|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổng cục Thống kê: 'Áp lực lạm phát gia tăng sau bão Yagi nhưng vẫn trong tầm kiểm soát dưới 4,5%'

09:12 | 25/09/2024
Chia sẻ
Theo Tổng cục Thống kê, sau tác động của bão số 3 (bão Yagi), tại một số nơi có những thời điểm xuất hiện hiện tượng khan hiếm các mặt hàng như rau, củ quả,... dẫn đến tăng giá cục bộ. Tuy vậy, nhờ nguồn cung dồi dào, giá xăng dầu có xu hướng giảm,...dự báo lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4,0 - 4,5% trong cả năm.

Hệ thống siêu thị WinMart. (Nguồn: WinMart)

Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 8 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát đang được kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4,0 - 4,5%.

Tuy vậy, những ngày đầu tháng 9 vừa qua, do chịu tác động của bão Yagi, các tỉnh miền Bắc chịu nhiều thiệt hại, nhiều địa phương tiếp tục bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão gây mưa lũ, ngập lụt diện rộng, gây thiệt hại nặng nề, làm đứt gãy giao thông vận chuyển hàng hóa một số địa bàn, ảnh hưởng tới giá cả trên thị trường.

Dẫn báo cáo của các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng cục Thống kê cho biết, trong thời gian thiên tai diễn ra, đối với các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, tại một số nơi có những thời điểm xuất hiện hiện tượng khan hiếm các mặt hàng như rau, củ quả, thực phẩm, nước uống... dẫn đến tăng giá cục bộ.

Để bù đắp nguồn cung hàng hóa bị thiếu hụt do ảnh hưởng của bão số 3, các doanh nghiệp đã tăng cường nhập hàng từ miền Nam, nhiều siêu thị đang giữ giá các mặt hàng như thịt, cá, rau củ, gạo, mỳ tôm... cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đặc biệt, để kịp thời khắc phục các thiệt hại của bão lũ, ổn định đời sống người dân, Chính phủ đã chỉ đạo xuất cấp 200 tấn gạo hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng cơn bão số 3. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có Công điện số 3 ngày 13/9 gửi các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá sau bão.

Nhiều yếu tố hỗ trợ kiểm soát lạm phát 

Theo Tổng cục Thống kê, đến nay, hoạt động thương mại của các địa phương trên cả nước nhìn chung đã diễn ra bình thường, giá cả hàng hóa có xu hướng trở về mức trước cơn bão số 3. Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Giá xăng dầu trên thế giới đang có xu hướng giảm mạnh. Chính phủ và các bộ ngành, địa phương luôn chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

"Đó là các yếu tố hỗ trợ kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2024. Dự báo năm 2024, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4,0 - 4,5%", Tổng cục Thống kê nhìn nhận.

Tuy vậy, để kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thống kê cho rằng, các cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là một số mặt hàng có xu hướng tăng giá trong thời điểm mưa bão, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng bão lụt.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường việc giám sát thực hiện công tác kê khai giá, công khai các thông tin về giá. Đặc biệt là thanh tra kiểm tra việc thực hiện quy định theo luật giá và xử lý các hành vi về vi phạm.

"Sự minh bạch trong giá cả sẽ hạn chế được tình trạng té nước theo mưa, lợi dụng việc tăng lương để tăng giá bất hợp lý", Tổng cục Thống kê nêu rõ. 

Cùng với đó, các bộ ngành và địa phương cần kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào các chương trình bình ổn giá, đặc biệt là doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp là đầu mối của các chuỗi cung ứng và khuyến khích các siêu thị, trung tâm thương mại thực hiện chương trình giảm giá khuyến mại đồng hành với việc tăng lương để kích cầu người dân. Đối với mặt hàng thiết yếu của người dân cần phải cung ứng kịp thời để tránh hiện tượng tăng giá cả hàng hóa.

"Việc điều hành giá do nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, y tế, giá điện sinh hoạt cần hết sức thận trọng trong mức độ và thời điểm điều chỉnh giá để tránh được lạm phát kỳ vọng kéo giá cả hàng hóa khác tăng theo", Tổng cục Thống kê lưu ý.

Ngọc Bảo

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.