Hòa Phát sẽ tăng trưởng nhờ HRC trong những tháng cuối năm?
Trong 8 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp nước ta xuất khẩu khoảng 6,2 triệu tấn thép các loại. Trong đó, xuất khẩu tôn dẫn đầu cả về sản lượng tuyệt đối lẫn tỷ trọng trên tổng tiêu thụ.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các doanh nghiệp thành viên đã bán khoảng 2,1 triệu tấn tôn mạ ra thị trường nước ngoài, tăng 116% so với 8 tháng đầu 2020 và chiếm 61% tổng tiêu thụ. Trong bối cảnh thị trường nội địa trì trệ vì dịch bệnh, xuất khẩu đã trở thành cứu cánh do các nhà sản xuất tôn Việt Nam.
Thép cuộn cán nóng (HRC) – nguyên liệu để sản xuất tôn mạ - được xuất khẩu khoảng 925.000 tấn, tương đương 19% tổng tiêu thụ.
Tiềm năng xuất khẩu HRC của Hòa Phát
Hai doanh nghiệp sản xuất HRC lớn nhất Việt Nam hiện nay là Formosa Hà Tĩnh và Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) với sản lượng tiêu thụ lần lượt là 3,1 triệu và 1,8 triệu tấn.
Trong khi Formosa Hà Tĩnh bán toàn bộ HRC ra cho các doanh nghiệp khác thì Hòa Phát giữ lại một phần để sản xuất tôn mạ, ống thép, còn lại bán cho các đối tác trong nước.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng Hòa Phát có thể hưởng lợi từ hoạt động xuất khẩu tôn mạ và HRC trong những tháng cuối năm nay.
Giá HRC đang có sự phân hóa ngày càng lớn giữa các khu vực. Cụ thể, giá HRC xuất xưởng (EXW) tại Mỹ đã lên tới 2.100 USD/tấn, trong khi giá tại Việt Nam chỉ 900 USD/tấn. Với mức thuế nhập khẩu vào thị trường Mỹ là 25% và chi phí vận chuyển khoảng 200 USD/tấn, mức giá 900 USD của Hòa Phát tại thị trường nội địa tương đương mức giá 1.350 USD/tấn tại Mỹ (đã bao gồm thuế).
Một số nhà sản xuất HRC tại Việt Nam đã chào bán các sản phẩm với mức giá rất cạnh tranh vào thị trường Mỹ. VDSC kỳ vọng Hòa Phát có thể xuất khẩu khoảng 20% sản lượng HRC đến Mỹ trong quý IV với giá trung bình là 1.565 USD/tấn đã bao gồm thuế, cao hơn đáng kể so với mức giá 900 USD/tấn tại thị trường nội địa.
Ngoài ra, Hòa Phát cũng có thể hưởng lợi gián tiếp từ việc bán HRC cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tôn mạ, hoặc tự sản xuất tôn mạ từ HRC rồi xuất khẩu. Hòa Phát hiện có một nhà máy tôn tại Hưng Yên đang chạy hết công suất 400.000 tấn/năm.
Những tháng vừa qua, khi tiêu thụ thép xây dựng và ống thép chững lại, HRC và tôn mạ đã trở thành động lực tăng trưởng chính của Hòa Phát.
Trong 8 tháng đầu năm, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đã bán ra nước ngoài gần 129.000 tấn tôn chiếm 59% tổng tiêu thụ của doanh nghiệp và 6,2% sản lượng xuất khẩu toàn ngành.
Do nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường EU và các chính sách thương mại thuận lợi, Hòa Phát có thể duy trì sản lượng xuất khẩu tôn mạ sang châu Âu ở mức cao cho đến hết năm 2022.
Cụ thể, Hàn Quốc và Ấn Độ, hai trong số các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam, bị áp đặt hạn ngạch xuất khẩu lần lượt chỉ 170.000 tấn/năm và 210.000 tấn/năm, VDSC cho hay. Trong khi đó, thép HRC của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị EU áp thuế chống bán phá giá 4,7% -7,3% kể từ tháng 4, làm suy yếu khả năng cạnh tranh.
Hạn ngạch nhập khẩu tôn mạ kim loại mà EU cấp cho nhóm Việt Nam và một số nước khác đạt khoảng 2 triệu tấn/năm trong ba năm tới. Trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 300.000 tấn tôn mạ, chủ yếu là thép tấm mạ kim loại nhúng nóng. Do đó, vẫn còn nhiều dư địa cho các nhà sản xuất tôn mạ của Việt Nam.
Về nhu cầu, Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) dự báo sản lượng tiêu thụ thép của EU sẽ tăng 10,2% vào năm 2021 và 4,8% vào năm 2022 do các hoạt động sản xuất và xây dựng phục hồi sau đại dịch.
Lợi thế về chi phí sản xuất
Ngoài lợi thế về chính sách thương mại, chi phí sản xuất thép của Việt Nam nói chung và Hòa Phát nói riêng cũng thấp hơn so với doanh nghiệp nước ngoài.
Các nhà sản xuất thép châu Âu đang gặp nhiều khó khăn hơn trong cạnh tranh khi sàn giao dịch carbon được đưa vào hoạt động. Với giá carbon lên tới 60 USD/tấn, chi phí sản xuất tại EU sẽ cao hơn 110 USD/tấn so với Việt Nam và Ấn Độ do chi phí mua quyền phát thải, giả định mỗi tấn thép (luyện bằng lò cao BOF) thải ra 1,85 tấn CO2.
Các nhà sản xuất thép châu Âu cũng đang xây dựng các quy trình mới để thay thế lò cao, và sẽ có chi phí sản xuất cao hơn. Trung Quốc đang thúc đẩy sử dụng phế liệu nhiều hơn trong ngành thép và thay thế các lò cao kiểu cũ bằng các lò cao thân thiện với môi trường. Việc sử dụng nhiều phế liệu hơn sẽ dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn do giá phế liệu cao hơn khoảng 90% so với giá quặng sắt trên cùng một lượng sắt, VDSC cho hay.
Lệnh cấm than luyện cốc nhập từ Australia đã khiến giá thành sản xuất ở Trung Quốc cao hơn, ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp của đất nước tỷ dân. Trong 8 tháng đầu 2021, giá than luyện cốc CFR của Trung Quốc cao hơn giá FOB Australia 100-140 USD/tấn.
Giả sử một tấn thép sử dụng khoảng 0,75 tấn than luyện cốc và cước phí vận chuyển là 15 USD/tấn, giá thành sản xuất thép ở Trung Quốc có thể cao hơn ở Việt Nam 65-95 USD/tấn do chênh lệch giá than, VDSC ước tính.
Giá quặng sắt, chiếm khoảng 48% chi phí sản xuất phôi thép trong 12 tháng gần nhất, đã tăng liên tục từ mức khoảng 160 USD/tấn vào tháng 4 lên 220 USD vào tháng 6, rồi quay đầu giảm mạnh về 145 USD/tấn trong tháng 8 và sát mốc 100 USD/tấn trong những ngày cuối tháng 9.
VDSC ước tính chi phí sản xuất phôi thép của Hòa Phát sẽ tăng từ khoảng 500 USD/tấn trong quý II lên 556 USD/tấn trong quý III do giá quặng cao, rồi giảm xuống còn 525 USD/tấn trong quý IV khi thị trường quặng hạ nhiệt.
Một nguyên nhân khiến giá quặng đi xuống là do nhu cầu ở Trung Quốc suy yếu khi chính phủ tiếp tục thắt chặt nguồn cung và hoạt động xây dựng chậm lại vào mùa đông.
Theo WSA, hồi giữa tháng 9, Bộ Môi trường Trung Quốc đã thông báo một bản dự thảo về việc mở rộng quy định cắt giảm sản lượng thép từ 28 khu vực ra 64 khu vực ở các tỉnh Hà Bắc, Thiểm Tây, Sơn Đông và Hà Nam.
Trung Quốc đặt mục tiêu duy trì sản lượng thép năm 2021 ngang hoặc thấp hơn so với 2020, đồng nghĩa với việc sản lượng trong nửa cuối 2021 phải bị cắt giảm mạnh sau khi đã tăng 13% trong nửa đầu năm.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo Hòa Phát có thể đạt doanh thu 34.784 tỷ đồng và lãi ròng 8.248 tỷ đồng trong quý III, tăng lần lượt 41% và 119% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cả năm 2021, Hòa Phát được kỳ vọng ghi nhận 143.091 tỷ đồng doanh thu và 34.646 tỷ lãi ròng, tăng tương ứng 59% và 158%.