Doanh nghiệp tôn mạ đẩy mạnh xuất khẩu, Hoa Sen và Nam Kim chiếm trên 60%
Trong tháng 7 vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 428.000 tấn tôn mạ, giảm gần 6% so với tháng 6.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng và nhiều địa phương phải áp dụng biện pháp giãn cách, hoạt động kinh tế đình trệ kéo theo bán hàng tôn mạ trong nước sụt giảm, từ trên 170.000 tấn xuống còn gần 128.000 tấn.
Ngược lại, sản lượng xuất khẩu lại tăng thêm 17.000 tấn lên 300.000 tấn. Tỷ trọng xuất khẩu trên tổng tiêu thụ cải thiện từ 62% trong tháng 6 lên 70% trong tháng 7, vượt qua mức đỉnh hồi tháng 2, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).
Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) và CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) tiếp tục dẫn đầu thị phần xuất khẩu.
Cụ thể, Hoa Sen bán ra gần 158.000 tấn tôn trong tháng 7 vừa qua, trong đó có 123.000 tấn ra thị trường nước ngoài - chiếm 41% tổng xuất khẩu của ngành.
Nam Kim cũng xuất khẩu gần 62.500 tấn, chiếm tới 82% tiêu thụ của công ty và giành 21% thị phần xuất khẩu cả nước.
Tổng cộng Hoa Sen và Nam Kim kiểm soát hơn 60% lượng tôn mạ xuất khẩu của Việt Nam.
Hai doanh nghiệp này cũng đứng đầu cả nước về tiêu thụ tôn nói chung. Trong 7 tháng đầu năm, Hoa Sen đã bán ra gần 1,1 triệu tấn, giành 36,67% thị phần. Nam Kim tiêu thụ hơn 498.000 tấn, đứng thứ 2 với 16,78% thị phần.
Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) cũng đẩy mạnh mảng tôn mạ trong 7 tháng vừa qua với tổng sản lượng bán hàng gần 188.000 tấn, tương đương 6,3% thị phần, xếp sau Hoa Sen, Nam Kim và Đông Á.
Hoa Sen cho biết sản lượng xuất khẩu đang tăng trưởng mạnh ở các thị trường lớn như Bắc Mỹ và châu Âu. Tập đoàn đã ký hợp đồng xuất khẩu với khách hàng đến hết tháng 11/2021, với sản lượng xuất ngoại trung bình trên 120.000 tấn/tháng.
Trong điều kiện nhu cầu trong nước giảm sút vì dịch bệnh, kênh xuất khẩu trở thành cứu cánh giúp Hoa Sen duy trì sản lượng bán hàng ít nhất 160.000 - 170.000 tấn/tháng, mang về doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng/tháng.
Trong báo cáo phân tích về Nam Kim mới đây, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết tỷ trọng hàng tồn kho/tổng tài sản tại ngày cuối quý II đã tăng lên mức 42% nhưng vẫn ở khoảng an toàn nhờ đẩy mạnh tỷ trọng xuất khẩu.
Chênh lệch giữa biên lợi nhuận gộp của thị trường nội địa và xuất khẩu hiện vào khoảng 3-4% cho các hợp đồng tương lai giao sau ba tháng. Do đó, Mirae Asset dự phóng tỷ trọng doanh thu xuất khẩu/tổng doanh thu năm 2021 của Nam Kim sẽ tăng lên 60% so với 41% của năm 2020.