Tin kinh tế trước giờ giao dịch (29/10): Loạt doanh nghiệp lớn bão lãi quí III, chứng khoán Mỹ lao dốc
Tại sao nhiều nước châu Á muốn lún sâu vào bẫy nợ của Trung Quốc?
Theo Nikkei, nhiều nước châu Á như Lào, Sri Lanka, Pakistan, Tajikistan,...đang rơi vào chính sách bẫy nợ của Trung Quốc và có nguy cơ đánh mất quyền tự chủ về ngoại giao, hay phải bán lại tài sản chiến lược,...
Nguyên nhân nào khiến một số nước lún sâu vào bẫy nợ của Trung Quốc, bất chấp rủi ro bị mất quyền tự chủ về chính sách đối ngoại? Đáp án là có khá nhiều yếu tố liên quan.
Ví dụ, các nước có thể dễ dàng vay mượn Trung Quốc hơn là vay IMF, vì các khoản vay của cơ quan này thường đi kèm với một loạt điều kiện và giám sát nghiêm ngặt.
Phố Wall vững tâm với ông Biden mặc cho ông Trump ra sức cảnh báo
Tổng thống Trump rất thích nói rằng nếu ông Biden thắng cử thì chứng khoán sẽ sụp đổ, tài khoản hưu trí sẽ bốc hơi và Mỹ bị nhấn chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế "khủng khiếp hơn bất kì thứ gì bạn từng thấy".
Theo Politico, hầu hết các CEO Phố Wall, số đông nhà đầu tư và quản lí quĩ không tỏ ra hoảng sợ vì chiến thắng của ông Biden. Ngược lại, họ cảm thấy thoải mái với việc Nhà Trắng bớt đi tiếng ồn từ ông Trump, giảm nguy cơ thương chiến và sự đảm bảo rằng chi tiêu chính phủ sẽ tiếp tục được duy trì.
Chiêu bài Trung Quốc của ông Trump không còn hữu dụng trong cuộc đua tổng thốn
Theo ông Ian Bremmer, nhà sáng lập của công ty tư vấn Eurasia Group, cấp dưới của Tổng thống Trump đã nhận ra rằng đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch COVID-19 "không hiệu quả".
"Nguyên nhân không phải vì người Mỹ không khó chịu với Trung Quốc mà vì họ quan tâm đến COVID-19 nhưng không muốn chú ý đến Trung Quốc", ông Bremmer lí giải.
Phó Chủ tịch Eurasia, ông Gerry Butts, cho biết chiến dịch tranh cử của ông Trump đang tìm cách bôi xấu đối thủ Biden bằng cách đề cập đến công việc làm ăn của con trai ông ở Trung Quốc, song nỗ lực của họ cũng bất thành.
Cục Thuế Hà Nội cần thu tối thiểu 57.500 tỉ đồng hai tháng cuối năm
Ngày 26/10 vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Nguyễn Tiến Trường cho biết tổng thu ngân sách 10 tháng đầu năm, ước thực hiện đạt 183.180 tỉ đồng, đạt 70,3% dự toán, bằng 89,9% so cùng kì năm 2019.
Trong đó thu từ dầu thô lũy kế 10 tháng ước đạt 1.990 tỉ đồng, đạt 94,8% dự toán, bằng 76,4% so cùng kì; thu nội địa 10 tháng ước đạt 181.190 tỉ đồng, đạt 70,1% dự toán, bằng 90,1% so cùng kì.
Để đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách cả giai đoạn 2016 - 2020, thì trong 2 tháng cuối năm Hà Nội cần phải thu đạt 57.500 tỉ đồng.
Đã có kết quả xét nghiệm 343 người tiếp xúc chuyên gia Hàn Quốc nghi mắc COVID-19
Theo Zing, tại họp báo, ông Phan Thanh Tâm, Phó giám đốc HCDC, cho hay đến nay, lực lượng y tế đã tiếp cận, lấy mẫu xét nghiệm 47 trong số 48 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân và 296 người trong số 297 người tiếp xúc với người tiếp xúc gần.
Toàn bộ kết quả xét nghiệm hiện nay đều cho kết quả âm tính virus SARS-CoV-2.
Những doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quí III: VRE, VHM, ROS, OGC, DCM, OIL, KOS, PLC, PTL, SNZ
CTCP Vincom Retail (Mã: VRE) trong quí III ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 1.760 tỉ đồng, tăng 8% và lợi nhuận sau thuế quí III đạt 572 tỉ đồng, tăng 67% so với quí trước.
CTCP Vinhomes (Mã: VHM) công bố BCTC quí III/2020 với doanh thu đạt gần 26.483 tỉ đồng, tăng tới 143% và lãi ròng hơn 6.058 tỉ đồng, tăng 11%. Theo đó, tổng doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 49.378 tỉ đồng, tăng 31% và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 16.337 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kì năm 2019.
CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí III với doanh thu thuần đạt 634 tỉ đồng, giảm 44% và lãi sau thuế 1,35 tỉ đồng, giảm 83% so với cùng kì. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, FLC Faros đạt doanh thu thuần 1.554 tỉ đồng và lỗ sau thuế 149 tỉ đồng trong khi cùng kì năm ngoái công ty có doanh thu 3.514 tỉ đồng và lợi nhuận 76,4 tỉ đồng.
CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - Mã: OGC) quí III đạt 233 tỉ đồng doanh thuần, giảm 60% nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ vẫn tăng 42% lên 37 tỉ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, OGC đạt 497 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 51% nhưng lãi sau thuế lại tăng đột biến gấp gần 3 lần lên 156 tỉ đồng.
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC - Mã: DCM) vừa công bố báo cáo tài chính quí III, với doanh thu thuần đạt 2.018 tỉ đồng, tăng 36% và 101 tỉ đồng lãi sau thuế công ty mẹ, gấp hơn 14 lần giá trị cùng kì năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, DCM ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 5.295 tỉ đồng và 460 tỉ đồng, lần lượt tăng 7% và 50% so với cùng kì năm ngoái.
Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL - Mã: OIL) công bố báo cáo tài chính quí III với doanh thu thuần đạt 11.579 tỉ đồng, giảm 44% và lợi nhuận sau thuế âm 17 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của PVOIL đạt 40.919 tỉ đồng, giảm 31% và lỗ sau thuế 367 tỉ đồng trong đó lỗ sau thuế thuộc về công ty mẹ là 265 tỉ đồng.
CTCP Kosy (Mã: KOS) vừa công bố BCTC hợp nhất quí III với doanh thu thuần đạt 246 tỉ đồng, giảm nhẹ 2% và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 1,8 tỉ đồng, giảm 71% so với cùng kì. Lũy kế 9 tháng năm 2020, Kosy ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 679 tỉ đồng, giảm 17% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 9 tỉ đồng, giảm 54% so với cùng kì.
Tổng Công ty Hoá dầu Petrolimex (Mã: PLC) trong quí III đạt 1.345 tỉ đồng doanh thu thuần, 43 tỉ đồng lãi sau thuế; tăng lần lượt 15% và 65% so với cùng kì năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, PLC đạt 3.914 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 10% nhưng lãi sau thuế lại tăng 10% lên 124 tỉ đồng.
CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland - Mã: PTL) quí III ghi nhận doanh thu thuần đạt 12 tỉ đồng, tăng 20% và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 3 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số 0,8 tỉ đồng cùng kì năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Petroland ghi nhận doanh thu thuần đạt 36 tỉ đồng, tăng 13% và lợi nhuận sau thuế đạt 3 tỉ đồng, cải thiện so với mức lỗ 5 tỉ đồng cùng kì năm ngoái.
Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi, Mã: SNZ) công bố BCTC hợp nhất quí III với doanh thu thuần đạt gần 1.250 tỉ đồng, giảm 7% và lãi hơn 329 tỉ đồng, giảm 7,5% so với cùng kì. Lũy kế 9 tháng năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.513 tỉ đồng, tăng 5% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.008 tỉ đồng, tăng 33% so với cùng kì.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất 4 tháng, Dow Jones sụt hơn 900 điểm
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 943 điểm, tương đương 3,4%, đóng cửa ở 26.520 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 3,5%, tương đương 120 điểm, kết phiên ở 3.271 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite lao dốc 3,7%, tức 426 điểm, xuống còn 11.005 điểm.
Đây là phiên lao dốc mạnh nhất của cả Dow Jones và S&P 500 kể từ ngày 11/6 trở lại đây, tức là trong hơn 4 tháng qua.
Riêng trong ba ngày đầu tuần, Dow Jones đã mất 6,4%, S&P 500 sụt 5,6%. Cả hai chỉ số này đều trên đà ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3. Chỉ số thiên về công nghệ đã mất 4,7% trong tuần này.
Giá vàng hôm nay 29/10: Vàng đảo chiều giảm do đồng USD phục hồi
Theo Reuters, vàng giảm hơn 1,5% và bạc giảm gần 6% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (28/10) khi các nhà đầu tư đổ xô tìm sự an toàn từ đồng USD.
Cùng với đó là sự lo ngại khi số ca nhiễm COVID-19 mới tăng nhanh đang ảnh hưởng tới Phố Wall và không có dấu hiệu kích thích kinh tế ngay lập tức của Mỹ để giảm bớt đòn kinh tế.
Chốt phiên ngày 28/10, vàng giao ngay chạm mức thấp nhất kể từ ngày 28/9 còn 1.872 USD/ounce trước khi phục hồi lên 1.876 USD vào lúc 10h09 EDT. Vàng kì hạn của Mỹ giảm 1,9% xuống 1.876 USD, bạc giảm xuống còn 23 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 7/10.