Tìm lại uy tín cho ngành chăn nuôi
Tìm lại uy tín cho ngành chăn nuôi
Thùy Dung
ộ NN&PTNT khuyến cáo người dân không nên tẩy chay sản phẩm thịt heo vì tất cả đàn heo bệnh, nghi bị bệnh đã bị tiêu hủy. Ảnh: Minh Duy
Khó chỉ ra nguyên nhân cụ thể |
Hai ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở Hưng Yên và Thái Bình, song chỉ trong vòng một tháng, dịch tả heo châu Phi đã lây lan rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo Cục Thú y, tính tới ngày 17-3, dịch đã xuất hiện tại 253 xã, 57 huyện của 19 tỉnh, thành phố, với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là gần 27.000 con.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y, điều tra cho thấy nguyên nhân chính dẫn tới bùng phát dịch bệnh là do người chăn nuôi, thương lái mua bán, vận chuyển, giết mổ heo bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh. Điều này đã khiến dịch lan nhanh và xảy ra trên diện rộng.
Hơn nữa, virus dịch tả heo châu Phi có khả năng tồn tại lâu trên heo bệnh, các sản phẩm heo bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi. Trong khi đó, đặc điểm của ngành chăn nuôi Việt Nam là nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, đan xen trong các khu dân cư. Những hộ chăn nuôi này thường không thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.
Một nguyên nhân nữa cũng rất quan trọng đó là tập quán sử dụng thức ăn thừa trong chăn nuôi mà không được xử lý đúng cách. Thực tế, tại các ổ dịch ở Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, một số chủ hộ chăn nuôi đã xin thức ăn thừa từ bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn cho heo ăn mà không qua xử lý nhiệt.
Ngoài ra, dịch lan rộng còn do chính những người tham gia xử lý ổ dịch khi không vệ sinh triệt để, mang theo mầm bệnh trong người. “Việc chỉ ra cụ thể nguyên nhân nào là rất khó”, ông Long nói.
Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) - vừa có đoàn khảo sát tại một số địa phương chăn nuôi - cũng cho rằng nguyên nhân xảy ra dịch bệnh là do các hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ thực hiện an toàn sinh học thấp và sử dụng nguồn thức ăn thừa từ nhà bếp. “Đây là yếu tố tạo điều kiện dịch lan rộng”, theo FAO.
Lượng thức ăn thừa từ các bếp ăn công nghiệp, nhà hàng là rất lớn, việc cấm sử dụng nguồn thức ăn này là không khả thi. Ông Long cho hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đưa ra khuyến cáo các hộ chăn nuôi phải xử lý nhiệt trước khi cho heo ăn.
Bệnh này không lây nhiễm ở người, nhưng trước diễn biến phức tạp, khó kiểm soát của dịch bệnh, rất nhiều người đã tẩy chay thịt heo. Thậm chí, tại nhiều trường học, khu công nghiệp, món liên quan tới thịt heo đã không còn trên thực đơn. Điều này đã khiến ngành chăn nuôi heo thêm điêu đứng.
Thực tế, tổng số lượng heo tiêu hủy đến nay rất ít, mới chỉ chiếm khoảng 0,1% so với tổng đàn heo cả nước, đàn heo còn lại đều là heo chất lượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đặc biệt là hiện nay tất cả các ổ dịch đều xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa có trang trại nào quy mô trên 500 con heo bị bệnh. Do đó, Bộ NN&PTNT khuyến cáo người dân không nên tẩy chay sản phẩm thịt heo vì tất cả đàn heo bệnh, nghi bị bệnh đã bị tiêu hủy.
Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, cho hay áp lực của ngành chăn nuôi trong những năm gần đây rất lớn. Những năm trước, ngành này phải đối mặt với tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi. Tình hình chưa lắng xuống thì đến năm 2017-2018, giá heo giảm khiến bao gia đình, trang trại khốn đốn. Tới nay, giá heo có xu hướng phục hồi lại chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh.
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, theo ông Dương, về dài hạn phải tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết, khép kín. Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường và dịch bệnh.
Không ai kiểm soát dịch bệnh, thị trường, an toàn thực phẩm tốt bằng doanh nghiệp. Thông qua liên kết chuỗi với sự tham gia của doanh nghiệp, người chăn nuôi nhỏ lẻ có thể hiểu biết nhanh hơn, nâng cao trình độ sản xuất. “Liên kết là câu trả lời hiệu quả nhất nhằm tái cơ cấu ngành chăn nuôi”, ông Dương nói.
Truy xuất nguồn gốc bắt buộc
Sách Trắng 2019 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) xuất bản cho rằng cuộc khủng hoảng ngành chăn nuôi trong những năm vừa qua cho thấy định hướng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững đang gặp nhiều thách thức. Việc thiếu tầm nhìn và điều tiết thị trường của cơ quan quản lý đang khiến nông dân và doanh nghiệp trong ngành chịu nhiều rủi ro.
Năm 2017, biện pháp của Chính phủ kêu gọi toàn dân giải cứu thịt heo chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Chưa kể, khi người tiêu dùng tăng cường tiêu thụ thịt heo, tiêu thụ các sản phẩm thịt thay thế sụt giảm.
Năm nay, EuroCham cho rằng dịch tả heo châu Phi sẽ khiến nguồn cung trong nước có nguy cơ thiếu hụt nếu không có những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn dịch bệnh này.
Để hạn chế ảnh hưởng của biến động thị trường và thương mại toàn cầu, EuroCham kiến nghị ngành chăn nuôi phải có một hệ thống truy xuất nguồn gốc theo hướng bắt buộc, trước tiên là áp dụng với vật nuôi, bởi việc thiếu hệ thống đăng ký vật nuôi đang làm tăng gấp đôi rủi ro về an toàn thực phẩm.
Rủi ro thứ nhất: khi một dịch bệnh nguy hiểm bùng phát, việc tìm ra nguồn gốc lây bệnh là đặc biệt quan trọng. Nếu có hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả, việc tìm ra nguyên nhân lây bệnh mới khả thi và khi đó mới có được những biện pháp ngăn chặn tốt.
“Không tìm ra nguyên nhân dịch bệnh làm suy giảm niềm tin của người dân vào ngành nông nghiệp, dẫn đến sụt giảm giá bán và gây thiệt hại uy tín không thể khắc phục”, theo ngành thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, EuroCham.
Rủi ro thứ hai: việc không có một hệ thống nhận diện vật nuôi làm tăng khả năng xảy ra các vấn đề nghiêm trọng về an toàn thực phẩm. Hiện nay, khi một vụ sử dụng hormone tăng trưởng, hoặc thuốc kháng sinh bị phát hiện, các cơ quan chức năng thường khó xác định và xử phạt người vi phạm do không rõ nguồn gốc của sản phẩm.
“Việc thiếu trách nhiệm giải trình làm tăng khả năng xảy ra vi phạm do thủ phạm biết rằng cơ hội bị bắt là rất thấp”, theo Sách Trắng. “Chúng tôi cũng tin rằng một hệ thống nhận diện và theo dõi cho phép truy xuất nguồn gốc sẽ là công cụ hữu ích để khởi tố người vi phạm và giúp cải thiện vấn đề, nâng cao uy tín về an toàn thực phẩm của Việt Nam”.
Hệ thống nhận diện sẽ giúp cơ quan quản lý, người tiêu dùng, truy xuất thông tin về từng sản phẩm vật nuôi bao gồm trang trại nơi động vật được sinh sản, địa điểm chăn nuôi, lò giết mổ cũng như các công ty chịu trách nhiệm vận chuyển. Chi phí đầu tư cho hệ thống đăng ký này dù tốn kém, nhưng sẽ giải quyết được tình trạng bùng phát dịch bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng uy tín ngành nông nghiệp cũng như uy tín quốc gia. Hơn nữa, chi phí vận hành hệ thống này không chỉ do khu vực nhà nước mà nhiều đơn vị liên quan cùng chi trả.
EuroCham kiến nghị ban đầu ngân sách nhà nước nên đầu tư cho thiết kế và xây dựng hệ thống. Chi phí vận hành hệ thống do các bên liên quan như doanh nghiệp, nông dân duy trì. Mỗi hộ sản xuất, doanh nghiệp vận chuyển và doanh nghiệp chế biến cần đóng một mức phí cố định hàng năm để đăng ký và tham gia vào hệ thống. Sau đó, doanh nghiệp cần trả thêm một khoản phí nữa với mỗi vật nuôi muốn đăng ký, nghĩa là các cơ sở chăn nuôi lớn hơn sẽ trả phí cao hơn.
Lấy ví dụ về một sự cố diễn ra tại châu Âu năm 2017, EuroCham cho hay một trường hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây tác động tiêu cực đến sản phẩm trứng đã bị phát hiện. Sự kiện này đã gây thiệt hại lớn tới nhiều công ty liên quan. Song, do áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, cơ quan quản lý đã sớm tìm được người chịu trách nhiệm cũng như kiểm soát được tình hình.