Tìm ra 'bệnh' thì cần kê đơn đúng liều
Năm 2023, tình trạng “thừa tiền” trong hệ thống ngân hàng dù trái ngược với câu chuyện thiếu hụt thanh khoản diễn ra cuối năm 2022, song cũng khiến chính sách tiền tệ không phát huy được nhiều hiệu quả trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Vấn đề này cũng khiến câu chuyện dự báo trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 đặt lên hàng đầu.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh xoay quanh việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023 cũng như gợi mở một số giải pháp để chính sách tiền tệ đi vào thực tiễn nhiều hơn trong thời gian tới.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua và việc điều hành đó có sát với thực tiễn không?
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Tôi cho rằng thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động nghiệp vụ thị trường mở để ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Bên cạnh việc giảm lãi suất điều hành tới 4 lần, Ngân hàng Nhà nước còn ban hành Thông tư cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát đơn giản hóa thủ tục cho vay, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất… Đến thời điểm này, lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các Ngân hàng thương mại giảm 2,2%/năm so với cuối năm 2022.
Tuy nhiên, việc điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua và hiện nay của Ngân hàng Nhà nước vẫn còn một số các hạn chế nhất định. Cụ thể như việc điều hành chính sách tiền tệ đang đuổi theo diễn biến thực tế mà chưa mang tính dự báo trước.
Chính sách tiền tệ vốn có độ trễ nhất định, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã hơi nóng vội trong giai đoạn đầu năm khi giảm lãi suất quá nhanh và mạnh, với mục đích đẩy lãi suất về thấp nhất hỗ trợ cho doanh nghiệp và dân.
Tuy vậy, chính việc đẩy nhanh lại không mang lại hiệu quả như mong muốn đã tạo ra sự “thừa tiền” trong hệ thống ngân hàng. Bởi, việc giảm lãi suất chỉ là một vế của vấn đề, vế còn lại còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Phóng viên: Theo ông Ngân hàng Nhà nước đã gặp phải những khó khăn nào trong điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua?
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua bị tác động bởi nhiều yếu tố, cả trong và ngoài nước. Trên thế giới, nhiều quốc gia tiếp tục đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế kèm lạm phát cao dẫn đến xu hướng thắt chặt tiền tệ. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tăng lãi suất, khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu ...
Ở trong nước, các vụ việc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát … đã gây mất lòng tin của người dân trong khi nhu cầu tiêu dùng suy yếu, sức hấp thụ của nền kinh tế trong giai đoạn qua đã giảm; đơn hàng xuất khẩu cũng như nhu cầu vay vốn giảm so với cùng kỳ...
Tất cả những điều trên đã khiến Ngân hàng Nhà nước gặp nhiều khó khăn như Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã nói: "Chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó như bây giờ".
Vì vậy, nhìn nhận một cách công bằng thì Ngân hàng Nhà nước đã rất cố gắng để điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn qua. Nhưng như tôi đã đề xuất, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần phải làm tốt công tác dự báo.
Nếu việc dự báo tốt, doanh nghiệp, người dân sẽ biết sắp tới chính sách tiền tệ đi theo hướng nào, thắt chặt hay linh hoạt, nới lỏng và từ đó họ sẽ chủ động với kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, việc điều hành chính sách tiền tệ cần tránh đuổi theo thực tế.
Phóng viên: Vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có các giải pháp gì để chính sách tiền tệ được triển khai nhanh trong thực tế để giúp doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn trong thời gian tới?
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Để doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn cần phải kích thích cầu. Ngân hàng Nhà nước đã rất cố gắng giảm lãi suất, giảm chi phí vay vốn để “cung” vốn cho doanh nghiệp, nhưng khi “cầu” xuất nhập khẩu, chi tiêu giảm thì doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn.
Do đó, cần có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ với các chính sách khác như: kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu; tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn... Nếu thực hiện dồn dập chính sách tiền tệ thì chưa chắc đã đạt hiệu quả cao mà cần phải đồng bộ các chính sách khác mới đảm bảo mức độ thẩm thấu của chính sách.
Chúng ta đã tìm ra "bệnh" thì cần kê đơn thuốc đúng liều, đúng lượng và đang "thừa tiền" thì phải hút về nhưng cũng đừng hút nhiều quá thì hết tiền. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần khuyến khích các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm thêm lãi suất các khoản vay cũ.
Điều này là rất khó, bởi năm nay các ngân hàng thương mại có thể không đạt được mục tiêu lợi nhuận. Đặc biệt, cùng với Ngân hàng Nhà nước cần có sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành, sự phối hợp trong điều hành và giám sát thực thi.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!