Tình trạng dư cung kéo dài tiếp tục kìm hãm nhập khẩu tôm của Mỹ
Hàng tồn kho tăng cao, nhiều doanh nghiệp thiếu kho lạnh
Theo trang Undercurrent News, nhu cầu tôm của Mỹ có đang giảm không? Thị trường có đang trong trạng thái “rơi thị tự do” khi mà nguồn cung đang dư thừa trong nhiều tháng? Hay trạng thái suy giảm của thị trường dần chững lại khi các công ty nhập khẩu đang giảm các đơn đặt hàng và giải phóng bớt hàng tồn kho?
Với ông Travis Larkin, CEO của công ty nhập khẩu thuỷ sản Seafood Exchange, đây là những câu hỏi khó.
Trả lời cho những câu hỏi này, ông nói: “Hàng tồn kho đã đạt mức tối đa bởi những tháng đầu năm nhiều công ty tăng cường nhập hàng sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và cước tàu tăng cao. Hiện, tình hình bán hàng chậm lại do đó các nhà nhập khẩu cũng “hãm phanh” với các đơn hàng mới. Thị trường chỉ đơn giản là đang tìm điểm cân bằng”.
Số liệu mới nhất từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cho biết nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 7 giảm 12% so với tháng 6 xuống 67.782 tấn. Con số này cũng thấp hơn 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này được cho là không quá ngạc nhiên khi thị trường bắt đầu chững lại từ tháng 5 sau giai đoạn “bùng nổ” của 4 tháng trước đó. Kim ngạch nhập khẩu tôm trong tháng 7 cũng giảm 13% so với tháng 6 xuống 621,5 triệu USD.
Ông Larkin cho biết thị trường vẫn còn tồn động rất nhiều hàng. Tệ hơn nữa, một số nơi còn đang thiếu kho lạnh.
“Điều các doanh nghiệp đang phải đối mặt là giá tôm đang giảm dần. Ngoài ra, vấn đề nghiêm trọng khác là các kho lạnh đang quá tải. Vì vậy, tôi nghĩ rằng thị trường cần có sự điều chỉnh hơn nữa”, ông Larkin nói.
Jim Gulkin, CEO và cũng là đồng sáng tập của tập đoàn Siam Canadian Group cho biết: “Hoạt động mua hàng đang chậm lại và tồn kho tại Mỹ còn rất lớn. Một số nhà bán lẻ tiếp tục mua hàng để chuẩn bị cho các dịp lễ sắp tới nhưng không nhiều bởi hàng tồn kho của họ cũng đang rất lớn”.
Lượng hàng nhập khẩu từ các lớn cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái trong đó Ấn Độ (-21%), Indonesia (-13%), Việt Nam (-20%) và Thái Lan (-19%).
Chỉ có 9 trong tổng số 20 quốc gia xuất khẩu tôm sang Mỹ ghi nhận khối lượng hàng bán tại thị trường này trong tháng 7 tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Larkin cho rằng lạm phát cùng với yếu tố thời vụ (cuối mùa hè) khiến lượng tiêu thụ giảm mạnh.
“Ngay cả khi các nhà nhập khẩu có giảm mua hàng thì cũng không còn kho lạnh để chứa”, ông Larkin cho biết.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo giá lương thực sẽ tăng khổng 8,5%-9,5% trong năm nay. Trong đó, chi phí dành cho lương thực (dùng tại nhà) của các hộ gia đình tăng 10 - 11%, trong khi đó chi phí dùng bữa tại các nhà hàng cũng 6,5 - 7,5%.
Ecuador - nước duy nhất trong top 5 ghi nhận lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng
Ecuador là nước duy nhất trong top 5 quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất cho Mỹ ghi tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, lượng tôm Ecuador xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 7 đật 19.832 tấn trong tháng 7, trị giá 147 triệu USD, tăng 12% về lượng và tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu của cơ quan thuỷ hải sản Ecuador (CNA) cho thấy lượng tôm xuất khẩu trong tháng 7 đạt 103.305 tấn trong tháng 7, tăng 8% so với tháng 6 đồng thời là tháng thứ 3 liên tiếp xô đổ các kỷ lục cũ.
Về giá trị, hoạt động xuất khẩu tôm trong tháng 7 đem về 654 triệu USD, tăng 9% so với tháng 6. Xuất khẩu của Ecuador tăng mạnh trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đang dần “hồi sinh” sau 2 năm liên tiếp sụt giảm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Trong tháng 7, xuất khẩu tôm của Ecuador sang Trung Quốc tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái lên 55.000 tấn, phá vỡ mức kỷ lục thiết lập trước đó là 53.000 tấn hồi tháng 5/2020. Kim ngạch đạt 341 triệu USD, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặt khác, xuất khẩu sang Châu Âu lại giảm 10% so với cùng kỳ xuống 18.000 tấn, chủ yếu do tiêu thụ ở Pháp giảm.
Giá xuất khẩu ổn định mặc dù khối lượng bán hàng lớn, quanh mức 6,3 USD/kg, cao hơn chỉ 2% so với tháng 7 năm ngoái.