Tổ chức trong nước vẫn chưa dừng rút ròng, đột biến đến từ thương vụ Vinhomes bán cổ phiếu quỹ
VN-Index ghi nhận phục hồi tuần thứ hai liên tiếp, kèm theo thanh khoản gia tăng. Cụ thể, chỉ số sàn HOSE duy trì đà tăng trong 4 phiên đầu tuần (2 - 5/8) nhưng điều chỉnh nhẹ tại ngưỡng cản 1.350 điểm vào ngày cuối tuần. Dù vậy, xu hướng tăng điểm khá mạnh mẽ khi 19/19 ngành đều tăng điểm với 284 cổ phiếu tăng và 83 cổ phiếu giảm.
Thanh khoản thị trường cho thấy động lực tăng trở lại khi dao động quanh ngưỡng 20.000 tỷ trong tuần. Điểm tích cực là dòng tiền không còn co cụm tại 2 - 3 ngành như vài tháng vừa qua mà có sự luân chuyển thay phiên, phân bổ vào nhiều nhóm ngành khác nhau.
Trong tuần VN-Index diễn biến khởi sắc, khối tự doanh công ty chứng khoán và nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài lần lượt mua ròng 178 tỷ và 1.322 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Diễn biến trái chiều, tổ chức trong nước bán ròng 5/5 phiên, qua đó đẩy giá trị rút ròng cả tuần lên hơn 1.439 tỷ đồng.
Tổ chức nội chưa dừng xả cổ phiếu BĐS, đồng thời quay đầu mua ròng nhóm ngân hàng
Diễn biến theo từng nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng được các tổ chức nội mua ròng nhiều nhất tuần này qua kênh khớp lệnh. Giá trị mua ròng tại nhóm này là 133,5 tỷ đồng. Như vậy, có sự thay đổi vị thế của tổ chức trong nước ở nhóm ngân hàng, họ tập trung mua ròng tuần này thay vì rút ròng mạnh nhất tuần trước đó.
Dòng tiền từ tổ chức nội còn trở lại một số nhóm ngành như thực phẩm & đồ uống, dịch vụ tài chính (chứng khoán), du lịch & giải trí, ô tô & phụ tùng.
Ở chiều ngược lại, NĐT tổ chức trong nước chưa ngừng xả cổ phiếu dòng bất động sản, thậm chí còn nâng quy mô bán ròng gấp 2,3 lần tuần trước đó, lên gần 1.409 tỷ đồng.
Việc tổ chức nội gia tăng áp lực chốt lời lên nhóm bất động sản diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu ngành này đồng loạt bứt phá và trở thành nhóm đóng góp lớn nhất cho đà tăng của VN-Index tuần qua.
Tương tự, nhóm này còn hiện thực hóa lợi nhuận ở một số ngành tăng giá mạnh trong thời gian qua như công nghệ thông tin, hóa chất với giá trị rút ròng lần lượt là 124,8 tỷ và 83,9 tỷ đồng.
VHM dẫn đầu chiều bán ròng với giá trị gần 1.470 tỷ đồng
NĐT tổ chức trong nước bán ròng cả 5 phiên trong tuần, với tổng giá trị đạt hơn 1.400 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Cổ phiếu VHM dẫn đầu danh sách rút ròng với giá trị đạt hơn 1.465,4 tỷ đồng, bỏ xa vị trí thứ 2 và 3 là FPT và CTG với giá trị bán ròng lần lượt đạt 115 và 113,1 tỷ đồng.
Xu hướng chốt lời mã VHM diễn ra trong bối cảnh Vinhomes vừa công bố kết quả kinh doanh quý II khởi sắc. Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất đạt 28.725 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng thu từ bán bất động sản tăng trưởng 66% lên 26.018 tỷ đồng, chiếm hơn 90% tổng doanh thu Vinhomes.
Sau khi trừ chi phí, tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế trong quý II/2021 của Vinhomes đạt 10.303 tỷ đồng và lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 10.232 tỷ đồng, tăng lần lượt 202% và 198% so với cùng kỳ năm 2020.
Những cổ phiếu còn lại nằm trong Top bán ròng là DPM (86,1 tỷ đồng), TCO (79,3 tỷ đồng), FLC (64,1 tỷ đồng), SSB (52,1 tỷ đồng), HCM (39,5 tỷ đồng) và HSG (30,5 tỷ đồng). Ngoài ra, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 cũng bị NĐT tổ chức trong nước rút ròng 54,4 tỷ đồng.
Thống kê giao dịch tại chiều mua, cổ phiếu STB của Sacombank được tổ chức nội mua ròng mạnh nhất qua kênh khớp lệnh hôm nay với giá trị 103 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất ghi nhận giá trị vào ròng trên trăm tỷ đồng trong tuần qua.
Theo sau đó là cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu được gom ròng với giá trị trên 70 tỷ đồng. Hoạt động mua ròng còn diễn ra tại một số cổ phiếu ngân hàng khác như TCB (60,5 tỷ đồng), (52,1 tỷ đồng).
Cùng với nhóm ngân hàng, NĐT tổ chức trong nước còn tập trung giải ngân các mã như VIC (68,1 tỷ đồng), SSI (51,8 tỷ đồng), VCI (50,9 tỷ đồng), DXG (41,1 tỷ đồng), MSN (37,7 tỷ đồng) và DRC (34,7 tỷ đồng).