|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tinh vi 'mượn' xuất xứ

07:24 | 12/08/2019
Chia sẻ
Chuyện hàng hóa các nước, đặc biệt là Trung Quốc lẩn tránh xuất xứ để hưởng ưu đãi của VN khi xuất sang các thị trường khác đã được cảnh báo từ lâu. Nhưng chỉ đến khi Mỹ áp mức thuế “khủng”, lên tới 450% với thép, chúng ta mới thực sự giật mình.

Giật mình ở đây cũng chỉ là choáng về mức thuế bị áp, về những cảnh báo bao năm nay đã thành hiện thực, nhưng quan tâm thực sự đến vấn đề này thì nói thẳng là vẫn chưa. 

Ngoài Bộ Công thương liên tục họp hành, cảnh báo, đưa ra các chương trình hành động còn thì đa số các đơn vị liên quan vẫn khá chậm chạp.

Trong khi đó, các chiêu trò lẩn tránh xuất xứ để né thuế vào Mỹ, EU ngày càng tinh vi, ngày càng diễn biến phức tạp. 

Đơn giản nhất là nhập hàng vào VN rồi xuất sang nước thứ 3; làm giả hồ sơ xin cấp C/O (chứng nhận xuất xứ); thành lập doanh nghiệp (DN) xuất khẩu xong thì giải thể. 

Phức tạp hơn thì DN chuyển toàn bộ quy mô, hay chuyển một phần công đoạn sản xuất sang VN nhằm tận dụng các ưu đãi thuế mà chúng ta được hưởng từ các hiệp định thương mại đã ký kết.

Mà với các chiêu thức này, cần sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan, từ cơ quan duyệt, thẩm định, cấp phép đầu tư, cấp C/O, hải quan và chính các DN chứ chẳng riêng gì ngành công thương.

Đáng lo ngại là khi chúng ta còn chậm chạp, nhiều đơn vị vẫn còn coi như không phải việc của mình thì tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn hết sức căng thẳng. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới tuyên bố áp mức thuế 10% lên hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc trị giá 300 tỉ USD. Thuế cao, giá cao khó cạnh tranh, các DN Trung Quốc tìm mọi cách “mượn” VN “rửa” xuất xứ để bán hàng qua Mỹ. 

Thống kê cho thấy những mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cao thì gần như tương ứng, xuất khẩu chính các mặt hàng này từ VN qua Mỹ tăng mạnh. Nhiều hiệp hội, ngành hàng cũng bày tỏ lo ngại trước nguy cơ bị điều tra lẩn tránh thuế. 

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vừa tuyên bố ngưng nhập nông sản từ Mỹ thì “đón đầu”, nhập khẩu một số mặt hàng này từ Mỹ vào VN cũng gia tăng mạnh mẽ. Hé mở nguy cơ các DN Trung Quốc mượn VN nhập hàng Mỹ đưa về nước bán. 

Cả Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại lớn của VN, nếu không kiểm soát được tình trạng lẩn tránh xuất xứ, chuyển luồng đầu tư, nguy cơ bị vạ lây của VN là rất lớn.

Cũng cần phải nhắc lại là chẳng riêng gì 2 thị trường này, thời gian qua VN cũng đối mặt với một số vụ điều tra lẩn tránh xuất xứ ở một số nước như Ấn Độ, Ecuador... 

Chúng ta vẫn hay hô hào “đa dạng hóa thị trường” để tránh rủi ro, nhưng nên nhớ trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, nước nào cũng cảnh giác cao độ với gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ để bảo vệ hàng trong nước, nên không ở đâu là đơn giản cả.

Thống kế cho thấy, từ đầu năm đến nay trung bình mỗi tháng VN đối mặt với 1 vụ kiện phòng vệ thương mại. Nói thế để thấy, nếu các bộ, ngành liên quan không đồng tâm hiệp lực để kiểm soát tình hình thì thành tích xuất khẩu mỗi tháng có lẽ lại lo nhiều hơn là mừng.

Nguyên Khanh