|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tìm đường đưa vải thiều 'đi Tây đi Tàu'

10:24 | 21/04/2018
Chia sẻ
Dự báo, năm nay vải thiều sẽ có một vụ mùa bội thu. Không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, mặt hàng này đã và đang được các cơ quan, bộ ngành cũng như DN nỗ lực thúc đẩy XK tốt hơn tới nhiều thị trường.
tim duong dua vai thieu di tay di tau Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Mùa vụ năm nay không sợ thừa vải, nhãn
tim duong dua vai thieu di tay di tau Vải, nhãn được mùa và nỗi lo áp lực tiêu thụ
tim duong dua vai thieu di tay di tau
Năm nay, vải thiều dự kiến sẽ có một vụ mùa bội thu nhưng cũng đứng trước nỗi lo dễ rớt giá. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Khấp khởi vì sản lượng

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay: Năm nay, dự kiến sản lượng vải ở các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Hưng Yên khá lớn, lần lượt là trên 150.000 tấn, 55.000 tấn và 12.000 tấn với 2 trà chín sớm và chính vụ. Trong đó, sản lượng vải chín sớm khoảng 54 nghìn tấn, chiếm 25%. Hiện nay, diện tích vải được cấp mã số vùng trồng XK đi Hoa Kỳ, Australia là 31 mã số, tổng diện tích gần 350ha. Nhiều diện tích vải được cấp chứng nhận VietGAP. Giá bán vải sản xuất theo VietGAP và trong vùng trồng XK đi Hoa Kỳ, Australia, EU cao hơn vải đại trà 2.000-3.000 đồng/kg.

Về mặt tiêu thụ, theo ông Sơn, tại thị trường nội địa, tỷ trọng tiêu thụ vải hiện đạt khoảng 50% và đang có xu hướng gia tăng. Địa bàn tiêu thụ cũng đang được mở rộng trên phạm vi toàn quốc, trong đó Hà Nội, TP. HCM là những thị trường tiêu thụ lớn. Đến nay, vải thiều đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại mạng lưới các siêu thị lớn như Metro, Co.opmart, Big C…, các chợ đầu mối hoa quả ở Hà Nội, TP. HCM. Còn XK, hiện, vải tươi đã được XK tới nhiều thị trường khác nhau như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Malaysia, khu vực Trung Đông… và đang tiếp tục mở rộng các thị trường XK khác.

Đứng từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho biết thêm: Năm nay, dự kiến vải được mùa, sản lượng tại Hải Dương đạt cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây kể từ năm 2008. Cụ thể, tổng sản lượng vải năm nay dự kiến đạt 55.000-60.000 tấn, cao gấp đôi so với năm 2017. Trong đó, trà vải thiều chính vụ dự kiến đạt 35.000-40.000 tấn. Vải này chủ yếu phục vụ nội địa, XK đi Trung Quốc và các nước. Tuy nhiên, ông Cương thông tin thêm, do thu hoạch trùng thời gian thu trà vải chính vụ của Trung Quốc và Bắc Giang nên những năm trước, khi được mùa, sản lượng lớn vải thường bị mất giá. Bởi vậy, bên cạnh niềm vui được mùa của vụ vải năm nay, rất cần có giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ và tránh rớt giá đối với diện tích vải chính vụ.

Khơi thông thị trường

Xung quanh câu chuyện tiêu thụ vải năm nay, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang bày tỏ quan ngại khá lớn về vấn đề mới đây tỉnh Quảng Tây yêu cầu truy xuất nguồn gốc trái cây NK từ Việt Nam. “Đây là chính sách mới, các cơ quan, DN của tỉnh cần được hướng dẫn cụ thể, bởi nếu không giải quyết được sẽ ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ vải toàn tỉnh. Tôi đề nghị Bộ NN&PTNT sớm đàm phán với cơ quan chức năng Trung Quốc tháo gỡ những khó khăn về truy xuất nguồn gốc, có hướng dẫn cụ thể cho địa phương, DN; đồng thời tích cực đàm phán về XK chính ngạch sang Trung Quốc cũng như đàm phán XK vải sang các thị trường mới. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục định hướng DN trong và ngoài nước đến đầu tư, kết nối tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, đặc biệt là vùng vải thiều XK tại Lục Ngạn. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) bố trí trạm kiểm dịch lưu động tại vùng trồng vải để cấp chứng thư tại chỗ cho DN XK vải sang Trung Quốc và các nước khác thay vì cấp chứng thư tại cửa khẩu như hiện nay”, bà Hà nói.

Đáp lại băn khoăn, lo ngại về quy định truy xuất nguồn gốc hoa quả NK của Trung Quốc, ông Sơn cho biết thêm: Vừa qua, Cục Kiểm nghiệm, kiểm dịch xuất nhập cảnh Quảng Tây (GXCIQ) đã gửi văn bản thông báo nội bộ cho các DN NK của Trung Quốc với nội dung tăng cường quản lý truy xuất nguồn với hoa quả NK, trong đó có Việt Nam. Theo đó, từ ngày 1/4, DN Trung Quốc khi NK hoa quả từ Việt Nam phải xin giấy phép tại GXCIQ và cung cấp hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc sản chất lượng sản phẩm. Cho đến thời điểm này, các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn thông quan bình thường sang Trung Quốc và không gặp trở ngại về các quy định truy xuất nguồn gốc xuất xứ cũng như kiểm dịch thực vật. Việc dán tem truy xuất nguồn gốc cũng đã bắt đầu được triển khai thực hiện và việc truy xuất hoa quả Việt Nam cũng không gặp khó khăn. Tuy nhiên, cần lưu ý về bao bì đóng gói sản phẩm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc. “Trong năm nay, để đáp ứng yêu cầu của thị trường XK truyền thống cũng như mở rộng thị trường mới cho quả vải, nhãn, Việt Nam cần chủ động tăng cường các hoạt động cải thiện chất lượng, mẫu mã và an toàn thực phẩm; tích cực đàm phán, hoàn thiện ký kết các hiệp định về kiểm dịch thực vật, gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật”, ông Sơn nói.

Đứng từ góc độ DN XK, đại diện Công ty Đồng Giao cho hay: Tiềm năng XK vải thiều sang các thị trường “khó tính” như Nhật Bản cũng rất khả quan. Ngoài vải tươi, Công ty Đồng Giao có thể đảm bảo XK khoảng 5.000 tấn vải đông lạnh sang thị trường này. Khi XK vải đông lạnh sang Nhật, ưu điểm là có thể giảm nhiều hàng rào kỹ thuật về vấn đề thuốc bảo vệ thực vật. Vị này đề nghị các tỉnh tạo điều kiện để DN có thể liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc vải ngay từ đầu nhằm đảo bảo dư lượng thuốc trừ sâu trên sản phẩm đáp ứng yêu cầu của phía Nhật Bản. “Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục tạo điều kiện cho DN tham gia các hội chợ, đặc biệt là tại các thị trường như Hoa Kỳ, Dubai… để quảng bá sản phẩm. Gian hàng của Việt Nam phải đẹp lên. Thị trường không có điều gì quá phức tạp. Hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các nước”, vị đại diện này nhấn mạnh.

Thanh Nguyễn