Tín dụng đến cuối tháng 3 tăng 1,34%, NHNN đưa ra 10 giải pháp thúc đẩy
Thông tin tại buổi Họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024 cho biết đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế đã tăng trưởng 1,34% so với cuối năm 2023. Mức tăng trưởng tín dụng này thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước.
Tuy nhiên nếu so với giai đoạn trước, tín dụng đã bứt tốc nhanh chóng. Chẳng hạn, theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, đến 25/3, tín dụng mới tăng trưởng 0,26%, trong khi số liệu từ NHNN cho thấy tín dụng tăng trưởng âm 0,72% vào cuối tháng 2.
Như vậy, chỉ riêng trong 1 tháng (từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3), tín dụng đã tăng trưởng thêm hơn 2%, tương ứng số tiền 279.500 tỷ đồng vốn chảy ra nền kinh tế.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tình hình điều hành chính sách trong năm 2024 tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn do các tác động bên ngoài như khủng hoảng địa chính trị, chiến tranh khu vực,… Trong ba tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng chậm, trong đó hai tháng đầu đã âm.
Để tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng, NHNN đã triển khai 10 nhóm giải pháp thậm chí còn quyết liệt hơn so với năm 2023.
Ông Tú cho biết đầu tiên, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại cung ứng đủ thanh khoản cho nền kinh tế và thanh khoản luôn duy trì mức cao trong những tháng đầu năm, một số ngân hàng dư thừa nguồn lực cho vay. Số tiền dư thừa trong hệ thống ngân hàng “có lúc vài trăm nghìn tỷ, có lúc vài chục nghìn tỷ”.
Về biện pháp thứ hai, đại diện NHNN cho biết đến 31/3, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại lần lượt ở mức 3,02% và 6,5%, giảm lần lượt 0,5 điểm % và 0,6 điểm % so với cuối năm 2023.
NHNN cũng đồng thời triển khai chủ trương công bố lãi suất cho vay bình quân, đúng theo tin thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. NHNN. “Về cơ bản, đến 31/3, các NHTM thực hiện nghiêm túc”, ông nói.
Ngoài ra, NHNN cũng đã thông báo ngay hạn mức tín dụng khoảng 15% từ đầu năm. Phó Thống đốc cho biết tùy nhu cầu thực tế của nền kinh tế có thể cho phép mở rộng hơn nữa.
Về điều hành tỷ giá, đại diện NHNN cho biết tỷ giá vẫn đảm bảo ổn định, đảm bảo trạng thái, lượng ngoại tệ cho nhu cầu doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Tú cũng chỉ ra rằng tỷ giá đã có sự biến động mạnh trong những ngày vừa qua.
“Đành rằng tỷ giá có dao động. Vừa rồi tỷ giá tăng 4,9%, cách đây hơn 1 tháng mức tăng mới là 2,6%”, ông nói.
Phó Thống đốc cũng cho biết NHNN đang tích cực hoàn thiện các văn bản dưới luật sau khi Luật TCTD 2024 được thông qua, cố gắng đến ngày 1/7 có thể thực hiện, thực thi ngay.
Về giải pháp thứ 6, ông Tú tiết lộ NHNN sẽ kéo dài Thông tư 02 cho đến hết năm 2024. Theo Phó Thống đốc, chính sách này hỗ trợ rất trực tiếp cho khó khăn hiện tại của doanh nghiệp, nhưng sử dụng như thế nào, mức độ, liều lượng như thế nào để đảm bảo hài hòa, để vừa an toàn hệ thống nhưng cũng vừa hỗ trợ doanh nghiệp là một bài toán.
Bởi vì phải hài hòa giữa an toàn và hỗ trợ doanh nghiệp nên NHNN tạm thời kéo dài Thông tư 02 thêm 6 tháng. Đến cuối năm, tùy tình hình kinh tế mà có thể xem xét, trình Chính phủ có thêm chính sách phù hợp.
Với nhóm giải pháp tiếp theo, Phó Thống đốc cho biết NHNN đã triển khai quyết liệt các gói tín dụng 125.000 tỷ đồng cho vay NOXH; gói 30.000 tỷ đồng cho vay nông lâm thủy hải sản; chính sách xăng dầu lương thực, nông sản, xuất khẩu gạo đồng bằng sông Cửu Long … và chương trình an sinh xã hội của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Đại diện NHNN cũng cho biết đang triển khai tích cực hoạt động cho vay tiêu dùng theo hướng vừa tạo cơ chế, vừa tạo điều kiện cho công ty tài chính, NHTM cho vay tiêu dùng, vì “có tiêu dùng mới có sản xuất”.
NHNN đang chỉ đạo các công ty tài chính và ngân hàng mạnh dạn hơn trong việc cho vay, kết hợp với Bộ Công an để đồng bộ hóa dữ liệu dân cư, nâng cao quy trình thẩm đỉnh.
Ngoài ra, NHNN cũng đang ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cho vay trực tuyến, cải cách thủ tục hành chính … Theo Phó Thống đốc, các ngân hàng đua nhau giải ngân trực tuyến, có trường hợp cho vay đến “mấy chục tỷ” qua kênh này chỉ trong vòng hai ba ngày.
Về nhóm giải pháp cuối cùng, ông Tú cho biết NHNN đã tích cực tổ chức các hội nghị kết nối doanh nghiệp - ngân hàng để tháo gỡ khó khăn, nắm bắt vướng mắc. Ngoài tự đứng ra tổ chức, NHNN cũng yêu cầu NHTM tự đứng ra tổ chức hội nghị để giải quyết vấn đề.