|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tin tức Bất động sản ngày 1/3: Hà Nội xin khu đất thuộc khu liên hợp thể thao quốc gia làm trường đua F1

20:13 | 01/03/2019
Chia sẻ
Tin tức Bất động sản ngày 1/3 có những bài đáng chú ý như Đầu tư T3 Tân Sơn Nhất: Tổ chức đấu thầu cạnh tranh giữa ACV và FLC?; Hà Nội xin khu đất thuộc khu liên hợp thể thao quốc gia làm trường đua F1; Mời các tiến sĩ 'giải cứu' bãi đá 7 màu....

1. Đầu tư T3 Tân Sơn Nhất: Tổ chức đấu thầu cạnh tranh giữa ACV và FLC?

Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến việc đầu tư mở rộng nhà ga T3 của Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, hiện đã có chỉ đạo là ưu tiên huy động nguồn vốn xã hội hóa, vậy Chính phủ và Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo mới chưa? Liệu có để doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng nhà ga T3 hay không?

Tin tức Bất động sản ngày 1/3: Hà Nội xin khu đất thuộc khu liên hợp thể thao quốc gia làm trường đua F1 - Ảnh 1.

Bộ GTVT có nhận được đề nghị của Tập đoàn FLC xin đầu tư nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất nhưng doanh nghiệp vẫn chưa có báo cáo cụ thể. (Ảnh minh họa)

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trên cơ sở quy hoạch chi tiết cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã được phê duyệt và trước sự cấp bách về đầu tư trong điều kiện ách tách cả bầu trời và mặt đất của sân bay Tân Sơn Nhất, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông Vận tải: đặt nhà ga T3 là một trong những công trình ưu tiên đầu tư.

Bộ GTVT đã công khai quy hoạch. Hiện tại, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được giao quản lý khai thác cả cảng hàng không, đơn vị này đã đề nghị được đầu tư nhà ga T3 và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, từ ngày 29/9/2018, ACV đã chuyển về Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

"Vì vậy, chủ trương đầu tư nhà ga T3 đang được xem xét trên cơ sở huy động vốn của các cơ quan, được xác định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là huy động vốn xã hội hóa, vốn doanh nghiệp để đầu tư, sẽ liên quan đến cơ quan chủ quản quản lý về đầu tư đó", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

2. Hà Nội xin khu đất thuộc khu liên hợp thể thao quốc gia làm trường đua F1

Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao khu đất ký hiệu 1B trong Khu Liên hợp Thể thao quốc gia quận Nam Từ Liêm từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về UBND TP Hà Nội để thực hiện các dự án phục vụ tổ chức giải đua công thức 1 (F1).

Tháng 11/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thống nhất và đề nghị Bộ Tài chính chuyển giao khu đất 1B tại Khu liên hợp thể thao quốc gia sang cho TP Hà Nội.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến: Trường hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không có nhu cầu sử dụng khu đất trên và UBND TP Hà Nội có nhu cầu sử dụng cho dự án F1 thì việc chuyển giao khu đất này về địa phương thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên khu đất 1B nằm trong tổng thể khu đất đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Khu liên hợp Thể thao quốc gia, vì vậy việc chuyển giao này phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Bộ Tài chính đề nghị TP Hà Nội phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Thủ tướng xem xét.

3. Mời các tiến sĩ 'giải cứu' bãi đá 7 màu

Ngày 1-3, một nguồn tin cho biết, Sở TN&MT Bình Thuận đã mời các giảng viên là các tiến sĩ của Trường Đại học Thủy lợi; Viện Tài nguyên môi trường đến xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong để tham gia "giải cứu" bãi đá 7 màu.

Đây là đoàn chuyên gia được mời theo yêu cầu của UBND tỉnh Bình Thuận sau khi bãi đá 7 màu, một danh thắng độc đáo ở đây bị xâm hại nghiêm trọng và PLO. VN đã phát hiện và có nhiều tin bài phản ảnh.

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT; Sở VH TT&DL; UBND huyện Tuy Phong khẩn trương tổ chức đoàn công tác gồm các chuyên gia về tài nguyên môi trường, thủy lợi, bảo tồn bảo tàng kiểm tra, đánh giá cụ thể.

4. Khu đất của AVG trong 'thương vụ nghìn tỷ' với Mobifone giờ ra sao?

Khu đất rộng 11ha thuê của nhà nước cho mục đích sản xuất nông nghiệp (tại phường Biên Giang, quận Hà Đông) của Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh được AVG mua lại với giá cao gấp 17 mệnh giá cổ phần hiện nay gần như bỏ hoang, một phần khu đất cho các công ty thuê với mục đích khác... Trong khi, dự án bất động sản dự kiến hình thành trên khu đất này vẫn chưa thấy đâu.

5. Đất giao thông chiếm dưới 9% diện tích đất đô thị tại Hà Nội và TP HCM

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội nhận định: "Hiện Việt Nam còn đang thiếu hai trong số ba tiêu chí đánh giá mức độ thuận tiện trong di chuyển: dịch vụ giao thông chia sẻ & hệ thống tàu điện. Trong khi đó, xét trên tiêu chí cuối cùng – cơ sở hạ tầng đô thị, Hà Nội & TP HCM còn nhiều điểm có thể cải thiện".

Bà Đỗ Thị Thu Hằng dẫn báo cáo tiêu điểm "Giao thông đô thị" của Savills năm 2017 cho biết, hai thành phố của nước ta dành chưa đến 9% diện tích đô thị cho đất giao thông, thấp hơn các thành phố như Thượng Hải, Seoul, Singapore & Tokyo (bốn thành phố của châu Á nằm trong top 30 thành phố công nghệ của Savills) – nơi tỷ lệ này chiếm trên 12%. Ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP HCM vẫn còn là một vấn đề đáng lo ngại.

N.Linh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.