|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tìm đường đi cho quả chanh leo của Việt Nam XK sang thị trường Trung Quốc

20:09 | 24/09/2018
Chia sẻ
Do chưa nằm trong danh sách các mặt hàng được Cục Kiểm nghiệm xuất NK Trung Quốc thuộc Ủy ban nhà nước về giám sát, kiểm tra, chất lượng và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) cấp giấy phép an toàn về chất lượng nên kể từ 1/9/2018 mặt hàng chanh leo sẽ không được phép NK vào thị trường Trung Quốc.
tim duong di cho qua chanh leo cua viet nam xk sang thi truong trung quoc
CBCC Hải quan Lạng Sơn kiểm tra hoa quả XK. Ảnh: H.Nụ

Do đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Sở Công Thương Lạng Sơn gửi công hàm cho chính quyền thị Bằng Tường (Quảng Tây- Trung Quốc) đề nghị tạo điều kiện cho phép mặt hàng chanh leo của Việt Nam NK vào thị trường này.

Từ 1/5/2018, Trung Quốc tăng cường và thắt chặt quản lý, truy suất nguồn gốc hoa quả NK nhất là hoa quả có nguồn gốc từ Thái Lan và Việt Nam. Theo quy định này, các DN phía Trung Quốc xin NK hoa quả, trái cây từ Việt nam và Thái Lan đều phải có giấy phép của cơ quan kiểm dịch động, thực vật, đồng thời phải có đầy đủ thông tin về chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm NK.

Mặt hàng chanh leo của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và của Việt Nam nói chung trước đây có thể XK tiểu ngạch theo hình thức trao đổi cư dân biên giới, không XK được theo hình thức chính ngạch. Sau khi Trung Quốc siết chặt quản lý biên mậu thì các mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam như: na, bưởi, chanh leo, dừa, roi… gần như không XK biên mậu của tỉnh Lạng Sơn. Mặt hàng chanh leo do chưa nằm trong danh sách các mặt hàng được AQSIQ cấp giấy phép an toàn về chất lượng nên không được phép NK vào thị trường Trung Quốc từ 1/9/2018. Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc mới cấp phép cho 8 loại quả có xuất xứ nguồn gốc của Việt Nam là: vải, nhãn, thanh long, chôm chôm, xoài, mít và chuối.

Để giải quyết khó khăn cho DN XK, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt nam trao đổi, vận động phía Trung Quốc đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục cho phép trái cây tươi (măng cụt, roi, bưởi, na, chanh leo…) được XK vào Trung Quốc. Chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát hệ thống quản lý và tuân thủ quy trình xông hơi khử trùng và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch tránh sai sót phát sinh.

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam- Trung Quốc tại Trùng Khánh (Trung Quốc) tháng 5/2018, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã có buổi Hội đàm với Lãnh đạo Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây- Trung Quốc theo đó đã kiến nghị, vận động tỉnh Quảng Tây báo cáo lên các cơ quan của Chính phủ Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục đánh giá rủi ro, mở rộng cửa thị trường đối với các mặt hàng nông sản, thủy hải sản… của Việt Nam (trong đó có mặt hàng chanh leo).

Riêng mặt hàng chanh leo, Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Việt Nam) đã gửi 2 bồ hồ sơ thông tin kỹ thuật để xúc tiến mở cửa thị trường chính ngạch cho loại quả này. Tuy nhiên đến nay, phía Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất quá trình phân tích nguy cơ dịch hại nên vẫn chưa đồng ý cho phép NK chính ngạch mặt hàng quả chanh leo của Việt Nam.

Theo thông tin được biết hiện Công ty Cổ phần Non Nước (Việt Nam) đã gửi công văn đề nghị chính quyền tỉnh Lạng Sơn xem xét tháo gỡ khó khăn cho DN. Nguyên do là DN liên kết trồng được khoảng 50 ha cây chanh leo đã đến mùa thu hoạch, tuy nhiên do chính sách của Trung Quốc, loại quả này không XK gây thiệt hại lớn cho DN và bà con nông dân.

Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Sở Công Thương tỉnh gửi công hàm cho chính quyền thị Bằng Tường (Quảng Tây- Trung Quốc) đề nghị tạo điều kiện cho phép mặt hàng chanh leo của Việt Nam NK vào thị trường. Đồng thời giao Sở Nông Nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh, Chi cục kiểm dịch thực vật vùng 7 tham mưu cho tỉnh kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan xem xét, đàm phán gấp với các cơ quan phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục đánh giá rủi ro đối với mặt hàng này..

Duy Nhật