Tin tức Thời sự 27/7: Đề nghị xem xét kỷ luật nhiều tướng công an, quân đội
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa có thông cáo báo chí kỳ họp 28. Theo đó, từ ngày 24 - 26/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 28 dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Tại kỳ họp này, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an.
Theo đó, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Tổng cục IV) đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất an ninh và quản lý tài sản công; bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, liên kết kinh doanh, cho thuê đất an ninh không đúng quy định pháp luật.
Trung tướng Bùi Văn Thành (trái) và Thượng tướng Trần Việt Tân (phải). |
Trung tướng Bùi Văn Thành, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp phụ trách Tổng cục IV, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục IV cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục IV...
2. Đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Thượng tướng Phương Minh Hòa
Tại kỳ họp thứ 28 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa diễn ra tại Hà Nội, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng và các cá nhân liên quan về các vi phạm đã được kết luận tại Kỳ họp 27 trước đó của cơ quan này.
Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với Thượng tướng Phương Minh Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân.
Đề nghị Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân nhiệm kỳ 2010 - 2015...
3. Dự án điện khí LNG 4 tỷ USD tại Bạc Liêu có thể phát điện 1.000 MW vào năm 2021
Mới đây, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào dự án Nhà máy sản xuất điện khí thiên nhiên hóa lỏng (khí LNG) 4 tỷ USD tại Bạc Liêu.
Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tiềm năng rất lớn để đầu tư các dự án điện khí, hiện có rất nhiều nhà đầu tư đang quan tâm muốn đầu tư xây dựng nhà máy điện khí tại khu vực này.
Thủ tướng hoan nghênh các đối tác đã quan tâm tìm hiểu và đề xuất đầu tư dự án. Nhất trí với các ý kiến cho rằng dự án có nhiều điểm ưu việt, Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với EVN và các bộ, ngành liên quan xem xét điều chỉnh Tổng sơ đồ điện VII, nếu dự án tính khả thi cao thì bổ sung dự án này để có thể phát điện 1.000 MW vào năm 2021, báo cáo Thủ tướng Chính phủ...
4. Bộ Giao thông thừa nhận trạm BOT đặt 'nhầm chỗ' trên Quốc lộ 3
Báo cáo Chính phủ về việc ghép đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn vào dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện Quốc lộ 3 mới, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết trạm BOT đặt "nhầm chỗ" trên Quốc lộ 3 dẫn đến không đảm bảo công bằng cho người sử dụng, đầu tư một nơi và thu phí một nơi (BOT).
Theo Bộ GTVT, Bộ này đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số kiến nghị của tỉnh Bắc Kạn và việc đầu tư hoàn chỉnh Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội – Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc và đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn.
Bộ GTVT đã triển khai các công việc cần thiết theo quy định, giao cho TEDI chủ trì nghiên cứu phương án đầu tư. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ các phương án đầu tư, xin chủ trương điều chỉnh phạm vi Dự án để đầu tư thêm đoạn tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn...
5. Đầu tư từ Singapore vào Việt Nam dự báo tăng trong hai năm tới
Một nghiên cứu từ Ngân hàng HSBC chỉ ra rằng tổng đầu tư từ các doanh nghiệp tại Singapore vào thị trường ASEAN đến năm 2020 được kỳ vọng sẽ tăng, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường chính. Thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng và môi trường đầu tư cải thiện của Việt Nam là những yếu tố chính dẫn đến các kế hoạch mở rộng đầu tư này của doanh nghiệp Singapore.
Khảo sát do Liên đoàn Doanh nghiệp Singpore thực hiện theo ủy quyền của HSBC tìm hiểu về nhận định của 1.036 doanh nghiệp tại Singapore về kế hoạch của họ đối với việc mở rộng hoạt động ra nước ngoài. 86% doanh nghiệp được khảo sát là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) với doanh thu hàng năm ở mức 100 triệu đô la Mỹ hoặc có ít hơn 200 nhân viên.
Theo khảo sát này, Việt Nam là điểm đến thu hút đối với các doanh nghiệp Singapore có kỳ vọng mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế...