Tôn Đông Á chuẩn bị IPO và niêm yết: Trong top 3 thị phần tôn mạ, dự báo lợi nhuận 2021 cao kỷ lục
Chứng khoán SSI cho biết Công ty cổ phần Tôn Đông Á (TDA) dự kiến sẽ chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) trong tháng 11 tới đây, trong đó gồm 12,37 triệu cổ phiếu sơ cấp và 2,98 triệu cổ phiếu thứ cấp, tương ứng 12% và 3% vốn điều lệ trước chào bán.
Nếu bán thành công 100%, tổng số cổ phiếu lưu hành sẽ tăng từ 102,32 triệu đơn vị lên 114,69 triệu đơn vị. Tôn Đông Á có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE trong tháng 1/2022.
Tôn Đông Á chủ yếu bán tôn mạ ở miền Nam và xuất khẩu
Tôn Đông Á được thành lập vào năm 1998, chuyên sản xuất thép cán nguội, tôn kẽm, tôn lạnh, tôn màu dùng trong xây dựng công nghiệp và dân dụng, hạ tầng giao thông, thiết bị gia dụng….
Hiện tại, công ty có hai nhà máy tại khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Đồng An 2 thuộc tỉnh Bình Dương, công suất hàng năm 850.000 tấn tôn.
Năm 2020, Tôn Đông Á tiêu thụ hơn 630.000 tấn tôn mạ ở trong nước cũng như xuất khẩu, chiếm 16% thị phần, đứng thứ 2 chỉ sau Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG). Trong 8 tháng đầu năm 2021, công ty bán ra gần 500.000 tấn tôn, tương đương 14,7% thị phần, xếp sau Hoa Sen và Nam Kim (Mã: NKG)
Chứng khoán SSI ước tính tổng sản lượng tiêu thụ năm 2021 của Tôn Đông Á có thể tăng 17% so với năm ngoái. Trong đó, thị trường nước ngoài là động lực chính với sản lượng xuất khẩu dự kiến tăng 152%, còn tiêu thụ trong nước sụt 44% do tác động của dịch COVID-19 và các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.
Tỷ trọng sản lượng xuất khẩu trên tổng tiêu thụ của Tôn Đông Á tăng từ 33,33% trong năm 2020 lên 61% trong 8 tháng đầu năm nay, số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy.
Thị phần tiêu thụ trong nước của Tôn Đông Á giảm từ 18,2% còn gần 15%.
Theo SSI, Tôn Đông Á hiện có 10 tổng đại lý lớn, 100 đại lý cấp 1 và hơn 900 đại lý cấp 2 trên cả nước. Công ty còn có hơn 25 nhà phân phối B2B thường xuyên mua trên 1.000 tấn/tháng, hơn 600 đại lý B2C với lượng mua trên 500 tấn/tháng và hơn 40 khách hàng thép tiền chế.
Thị trường tiêu thụ lớn nhất của công ty là khu vực phía Nam với sản lượng 8 tháng đầu năm nay là hơn 160.000 tấn, chiếm 19,5% thị phần tại miền Nam và trên 32% tổng bán hàng của Tôn Đông Á.
Dự báo lợi nhuận lập đỉnh mới
Biên lợi nhuận gộp ước tính cải thiện từ 7,4% trong năm 2020 lên 10,3% trong năm nay nhờ xu hướng tăng của giá thép. Công ty tận dụng được hàng tồn kho giá rẻ, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2021.
Kết quả hoạt động cải thiện cũng đến từ giá bán dự kiến cao hơn cho các khách hàng Châu Âu và Bắc Mỹ. SSI ước tính doanh thu và lãi sau thuế của Tôn Đông Á trong năm 2021 có thể đạt lần lượt 25.300 tỷ đồng và 1.260 tỷ đồng, tăng tương ứng 105% và 344% so với năm ngoái và đều là các mức cao nhất trong lịch sử.
Trong 6 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận lãi ròng 618 tỷ đồng, cao hơn 117% so với cả năm 2020.
Chứng khoán SSI cho biết các nhà sáng lập, ban quản lý và các bên liên quan khác kiểm soát 68% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Tôn Đông Á. Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT và cũng là người sáng lập Tôn Đông Á, đã gắn bó với công ty liên tục từ năm 1998.
Các nhà đầu tư tổ chức sở hữu 23,6% cổ phần, trong đó hai cổ đông chiến lược nước ngoài nắm 16,8%.
Biên lợi nhuận phụ thuộc vào giá HRC
Thép cuộn cán nóng (HRC) thường chiếm khoảng 80% giá thành sản xuất tôn mạ nên sự biến động của giá HRC sẽ ảnh hưởng đáng kể đến giá vốn hàng bán, SSI nhận định.
Formosa Hà Tĩnh là nhà cung cấp HRC lớn nhất của Tôn Đông Á, chiếm khoảng 30 - 40% giá trị đầu vào. JFE Holdings (Nhật Bản) cung cấp khoảng 20 - 30% lượng HRC với thời gian công nợ 90 - 120 ngày và mức giá ổn định hơn so với thị trường.
Các nguồn HRC chính khác bao gồm nhiều công ty nước ngoài như Nippon, Bao Steel, Kobe và Posco.
Tôn Đông Á và các công ty sản xuất thép dẹt trong nước khác thường có thể chuyển một phần giá HRC tăng cho khách hàng, nhưng việc biến động giá mạnh (đặc biệt là giảm giá) sẽ khiến các công ty gặp khó khăn trong việc quản lý hàng tồn kho và bảo đảm biên lợi nhuận.
Biên lợi nhuận gộp của Tôn Đông Á tăng từ 4% trong năm 2014 và 11,3% trong năm 2015 lên mức cao nhất lịch sử là 16,3% trong năm 2016. Biên lợi nhuận sau đó giảm xuống 11,9% trong năm 2017, ở mức khoảng 7% trong giai đoạn 2018-2020 một phần do xu hướng điều chỉnh của mặt bằng giá thép.
Biên lợi nhuận gộp giảm còn do áp lực cạnh tranh gay gắt từ cuối năm 2017, do công suất trong nước được mở rộng đáng kể. Tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong giai đoạn 2016-2017 được thúc đẩy bởi giá thép, khiến nhiều công ty tăng công suất từ 50% -100%, SSI cho biết.
Đồng thời, các công ty sản xuất thép xây dựng khác như Hòa Phát và Pomina (Mã: POM) cũng đã tham gia vào thị trường thép dẹt, làm gia tăng sự cạnh tranh.
Hòa Phát hiện nay đang chạy hết công suất dây chuyền tôn mạ 400.000 tấn/năm tại nhà máy ở Hưng Yên, đồng thời có lợi thế từ việc tự chủ nguồn HRC nguyên liệu.
Ngoài ra, việc hàng nhập khẩu có giá rẻ, chiến tranh thương mại năm 2018 và sự điều chỉnh giá thép đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nội địa, thúc đẩy các công ty cắt giảm biên lợi nhuận để tăng sản lượng tiêu thụ, tối ưu hóa công suất hoạt động, cắt giảm hàng tồn kho và giảm nợ.
Do đó, biên lợi nhuận của hầu hết các công ty thép dẹt trong giai đoạn 2018-2019 đều giảm và dần hồi phục từ năm 2020 sau khi hàng tồn kho của các công ty trở về mức an toàn hơn.