|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tốc độ thất bại trong kinh doanh đang tăng nhanh

08:12 | 09/03/2018
Chia sẻ
Một nghiên cứu cho thấy 40% doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500 hiện nay sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản trong 10 năm tới.
toc do that bai trong kinh doanh dang tang nhanh 'Những người sợ thất bại sẽ chẳng bao giờ thành công'

Tin về những thương hiệu nổi tiếng đối diện nguy cơ phá sản xuất hiện hầu như hàng tuần. Gần đây, báo giới nêu tên hàng loạt nhà bán lẻ như Toys R Us, Bon-Ton, Sears đang chật vật để tồn tại. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với những ngành khác.

Đương nhiên mọi doanh nghiệp đều có thể gục ngã. Dữ liệu cho thấy 86% công ty từng nằm trong danh sách Fortune 500 vào năm 1955 hiện đã phá sản hoặc "bán mình". Điều đáng sợ hơn là tốc độ thất bại đang tăng. Một nghiên cứu của Trường kinh doanh Olin của Đại học Washington ở thành phố St. Louis tại Mỹ cho thấy, 40% doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500 hiện nay sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản trong 10 năm tới.

Khi các doanh nghiệp cố gắng giảm nguy cơ thất bại, họ cần hiểu lý do khiến họ gục ngã. Người lãnh đạo giỏi nhưng chiến lược kinh doanh sai? Hoặc chiến lược kinh doanh đúng, nhưng họ lại chọn sai người lãnh đạo?

Câu hỏi ấy rất khó vì hầu hết doanh nghiệp không nghiên cứu sâu về chiến lược lãnh đạo.

toc do that bai trong kinh doanh dang tang nhanh
Không xây dựng chiến lược lãnh đạo là một trong những lý do chủ chốt tốc độ thất bại trong kinh doanh đang tăng nhanh.

“Nhiều nhà quản lý cấp cao không hiểu ý nghĩa của từ chiến lược lãnh đạo. Nếu một doanh nghiệp có một chiến lược lãnh đạo, họ luôn có sẵn nguồn cung nhà điều hành, nghĩa là họ phải đào tạo, chuẩn bị cho những người có khả năng đáp ứng nhu cầu của họ trong tương lai gần và dài hạn”, TS. Richard Wellins – nhà nghiên cứu cấp cao tại Công ty tư vấn lãnh đạo toàn cầu DDI và Adam Canwell – chuyên gia tư vấn quản trị của Ernst & Young nhận định trong một bài viết trên trang tin CNBC.

Mới đây, DDI và Ernst & Young đã thực hiện một nghiên cứu trên diện rộng mang tên Dự báo lãnh đạo toàn cầu 2018. Hơn 28.000 nhà lãnh đạo và nhà điều hành nhân sự trên khắp thế giới tham gia nghiên cứu.

Kết quả cho thấy hơn hai phần ba tổ chức, doanh nghiệp không hề có một chiến lược lãnh đạo nào. Đây là điều thực sự gây sốc. Hơn nữa, 31% nhà quản trị nhân sự nói rằng mối liên kết giữa kế hoạch lãnh đạo và kế hoạch kinh doanh của công ty/tổ chức thường rất yếu hoặc không có mối tương quan với nhau. Trong số này, những công ty hay tổ chức có chiến lược lãnh đạo cũng thường xây dựng chiến lược kinh doanh trước, rồi thiết kế chiến lược lãnh đạo phù hợp với chiến lược kinh doanh, chứ không kết hợp xây dựng song song 2 chiến lược.

Nghiên cứu cũng hé lộ sự khác biệt lớn giữa những tổ chức có chiến lược lãnh đạo hiệu quả và những tổ chức không có chiến lược lãnh đạo. Chẳng hạn, những tổ chức có những kế hoạch lãnh đạo tốt sẽ tăng gấp đôi cơ hội xác định được những kỹ năng cần thiết giúp các nhà lãnh đạo của họ thành công. Khả năng dự đoán nhu cầu lãnh đạo trong tương lai của họ cũng cao gấp 4,3 lần so với những tổ chức kia. Họ cũng có những hệ thống quản lý nhân tài tốt hơn, và khả năng có một hệ thống đội ngũ kế thừa cao hơn gấp 3 lần so với các tổ chức khác.

Wellins và Canwell vạch 4 bước để doanh nghiệp tạo ra chiến lược lãnh đạo hiệu quả:

Bước 1: Ban lãnh đạo hệ thống hóa rõ ràng những định hướng kinh doanh của công ty, xác định mục tiêu thành công cụ thể cho doanh nghiệp và cho những nhà quản trị.

Bước 2: Xác định cụ thể cách mà các nhà quản trị chưa đáp ứng được các đòi hỏi trong tương lai, xem xét cả về chất lượng lẫn số lượng lãnh đạo hiện tại. Cách phân tích như thế sẽ giúp doanh nghiệp phát hiện những khoảng trống kỹ năng, rồi tìm ranhững hành động cần phải thực hiện để xóa bỏ những khoảng trống đó.

Bước 3: Thực hiện những chương trình phát triển để xây dựng kỹ năng cho đội quản trị hiện tại để họ thực hiện các nhu cầu công việc trong tương lai. Nếu doanh nghiệp cần phải lấp đầy một vị trí nào đó, họ nên tuyển dụng nhân tài từ bên ngoài.

Bước 4: Phân tích dữ liệu để đánh giá thành công của những sáng kiến và lợi tức đầu tư từ những thay đổi.

4 bước này có vẻ đơn giản nhưng để thực hiện chúng, doanh nghiệp phải đầu tư mạnh về nguồn lực và thời gian. Họ cũng cần thực hiện kết hợp với những kế hoạch chiến lược của công ty, chứ không phải được thực hiện riêng lẻ.

Điều quan trọng nhất là những tổ chức có những chiến lược lãnh đạo hiệu quả có khả năng cao gấp 4 lần trong việc đánh giá những tác động kinh doanh dựa trên những sáng kiến của họ.

Khoảng 56% các công ty với các kế hoạch lãnh đạo tốt có chất lượng lãnh đạo cao, so với chỉ 20% các công ty với những kế hoạch lãnh đạo kém hiệu quả. Và họ cũng có xu hướng nhanh chóng tận dụng được các ứng viên nội bộ để lấp đầy các vị trí trống.

Để bắt đầu phát triển hoặc tinh chỉnh lại chiến lược lãnh đạo của công ty, Adam Canwell và Richard Wellins đưa ra 5 lời khuyên:

1. Đảm bảo sự kết nối liền mạch giữa chiến lược lãnh đạo và kế hoạch kinh doanh.

2. Sử dụng các kỹ thuật và mô hình kế hoạch nhân lực để hiểu rõ hơn về nguồn cung nhân lực của tổ chức so với nhu cầu trong tương lai.

3. Vẽ ra một bức tranh rõ ràng về những yếu tố cần thiết để công ty/tổ chức có một đội ngũ lãnh đạo thành công và thường xuyên cập nhật các mô tả này vì chúng có thể thay đổi theo thời gian.

4. Đề ra những mục tiêu, sáng kiến về quản lý nhân tài xung quanh những vị trí đang thiếu hụt nghiêm trọng.

5. Đừng nghĩ đến việc bắt đầu quá trình đó trừ khi tổ chức thực sự nghiêm túc trong việc đo lường các tác động liên tục từ việc thực thi các sáng kiến. Đây là điều quan trọng nhất.

Kim Cương