|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tin kinh tế trước giờ giao dịch (30/9): Chứng khoán Mỹ đảo chiều giảm trước cuộc tranh luận Trump - Biden

08:25 | 30/09/2020
Chia sẻ
Tin kinh tế/tài chính hôm nay có các tin nổi bật: GDP 9 tháng tăng 2,12%, thấp nhất trong một thập kỉ nhưng vẫn là thành công lớn; Chứng khoán Mỹ sa sút trước cuộc tranh luận Trump - Biden đầu tiên; Giá vàng tiếp tục tăng, đạt ngưỡng 1.898 USD/ounce.
Tin kinh tế trước giờ giao dịch (30/9): Chứng khoán Mỹ đảo chiều giảm trước cuộc tranh luận Trump - Biden - Ảnh 1.

Kinh tế Mỹ - Trung chưa đi hai ngả như ông Trump từng đe dọa

Trong vài tháng qua, Washington bắt đầu nhắm đến các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như hãng thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới Huawei Technologies, công ty mẹ ByteDance của ứng dụng nổi tiếng TikTok và gần nhất là hãng chip lớn nhất Trung Quốc SMIC. 

Bắc Kinh cũng dự kiến đưa các công ty nước ngoài vào "danh sách thực thể không đáng tin cậy" mà chính phủ đang phát triển.

Tuy nhiên, nhiều tập dữ liệu cho thấy quá trình tách rời hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể khá khó khăn, ít nhất là ở thời điểm hiện tại vì mối quan hệ song phương Mỹ - Trung đã hình thành nhiều "dây mơ rễ má" hơn trong thập kỉ qua.

Lo ngại khối nợ khổng lồ của ông Trump ảnh hưởng an ninh quốc gia

Hôm 28/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (Đảng Dân chủ) bày tỏ lo ngại rằng các khoản nợ khổng lồ của Tổng thống Trump có thể tác động tới "an ninh quốc gia" của nước Mỹ.

"Tổng thống Trump dường như đang có khoản nợ hơn 400 triệu USD. Nợ ai đây? Nợ nhiều nước khác nhau? Các chủ nợ có ảnh hưởng thế nào? Đối với tôi, khối nợ khủng của ông ta đặt ra câu hỏi về an ninh quốc gia", Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi bày tỏ trong cuộc phỏng vấn với đài MSNBC.

60% người lao động Trung Quốc tụt lại phía sau đà phục hồi kinh tế

Nền kinh tế Trung Quốc dường như đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng COVID-19. Xuất khẩu tăng trưởng ở mức hai con số và doanh số bán lẻ - từng sụt giảm trong nhiều tháng liền, đã tăng trở lại mức trước đại dịch.

Theo tổ chức phi lợi nhuận China Household Finance Survey (CHFS), hầu hết các hộ gia đình thuộc nhóm 60% nghèo nhất đất nước (tức các hộ có thu nhập dưới 100.000 nhân dân tệ, tương đương 14.650 USD/năm) cho biết tài sản của họ giảm trong nửa đầu năm 2020.

Trong khi đó, các hộ gia đình kiếm được hơn 300.000 nhân dân tệ/năm báo cáo khối tài sản của họ đã tăng lên. Thu nhập của người dân Trung Quốc chia rẽ như thế một phần là vì kích thích tài khóa của Bắc Kinh khác với Washington.

Tin kinh tế trước giờ giao dịch (30/9): Chứng khoán Mỹ đảo chiều giảm trước cuộc tranh luận Trump - Biden - Ảnh 2.

Công thức để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu hậu COVID-19

Ngày 29/9, Ngân hàng Thế giới Word Bank (WB) tổ chức Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam với chủ đề: "Việt Nam: Hành động để Phục hồi Tăng trưởng theo hướng Bền vững và Bao trùm trong Kỉ nguyên COVID-19". 

Về ngắn hạn, Việt Nam nên nới lỏng hạn chế đối với dòng vốn FDI đồng thời vẫn cảnh giác với việc ngăn chặn vi rút lây lan.

Về trung hạn, Việt Nam nên thực hiện các biện pháp, xây dựng các chiến lược chủ động để thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung.

Về dài hạn, chú trọng phát triển kĩ năng của con người là rất quan trọng. Mức độ phát triển kĩ năng của Việt Nam chỉ mới bằng 1/5 so với các nước phát triển. Đây là yếu tố then chốt giúp các quốc gia này phát triển được trong dài hạn.

VDSC: FDI vào Việt Nam khó có thể phục hồi mạnh vào năm 2021

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố nhận định về cơ hội đầu tư của Việt Nam trước làn sóng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Trong 9 tháng 2020, các nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư 21,2 tỉ USD vào Việt Nam, giảm 19% so với cùng kì năm ngoái. Đồng thời, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã giải ngân 13,8 tỉ USD, giảm 3,2% so với năm trước.

Rõ ràng, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất tại châu Á được các công ty công nghệ toàn cầu chú ý đến khi xem xét tái phân bổ sản xuất và có vẻ chậm chân so với các quốc gia khác trong việc thu hút dòng vốn nước ngoài. 

GDP 9 tháng tăng 2,12%, thấp nhất trong một thập kỉ nhưng vẫn là thành công lớn

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2020 của Tổng Cục Thống kê, GDP 9 tháng năm 2020 ước tính tăng 2,12% so với cùng kì năm trước (quí I tăng 3,68%; quí II tăng 0,39%; quí III tăng 2,62%).

Đây là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đánh giá trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, đây là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế. 

Tin kinh tế trước giờ giao dịch (30/9): Chứng khoán Mỹ đảo chiều giảm trước cuộc tranh luận Trump - Biden - Ảnh 3.

Chứng khoán Mỹ sa sút trước cuộc tranh luận Trump - Biden đầu tiên 

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 131,4 điểm, tương đương 0,5%, và kết phiên ở 27.453 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng mất lần lượt 0,5% và 0,3%. Đây là phiên giảm đầu tiên của các chỉ số này sau ba phiên tăng liên tiếp cuối tuần trước và đầu tuần này.

Nhà đầu tư đang có những tuần khó khăn trên thị trường chứng khoán Mỹ. Tính từ đầu tháng 9 tới nay, chỉ số S&P 500 đã giảm 4,7%, Dow Jones mất 3,4%, còn Nasdaq sụt 5,9% do nhóm công nghệ vốn hóa lớn diễn biến tiêu cực.

Giá vàng hôm nay 30/9: Tiếp tục tăng, đạt ngưỡng 1.898 USD/ounce

Giá vàng giao ngay tăng 0,08% lên 1.898 USD/ounce theo Kitco, vàng giao tháng 12 giảm 0,03% xuống 1.903 USD, ghi nhận vào lúc 6h30 (giờ Việt Nam) hôm nay.

Theo Reuters, vàng tăng lên mức cao nhất trong gần một tuần vào thứ Ba (29/9), khi đồng USD suy yếu và kì vọng tăng kích thích tài chính bổ sung cho nền kinh tế Mỹ, trước cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên.


 

Linh Giang

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.