|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tôm Việt Nam cạnh tranh với Ấn Độ tại thị trường Nhật Bản

13:20 | 04/11/2020
Chia sẻ
Nhật Bản tiêu thụ gần 40% tổng lượng tôm sú xuất khẩu của Ấn Độ. Như vậy, tôm Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với tôm Ấn Độ trên thị trường này.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỉ trọng 16%. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản giảm trong cả 3 tháng của quí III năm nay. 

Trong 3 quí đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản chỉ tăng trong quí I trong khi giảm trong quí II và quí III. 

Quí III/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt trên 155 triệu USD, giảm 9,6% so với cùng kì năm ngoái. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt 433,2 triệu USD, giảm 2,6% so với cùng năm 2019.

Từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung trong đó có tôm của Nhật Bản giảm do dịch COVID-19 khiến hạn chế nhu cầu tại phân khúc dịch vụ thực phẩm, người dân hạn chế ăn ngoài.

Trong khoảng quí II năm nay, Nhật Bản tăng tiêu thụ tôm chế biến và sơ chế vì mọi người ở nhà nhiều. Doanh số bán tôm online và siêu thị đối với sản phẩm tôm tempura, lột vỏ, bỏ chỉ lưng, tôm tempura ăn liền tăng. 

Tuy nhiên, nhu cầu những mặt hàng này chững lại trong quí III. Mưa lớn và lũ lụt tại Nhật Bản trong tháng 6 cũng ảnh hưởng xấu tới nhu cầu tiêu thụ tôm tại Nhật Bản.

Trong cơ cấu tôm xuất khẩu sang Nhật Bản, tôm chân trắng chiếm 58,2%, tôm sú 24,6% và tôm biển 17,3%. Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sú Việt Nam sang Nhật tăng 2,4% trong khi xuất khẩu tôm chân trắng giảm 2,3%. 

Đối với tôm chân trắng, xuất khẩu tôm chân trắng chế biến của Việt Nam sang Nhật Bản tăng 1,4% trong khi tôm chân trắng tươi/đông lạnh giảm 5,4%. 

Trong khi đối với tôm sú, xuất khẩu tôm sú chế biến sang Nhật lại giảm 6,7% và xuất khẩu tôm sú tươi/đông lạnh tăng 3,6%.

Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam vẫn là nước cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 27,3% tổng giá trị nhập khẩu tôm vào nước này. Indonesia đứng thứ hai chiếm 16,2%, tiếp đó là Thái Lan với 15,8% và Ấn Độ với 15,5%. 

Giá trung bình nhập khẩu tôm từ Việt Nam và Thái Lan tương đương nhau với 11 USD/kg. Trong top các nhà cung cấp chính, Việt Nam phải cạnh tranh về giá với tôm Indonesia và Ấn Độ.

Đối với tôm nguyên liệu (HS 030617), thuế nhập khẩu vào Nhật Bản đối với tôm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ đều bằng 0%, thuế nhập khẩu đối với tôm Argentina và Trung Quốc đều là 1%. 

Trước khi được hưởng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, sản phẩm tôm mã HS 160521 và 160529 của Việt Nam sang Nhật lần lượt phải chịu thuế 1,08% và 1,42%.

Theo ITC, 8 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm vào Nhật Bản đạt 1,3 tỉ USD, giảm 7% so với cùng năm ngoái. Trong top 4 nguồn cung chính, nhập khẩu từ Ấn Độ tăng nhẹ 12%; nhập khẩu từ Việt Nam, Indonesia giảm nhẹ trong khi giảm mạnh nhập khẩu từ Thái Lan.

Đầu tháng 4/2020, Nhật Bản đã giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra tôm sú nhập khẩu vào Nhật Bản từ Ấn Độ từ 100% xuống 30% do kiểm tra không còn thấy chất furazolidone trong các lô tôm từ Ấn Độ. 

Điều này giúp tăng khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Nhật Bản. Nhật Bản tiêu thụ gần 40% tổng lượng tôm sú xuất khẩu của Ấn Độ. Như vậy, tôm Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với tôm Ấn Độ trên thị trường Nhật Bản.

So với một số nước châu Á khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singaprore, trong quí II năm nay, số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản tăng nhanh hơn, gây khó khăn cho việc kiểm soát tình hình dịch bệnh của Chính phủ Nhật. 

Năm 2020, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng thấp. Căng thẳng thương mại với Hàn Quốc, diễn biến chính trị tại Mỹ tiếp tục tác động đến kinh tế Nhật Bản. Điều này làm ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong đó có tôm của Nhật Bản trong năm 2020.

H.Mĩ