Tỷ lệ nuôi tôm thành công thấp, doanh nghiệp 'người sống tốt, kẻ chật vật'
Sao Ta khẳng định vẫn có lời
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) xuất khẩu tôm lại có dấu hiệu đi lùi khi ghi nhận giảm ba tháng liên tiếp.
Cụ thể, xuất khẩu tôm trong tháng 8 đạt 356 triệu USD, giảm 22% so với mức đỉnh 456 triệu USD hồi tháng 5 song vẫn tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đã chạm mốc 3 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP cho rằng xuất khẩu tôm đang có xu hướng chững lại khi tình hình lạm phát ở các thị trường chính như Mỹ, EU tăng cao và nguồn tôm nguyên liệu khan hiếm, chi phí cao vì thời tiết bất lợi.
Về vấn đề sản xuất, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho biết tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam chỉ dưới 40%. Con số này thấp hơn nhiều so với một số nước đối thủ như Thái Lan 55%, Ấn Độ 48%.
Tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam vốn dĩ đã thấp hơn các đối thủ, nay kèm theo thời tiết bất lợi, dịch bệnh trên tôm khiến giá tôm nguyên liệu tăng cao, tác động đến biên lợi nhuận của một số doanh nghiệp.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Khải, Thành viên HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta khẳng định Sao Ta nuôi tôm vẫn có lời bởi doanh nghiệp đã hợp tác với C.P Việt Nam trong mảng giống, đồng thời làm chủ về quy trình và công nghệ nuôi. Đó là lý do vì sao doanh nghiệp liên tục mở rộng vùng nuôi từ 300 ha lên 500 ha.
Hiện, vùng nuôi của Sao Ta mới chỉ đáp ứng được 30% nguyên liệu cho chế biến và chủ yếu phục vụ cho các thị trường xuất khẩu khó tính, yêu cầu truy xuất nguồn gốc cao.
“Với riêng Sao Ta, cả mảng nuôi tôm và chế biến đều hiệu quả, mảng này không phải gồng gánh cho mảng kia. Song phải khẳng định rằng mảng nuôi cho chúng tôi cơ hội bán hàng và lợi thế cạnh tranh.
Còn biên lợi nhuận cụ thể như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mùa vụ, thị trường… Ở thời điểm này, giá tôm nguyên liệu cao, mảng nuôi có lợi. Nhưng nhìn lại năm 2021, tiêu thụ chậm, giá tôm đi xuống, mảng nuôi không lãi nhiều”, ông Khải phân tích.
Ở quý II vừa rồi, biên lợi nhuận gộp của Sao Ta khoảng 11,7%, tăng 2,9 điểm % so với quý I và quý II/2021.
Tương tự như Sao Ta, biên lợi nhuân gộp quý II của một số doanh nghiệp lớn trong ngành tôm cũng khởi sắc khi vào mùa vụ, Minh Phú cao nhất với 19,9%, bật lên 8,3 điểm % so với quý I và nhích 2,8 điểm % so với quý II/2021.
Bàn về triển vọng ngành tôm 6 tháng cuối năm, ông Hồ Quốc Lực cho biết thông thường, quý III là cao điểm cho xuất khẩu tôm. Tuy nhiên, vụ nuôi chính năm 2022 tại miền Tây kết thúc sớm hơn dự kiến khoảng ba tuần vì dịch bệnh trên con tôm.
“Mọi năm, đầu quý III là cao điểm mùa tôm chính của năm, các doanh nghiệp chế biến tôm luôn ở trạng thái đủ nguyên liệu cho chế biến, đáp ứng các đơn hàng đã ký kết.
Hiện nay, mức phổ biến đáp ứng nguyên liệu ở các doanh nghiệp tôm là 2/3; thậm chí có ngày chỉ chỉ 1/2. Mặt khác, tôm cỡ lớn cũng giảm so năm trước. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho các doanh nghiệp tôm trả nợ đơn hàng”, ông Lực nói.
Đúng như ông Lực dự báo, nguyên liệu sẽ là bài toán cân não của các doanh nghiệp tôm trong quý III, kể cả với Sao Ta.
Ông Nguyễn Văn Khải cho biết ở mảng chế biến, Sao Ta chỉ sử dụng tôm tươi, doanh nghiệp không có chủ trương dự trữ nguyên liệu nên việc đối mặt với biến động giá nguyên liệu là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Sao Ta chủ yếu bán các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao nên vẫn giữ được biên lợi nhuận khá tốt.
Ngoài ra, doanh nghiệp tập trung cơ giới hóa và quản lý sản xuất để giảm chi phí, đảm bảo lợi nhuận. Mặt khác, Sao Ta có những khách hàng lớn, có thể đàm phán và chia sẻ với doanh nghiệp những lúc giá cả biến động.
“Biến động giá nguyên liệu là vấn đề chúng tôi có thể vượt qua được. 8 tháng đầu năm, doanh thu của Sao Ta đạt 3.805 tỷ đồng, tăng gần 22% so cùng kỳ năm ngoái và tương ứng 70,4% kế hoạch cả năm.
Với tình hình này, chúng tôi tự tin về đích kế hoạch, còn vượt hay không phụ thuộc vào tình hình sản xuất, xuất khẩu trong quý IV”, ông Khải nói.
Mảng chế biến của Thuận Phước phải bù lỗ cho mảng nuôi
Nếu như Sao Ta cho rằng có thể sống tốt trong biến động giá nguyên liệu thì một doanh nghiệp ngành tôm khác là CTCP Thủy sản Thuận Phước lại khá chật vật.
Trao đổi với người viết, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Thuận Phước cho rằng tỷ lệ nuôi tôm thành công ở mức thấp khiến giá thành sản xuất của Việt Nam luôn cao hơn các nước khác khoảng 1-2 USD/kg.
Chủ tịch Thuận Phước nhận định mảng nuôi tôm của Việt Nam đang khá “ì ạch và phụ thuộc” bởi chưa quy hoạch vùng nuôi tốt, môi trường dễ bị ô nhiễm và lây lan dịch bệnh; nguồn giống tốt đều phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI; giá thức ăn chăn nuôi cao hơn các nước khác 20-30% do phụ thuộc vào nguyên liệu thế giới.
“Lợi thế của doanh nghiệp tôm Việt Nam là sản phẩm chế biến sâu. Hiện, các doanh nghiệp Việt không còn xuất khẩu nguyên liệu, sơ chế nữa mà chủ yếu bán sản phẩm giá trị gia tăng. Mà lâu nay, chính chế biến bù lỗ cho mảng nuôi”, ông Lĩnh nói.
Khó khăn về mặt nguyên liệu đã khiến biên lợi nhuận gộp trong quý II của Thuận Phước giảm 0,2 điểm % so với cùng kỳ năm 2021, xuống còn 9,8%.
“Xuất khẩu tôm nửa cuối năm sẽ khá ảm đạm vì không có nguyên liệu, thậm chí có nguyên liệu, làm ra sản phẩm cũng không biết bán cho ai vì lạm phát cao kỷ lục ở Mỹ và EU, đồng bạc mất giá và người dân thắt chặt chi tiêu. Bản thân Thuận Phước sẽ khá chật vật để duy trì biên lợi nhuận ở mức khả quan”, ông Lĩnh nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Thuận Phước cảnh báo hiện ngành tôm Ấn Độ đang tích cực đầu tư cho chế biến sâu, nếu doanh nghiệp ngành tôm Việt không nâng cấp sản phẩm thì sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt, thậm chí đi lùi.
Để cân bằng lợi nhuận ở cả mảng nuôi và chế biến, ông Lĩnh cho rằng việc quy hoạch lại vùng nuôi đóng vai trò tiên quyết, khi có vùng nuôi trọng điểm doanh nghiệp mới dám bỏ tiền đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ, giảm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh ở tôm.
Ngoài ra, đầu tư vào con giống cũng giúp các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và cải thiện biên lợi nhuận. Bởi, con giống là tiền đề của chăn nuôi, con giống kháng bệnh, hấp thu tốt sẽ có tỷ lệ sống cao, giá trị thương phẩm.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/