|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tin tức Thời sự 25/7: Vỡ đập thủy điện Lào, Hoàng Anh Gia Lai thuê máy bay giải cứu công nhân, mở rộng kiểm tra Con Cưng

19:00 | 25/07/2018
Chia sẻ
Tin tức Thời sự ngày 25/7 nổi bật với các thông tin: TGĐ Hoàng Anh Gia Lai lên tiếng về tin thuê máy bay giải cứu công nhân vụ vỡ đập thủy điện tại Lào, Bộ Công thương mở rộng kiểm tra Con Cưng, hoàn thành việc xử lý 12 'đại dự án' thua lỗ vào năm 2020...

1. Năm 2020, hoàn thành việc xử lý 12 'đại dự án' thua lỗ

Sáng 25/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp giao Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (gọi tắt là Ban Chỉ đạo).

Đề cập đến xiệc xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, Ban Chỉ đạo cho biết, sau hơn một năm triển khai xử lý, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi là Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung.

4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định là Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, Công ty DQS...

2. Mở rộng kiểm tra Con Cưng

Sau ồn ào nghi vấn gian lận thương mại của chuỗi siêu thị mẹ và bé Con Cưng, ngày 24/7, Bộ Công thương đã ban hành quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đối với Công ty cổ phần Con Cưng (đăng ký kinh doanh tại số 101 - 103 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TP HCM; văn phòng tại Tầng 4 tòa nhà Lawrence S.Ting, Phú Mỹ Hưng, 801 Đại lộ Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phú, quận 7) và các chi nhánh, cửa hàng, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nêu trên.

Thời kỳ kiểm tra là từ tháng 1/2017 đến thời điểm kiểm tra. Thời hạn kiểm tra là 10 ngày làm việc tại mỗi đơn vị, kể từ ngày công bố quyết định.

3. Vì sao công trình đập thủy điện của Lào bị vỡ?

Công trình đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy đang được xây dựng tại phía nam Lào bất ngờ bị vỡ vào tối 23/7, trút 5 tỷ mét khối nước xuống khu vực hạ lưu. Sự cố bất ngờ này khiến nhiều người thiệt mạng, hàng trăm người mất tích và gần 7.000 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Với kinh phí xây dựng 1,02 tỷ USD, đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy do Công ty năng lượng Xe-Pian Xe-Namnoy, hay còn gọi là PNPC, xây dựng và quản lý. Đây là dự án hợp tác giữa các công ty đa quốc gia gồm Ratchaburi Electricity Generating Holding của Thái Lan, SK Engineering & Construction của Hàn Quốc, Korea Western Power của Hàn Quốc và Lao Holding State Enterprise của Lào.

Theo trang tin Nikkei, trong thông báo phát đi ngày 24/7, công ty Ratchaburi cho biết lượng mưa trút xuống quá nhiều trong những ngày vừa qua đã gây ra tình trạng vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy, khiến nước ồ ạt tràn xuống các ngôi làng ở khu vực hạ lưu.

“Sự cố này xảy ra do mưa liên tiếp khiến nước chảy vào bể chứa của đập tăng cao”, thông báo của Ratchaburi cho biết.

4. TGĐ Hoàng Anh Gia Lai lên tiếng về tin thuê máy bay giải cứu công nhân vụ vỡ đập

Tối 24/7, một số trang thông tin trên mạng xuất hiện tin đồn CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thuê máy bay trực thăng để giải cứu 26 công nhân bị kẹt trong nước lũ Champasak, do hậu quả vỡ đập ở Attapeu, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Tuy nhiên, trao đổi với PV trong tối cùng ngày, ông Võ Trường Sơn – Tổng Giám đốc HAGL – đã phủ nhận tin đồn trên.

Ông Võ Trường Sơn khẳng định: “Không có bất kỳ công nhân nào của Hoàng Anh Gia Lai bị mắc kẹt trong nước lũ ở Lào. Thông tin xuất hiện trên mạng là không chính xác. Khu vực xảy ra vỡ đập thủy điện nằm cách rất xa dự án của Hoàng Anh Gia Lai nên công ty không bị ảnh hưởng gì”.

Tuy nhiên, sau đó ít phút ông Sơn chủ động liên lạc lại với PV Infonet và thông tin xác nhận có 26 công nhân trồng cao su đang làm việc cho Hoàng Anh Gia Lai tại Lào đang kẹt tại một khu đồi thuộc vùng bị vỡ đập và HAGL vừa lên kế hoạch thuê máy bay đi Lào giải cứu các công nhân ngay trong ngày mai.

5. Số phận những 'xác sống' của Tập đoàn Hóa chất bây giờ ra sao?

Báo cáo mới nhất của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho thấy cả 4 đại dự án thua lỗ của Tập đoàn này đã bứt phá và bước qua giai đoạn khó khăn nhất để giảm lỗ và có lợi nhuận. Dù vậy, theo tập đoàn mẹ Vinachem vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Phương án sản xuất kinh doanh 3 năm (2018-2020) được Vinachem trình Ban chỉ đạo Chính phủ cho thấy ngay từ đầu năm 2018, việc khắc phục và xử lý khó khăn tại 4 dự án thua lỗ đã tiếp tục được đẩy mạnh.

4 đơn vị gồm Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình; Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP – Vinachem và Công ty CP DAP số 2 Vinachem được cho là đã khắc phục được một số khó khăn, đẩy mạnh công tác quản trị doanh nghiệp, bước đầu ổn định và nâng cao sản lượng sản xuất.

Vinachem cho hay, dù một số chính sách đề xuất liên quan đến việc tiếp cận và huy động vốn lưu động gặp nhiều khó khăn vẫn chưa được giải quyết nhưng 4 đơn vị kể trên vẫn bám sát kế hoạch đặt ra, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tương đối tốt. Trong đó, Đạm Hà Bắc và DAP2 đã giảm lỗ đáng kể so với cùng kỳ, công ty DAP1 đã có lãi tương đối cao...

Xem thêm

Khánh Hà