi là dành cho gia đình, cho chồng, cho con, rất hiếm khi tôi để công việc can thiệp vào khoảng thời gian này. Cuối tuần cũng như vậy, khi mình rời khỏi công việc thì lúc đó là thời gian cho bản thân, cho gia đình, đặc biệt là sở thích nấu ăn.
- Những phụ huynh thường có khuynh hướng áp thành tích cho con cái. Với bà, là giám đốc một quỹ đầu tư, bà có đặt mục tiêu này không?
- Mỗi người đều có một quan điểm dạy con riêng, tùy vào mục tiêu và hoàn cảnh. Riêng với gia đình tôi thì chọn không đặt mục tiêu cho con.
Thay vì áp mục tiêu thành tích cho con cái, tôi chọn là người huấn luyện, là một người bạn để lắng nghe và hướng dẫn con biết tự đặt mục tiêu để phấn đấu. Ví dụ con trai lớn của tôi rất thích bóng đá. Đương nhiên là cha mẹ ai cũng muốn con mình tập trung vào việc học hành, nhưng đó là sở thích, là đam mê của con nên để bạn ấy tự quyết định. Và kết quả là con tôi tự quyết định sẽ chuyển trường, chuyển về trường có nhiều sân bóng hơn.
Không chỉ riêng việc này mà còn nhiều việc khác nữa, chúng tôi đều khuyến khích để con tự quyết, tự chịu trách nhiệm, việc của mình là chỉ ra rằng những quyết định đó có thể dẫn tới tương lai như thế nào. Tất nhiên những việc mà tôi để con tự quyết không nguy hiểm, không ảnh hưởng đến người khác. Còn những quyết định có thể dẫn đến sự ảnh hưởng với những người xung quanh, tôi sẽ ngồi nói chuyện để giảng giải cho con. Là phụ huynh tôi muốn giúp con vẽ lên bức tranh, không phải tự mình vẽ rồi nói với chúng rằng đây là bức tranh sau này con phải vẽ.