|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tổ chức muốn cho VinFast vay 500 triệu USD: Là đối tác của VPBank, TPBank, SeABank

10:58 | 05/12/2023
Chia sẻ
Việt Nam là quốc gia mà DFC cam kết đầu tư lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trước VinFast, DFC đã cung cấp các khoản vay cho VPBank, TPBank hay SeABank.

Ngày 3/12 tại Dubai, trong khuôn khổ COP28, Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) ký ý định thư tài trợ 500 triệu USD cho VinFast Auto (Nasdaq: VFS) nhằm thúc đẩy phát triển giao thông điện hóa.

DFC là một tổ chức thuộc chính phủ Mỹ, được thành lập năm 2019 theo Đạo luật Sử dụng nguồn lực đầu tư của Mỹ và tập trung đưa nguồn lực tư nhân tới các khu vực đang phát triển.

DFC có sứ mệnh thúc đẩy các chính sách ngoại giao của Mỹ và thúc đẩy đầu tư phát triển trong khu vực tư nhân.

Các lĩnh vực đầu tư của DFC bao gồm năng lượng, chăm sóc y tế, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và các dịch vụ tài chính với các ưu tiên là trao quyền cho phụ nữ, đổi mới, đầu tư vào chống biến đổi khí hậu.

 Giám đốc điều hành DFC Scott Nathan. (Ảnh: Bloomberg).

Hoạt động đầu tư của DFC chủ yếu xoay quanh các sản phẩm như: Cho vay (debt financing), đầu tư vốn cổ phần (equity investments), quỹ đầu tư (investment funds), hỗ trợ kỹ thuật & nghiên cứu khả thi, và cuối cùng là bảo hiểm rủi ro chính trị (political risk insurance).

Trong đó, DFC cung cấp các khoản vay trực tiếp và bảo lãnh lên tới 1 tỷ USD với kỳ hạn tới 25 năm, bằng các chương trình cụ thể hướng vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ.

DFC có thể cung cấp các khoản đầu tư vốn cổ phần trực tiếp vào các công ty hoặc dự án ở các nước đang phát triển, được đánh giá là có tác động phát triển hoặc thúc đẩy chính sách đối ngoại của Mỹ. 

DFC cũng đầu tư bằng cách rót vốn vào các quỹ đầu tư tư nhân ở các thị trường mới nổi để giải quyết tình trạng thiếu vốn.

Dữ liệu từ Crunchbase, đến nay DFC đã có 71 khoản đầu tư. Mới nhất, tại COP28, DFC đã công bố cam kết đầu tư 50 triệu USD vào TechMet - một công ty đầu tư khoáng sản toàn cầu.

Khoản đầu tư lớn nhất của DFC trị giá 1 tỷ USD là vào Gavi - Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng, để đẩy nhanh tốc độ ứng phó với COVID-19, mua và giao vaccine cho các nước đang phát triển theo chương trình COVAX.

Thời gian gần đây, DFC hoạt động rất tích cực tại Việt Nam. Đầu tháng 11 năm nay, ông Scott Nathan đã có lần thứ hai làm việc tại TP HCM chỉ trong vòng hai tháng. Các lĩnh vực ưu tiên của DFC tại Việt Nam gồm năng lượng, nông nghiệp, y tế và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.

Với 737 triệu USD đã công bố, Việt Nam trở thành thị trường lớn nhất của Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ ở Đông Nam Á. 

Trong đó đáng kể nhất là cam kết khoản vay trị giá 300 triệu USD kỳ hạn 7 năm dành cho VPBank được ký vào tháng 9. Khoản vay nhằm hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đặc biệt là các doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ các dự án xanh, bền vững tại Việt Nam.

Cũng trong tháng 9, DFC cấp khoản vay tương tự trị giá 100 triệu USD cho TPBank hay 200 triệu USD cho SeABank trong năm ngoái.

Năm 2021, DFC cam kết khoản vay tài chính 37 triệu USD để xây dựng Đại học Fulbright tại TP HCM.

Về ý định thư tài trợ 500 triệu USD cho VinFast, nếu thành hiện thực đây sẽ là khoản đầu tư lớn nhất của DFC vào Việt Nam từ trước đến nay. Khoản tài trợ sẽ tùy thuộc vào kết quả đánh giá cho các dự án thiết lập cơ sở nghiên cứu, phát triển và sản xuất pin lithium-ion của VinFast tại Việt Nam.

Để nhận được khoản tài trợ, VinFast sẽ trải qua các đánh giá toàn diện trên nhiều tiêu chí, bao gồm: là doanh nghiệp Việt Nam có khả năng kinh tế/tài chính vững chắc, tuân thủ các yêu cầu của DFC và địa phương liên quan đến tác động phát triển, môi trường và xã hội, tuân thủ các yêu cầu pháp lý và quy định, cùng nhiều tiêu chí khác. 

Đức Huy