|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước chuyển bán ròng hơn 430 tỷ đồng tuần thị trường hồi phục, tập trung xả bluechip

20:00 | 08/08/2022
Chia sẻ
Trong tuần hồi phục của thị trường, tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) bán ròng cả 3/5 phiên với tổng giá trị rút ròng là 434 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 681 tỷ.

VN-Index ghi nhận 1 tuần giao dịch tích cực với sự phục hồi mạnh mẽ từ 1.200 lên vùng điểm 1.250. Bên cạnh đó, việc thanh khoản được cải thiện tích cực lên khoảng 17.000 tỷ đồng/phiên cho thấy tâm lý dòng tiền tỏ ra khá tích cực giúp cho VN-Index giao dịch sôi động hơn và tiếp tục hướng lên các vùng điểm cao.

Về diễn biễn cụ thể, sắc xanh lan tỏa trên diện rộng giúp VN-Index có được chuỗi 4 phiên tăng điểm thuyết phục vượt các kháng cực ngắn hạn để hướng lên khu vực 1.250. Trong đó dịch vụ tài chính, thép, bất động sản là 3 nhóm ngành dẫn sóng thị trường với mức tăng tốt nhất đóng góp tích cực vào chỉ số chung.

Áp lực chốt lời ngắn hạn và tâm lý thận trọng được thể hiện rõ ràng hơn vào 2 phiên cuối tuần khi đã tăng của VN-Index chững lại và chỉ dao động, rung lắc quanh mốc 1.250 với sự phân hóa rõ ràng hơn. Dòng tiền khối ngoại trong tuần vừa qua cũng thể hiện sự kỳ vọng vào thị trường Việt Nam khi mua ròng với hơn 1.440 tỷ đồng. Kết tuần VN-Index, tăng 46,41 điểm tương đương tăng 3,85% so với tuần trước.

Trong tuần hồi phục của thị trường, tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) bán ròng cả 3/5 phiên với tổng giá trị rút ròng là 434 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 681 tỷ.

Dòng tiền tổ chức trong nước chủ yếu rút khỏi nhóm bất động sản và ngân hàng

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều bán ròng của các tổ chức trong nước áp đảo khi diễn ra ở 12/18 nhóm ngành.

Là một trong các ngành giao dịch khởi sắc tuần qua, cổ phiếu bất động sản vẫn là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tuần với 349 tỷ đồng, quy mô rút vốn tăng 28% so với tuần trước đó.

Cùng chiều, dòng vốn nội đã chuyển hướng chốt lời cổ phiếu ngân hàng giữa bối cảnh một số cổ phiếu nhóm này trở lại dẫn dắt thị trường chung. Cụ thể, ngành này bị bán ròng 144 tỷ đồng đồng trong tuần vừa qua.

Tương tự, cổ phiếu họ dầu khí tiếp tục nằm trong Top bán ròng với gần 91 tỷ đồng. Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là thực phẩm & đồ uống (84 tỷ đồng), bán lẻ (84 tỷ đồng), công nghệ thông tin (73 tỷ đồng), du lịch & giải trí (47 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (32 tỷ đồng),…

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp bất ngờ được mua gom nhiều nhất với giá trị gần 154 tỷ đồng. Có thể thấy dòng tiền tổ chức nội đã chuyển hướng giải ngân vào ngành này sau khi bán ròng gần trăm tỷ đồng của tuần trước đó.

Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân của tổ chức nội cũng được đẩy mạnh ở nhóm thép với gần 60 tỷ đồng.

Tuần qua, cổ phiếu tài nguyên cơ bản có tuần giao dịch mạnh với tỷ trọng giá trị giao dịch đã được cải thiện lên 9,59% toàn thị trường, mức cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số giá ngành tăng 6,3%.

Tuy phục hồi mạnh trong tuần nhưng chỉ số giá ngành vẫn giảm 33,58% từ đầu năm đến nay, là nhóm giảm mạnh thứ 3 thị trường sau truyền thông và chứng khoán.

Chỉ số dòng tiền tích lũy và chỉ số dòng tiền của ngành thép trong mối tương quan với thị trường đều bắt đầu tăng mạnh từ đáy 1 năm thiết lập vào giữa tháng 7 nhưng vẫn mang giá trị âm, điều này cho thấy dòng tiền vào dòng thép khá quyết liệt trong giai đoạn thoát đáy nhưng lượng tiền rút ra trong vòng 1 năm qua lớn và dòng tiền mới chưa thể bù đắp.

Dòng tiền của tổ chức trong nước cũng được duy trì ở các một số lĩnh vực kinh doanh khác như hóa chất (55 tỷ đồng), ngoài ra còn có hàng cá nhân & gia dụng, y tế, truyền thông với giá trị không đáng kể.

Mã nào được mua/bán ròng nhiều nhất?

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tuần qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu MBB của MBBank. Mã này dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất lên tới 90,5 tỷ đồng. Thống kê có thấy, mã MBB lọt Top giao dịch mạnh nhất tuần qua, chỉ số giá cũng tăng gần 5,7% so với tuần trước đó.

Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 77,7 tỷ đồng cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect. Cùng chiều, dòng tiền tổ chức trong nước cũng thực hiện gom ròng KBC (49,9 tỷ đồng), HAH (49 tỷ đồng) và HPG (40,6 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Trở lại chiều bán ròng, danh mục bán ròng của nhà đầu tư cá nhân có sự góp mặt của VIC (172,2 tỷ đồng). Theo quan sát, trong khi khối ngoại trở lại mua ròng cổ phiếu của ông lớn Vingroup thì các tổ chức trong nước lại bán ra mạnh mẽ.

Một số cổ phiếu tài chính ngân hàng cũng chịu áp lực chốt lời từ các cá nhân như TCB (136 tỷ đồng), STB (94,4 tỷ đồng) và SSI (69,1 tỷ đồng). Đây là các cổ phiếu trụ đóng góp tích cực cho đà tăng của thị trường trong thời gian gần đây.

Cái tên cuối cùng trong danh mục Top5 bán ròng là PLX với 99,1 tỷ đồng. Mới đây, tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 7 tại trụ sở Bộ Công thương, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khẳng định ngoài đơn vị này, các doanh nghiệp khác cũng đang tích cực tìm những nhà cung cấp quốc tế để đa dạng hóa nguồn hàng cho mọi tình huống xảy ra.

Do đó, việc đảm bảo nguồn cung xăng, dầu từ nay đến cuối năm vẫn nằm trong tầm kiểm soát, theo Báo Chính phủ.

Linh Chi