|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước chỉ còn bán ròng nhẹ tuần VN-Index quay đầu điều chỉnh, tâm điểm DIG, ACB

17:09 | 19/03/2023
Chia sẻ
Kịch bản dòng tiền tại các nhóm nhà đầu tư có sự thay đổi so với tuần trước khi tổ chức trong nước đảo chiều bán ròng nhẹ 22 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 144 tỷ đồng.

Kịch bản dòng tiền tại các nhóm nhà đầu tư có sự thay đổi so với tuần trước khi tổ chức trong nước đảo chiều bán ròng nhẹ 22 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 144 tỷ đồng.

VN-Index tiếp tục trải qua một tuần giao dịch biến động. Cụ thể, chỉ số chung lao dốc trong hai phiên đầu tuần khi thông tin về sự kiện ngân hàng Silicon Valley Bank (SBV) phá sản đã dấy lên lo ngại về khủng hoảng tài chính lan rộng.

Sau đó thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hạ lãi suất điều hành phần nào giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư, kết quả là thị trường bật tăng mạnh hơn 20 điểm ở phiên giao dịch thứ Ba (14/3). Tuy nhiên, áp lực bán một lần nữa trở lại ở những phiên giao dịch cuối tuần khi sự kiện Credit Suisse xuất hiện.

Như vậy, VN-Index đóng cửa tuần thứ 11 của năm 2023 với 4 phiên giảm, 1 phiên tăng, giảm 7,86 điểm tương đương 0,75%, đóng cửa tại 1.045,14 điểm. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 10.403 tỷ đồng, tăng 20,8% so với tuần trước đó và hụt 12,7% so với trung bình 5 tuần gần đây.

Trong tuần, 15/19 ngành cấp 2 giảm giá, chỉ có 4 nhóm ngành du lịch & giải trí, dịch vụ tài chính, bất động sản và bảo hiểm tăng giá.

Kịch bản dòng tiền tại các nhóm nhà đầu tư có sự thay đổi so với tuần trước khi tổ chức trong nước đảo chiều bán ròng nhẹ 22 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 144 tỷ đồng. Tương tự, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán cũng chuyển hướng mua ròng 858 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng 710 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Dòng tiền tổ chức nội liên tục rút khỏi nhóm bất động sản, hóa chất

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều bán ròng của các tổ chức trong nước chiếm ưu thế khi diễn ra ở 11/18 nhóm ngành.

Trong đó, ngành ngân hàng được dòng tiền của các tổ chức nội hướng sự chú ý trong tuần 13 – 17/3 với giá trị gần 112 tỷ đồng. Cổ phiếu ngân hàng có tỷ trọng giá trị giao dịch tuần này tăng mạnh so với tuần trước và đều ở mức cao nhất trong vòng 10 tuần, tuy nhiên chỉ số giá nhành giảm nhẹ 0,26%.

Chỉ số dòng tiền tích lũy vào nhóm ngân hàng đang tăng mạnh trở lại từ đáy gần nhất, chỉ số dòng tiền trong mối tương quan với thị trường đang ở mức cao tương đối trong vòng một năm.

Bên cạnh đó, tổ chức trong nước cũng duy trì mua ròng gần 74 tỷ đồng ở nhóm thực phẩm & đồ uống.

Ngoài ra, nhóm công nghệ thông tin, dầu khí, y tế, hàng & dịch vụ công nghiệp, ô tô & phụ tùng, … cũng thu hút sự chú ý của dòng tiền với giá trị thấp hơn.

Ở phía đối diện, cổ phiếu bất động sản là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tuần với 148 tỷ đồng, chỉ số giá ngành giảm tăng nhẹ 0,75%.

Tương tự, cổ phiếu dịch vụ tài chính, hóa chất cũng nằm trong Top bán ròng với giá trị lần lượt là 62 tỷ đồng và 47 tỷ đồng.

Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là bán lẻ (27 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (25 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (23 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (22 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (13 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

DIG và ACB là tâm điểm bán ròng

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tuần qua không thật sự nối bật khi không mã nào hút ròng hơn 100 tỷ đồng. Cổ phiếu STB của Sacombank được tổ chức trong nước mua ròng mạnh nhất với 96,8 tỷ đồng.

Đối trọng với lực cầu của khối tổ chức nội, khối ngoại xả ròng mạnh nhất 357 tỷ đồng mã STB. Thời điểm trước Tết nguyên đán, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hàng nghìn tỷ đồng STB.

Tuần qua, STB dẫn đầu về giá trị giao dịch của nhóm ngân hàng với 2.927 tỷ đồng, cách xa mức 2.325 tỷ đồng của VPB xếp sau đó. Giá cổ phiếu giảm gần 3,7% về 25.050 đồng/cp.

Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 81,5 tỷ đồng cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Trái với nỗ lực nâng đỡ trong tuần trước đó, cổ phiếu VCB là tác nhân chính ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index tuần qua với mức đóng góp giảm hơn 3,5 điểm.

Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng VNM (44 tỷ đồng), SBT (40,2 tỷ đồng) và VIC (38,8 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Trở lại chiều bán ròng, danh mục bán ròng của tổ chức trong nước có sự góp mặt của DIG (151,3 tỷ đồng).

Liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, vừa qua Hội đồng quản trị (HĐQT) DIC Corp vừa thông qua nghị quyết về việc mua lại trước hạn lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng có mã DIGH2124001. Nguồn tiền dự kiến lấy từ hoạt động sản xuất kinh doanh và nguồn thu khác. Trái phiếu được mua lại theo hình thức thoả thuận trực tiếp với người sở hữu trái phiếu.

Mặc dù giải ngân vào STB và VCB, 3 cổ phiếu ngân hàng nằm trong danh mục rút vốn gồm ACB (40 tỷ đồng), TCB (27,3 tỷ đồng), LPB (20,9 tỷ đồng).

Linh Chi