|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

TikTok Shop chi 500 triệu USD siết quy trình kiểm duyệt, thanh lọc người bán

16:26 | 09/01/2025
Chia sẻ
TikTok Shop cam kết xây dựng môi trường kinh doanh và mua sắm an toàn và đáng tin cậy với khoản đầu tư 500 triệu USD.

Trong báo cáo mới phát hành, TikTok cho biết đã đầu tư hơn 500 triệu USD cho các công cụ công nghệ, xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên trách và nâng cấp các quy trình kiểm duyệt.

Dựa trên các chính sách chuyên biệt dành cho nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung tiếp thị liên kết, TikTok Shop cho biết nền tảng đang thực thi các chính sách nghiêm ngặt đối với người bán và sản phẩm.

Đây là động thái đảm bảo nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao. Theo đó, các sản phẩm được lưu hành trên trên nền tảng phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, nguồn gốc, và mô tả sản phẩm. Người bán cần cung cấp đầy đủ các thông tin theo quy định của pháp luật và yêu cầu của nền tảng, tuân thủ chính sách vận hành và chịu trách nhiệm về sản phẩm và dịch vụ.

 Bán nông sản vùng miền qua livestream trên TikTok Shop. (Ảnh: Thành Vũ).

TikTok Shop yêu cầu nhà sáng tạo nội dung cần đảm bảo thông tin minh bạch, trung thực và quảng cáo phù hợp với nguyên tắc cộng đồng và các quy định pháp luật có liên quan. 

Thực tế, việc sai phạm trên TikTok Shop trong thời gian qua đã xuất hiện. Chẳng hạn, hồi tháng 10/2024, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và thu giữ hơn 10.000 sản phẩm nước hoa không rõ nguồn gốc được bán trên tài khoản TikTok của TikToker Phan Thủy Tiên, người có gần 5 triệu lượt theo dõi.

Kênh TikTok này thường xuyên livestream bán hàng và có nhiều video đạt hàng triệu lượt xem. Tại thời điểm kiểm tra, cả chủ kênh và đại diện thương hiệu Zenpali không thể xuất trình hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Ngoài vụ việc của Phan Thủy Tiên, QLTT cũng phát hiện nhiều vụ vi phạm tương tự trên các nền tảng thương mại điện tử. Ví dụ, vào tháng 8/2024, Đoàn Kiểm tra Đội QLTT số 1 tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra một tài khoản TikTok Shop có tên Hương Anh Food & Nest và phát hiện hơn 4.500 gói hạt mix cùng gần 1.000 chiếc bánh trung thu không có hóa đơn chứng từ.

Trong nỗ lực kiểm soát hàng hoá trên nền tảng, phía TikTok Shop cho biết nền tảng đã xây dựng đội ngũ 7.500 nhân sự chuyên trách toàn cầu trong nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng, người bán và thương hiệu khỏi tình trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại.

Báo cáo cũng tiết lộ những con số đáng chú ý trong quá trình "thanh lọc" sàn TMĐT của TikTok Shop. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2024, TikTok Shop đã từ chối 20,4 triệu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, gỡ bỏ 124.000 sản phẩm hạn chế hoặc bị cấm.

Đồng thời, TikTok Shop cũng đã vô hiệu hóa hơn hai triệu tài khoản người bán, gỡ bỏ tính năng thương mại của hơn 500.000 nhà sáng tạo nội dung vi phạm chính sách. 

Về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nền tảng đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thích hợp. Từ tháng 7/2023 đến 6/2024, TikTok Shop đã ngăn chặn hơn 5 triệu sản phẩm tiềm ẩn rủi ro vi phạm sở hữu trí tuệ, gỡ bỏ 497.026 sản phẩm và 800.000 video/livestream vi phạm.

Tại Việt Nam, TikTok Shop đang triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường an toàn mua sắm trực tuyến, đặc biệt trong mùa cao điểm cuối năm.

Tháng 10/2024, TikTok đã hợp tác với Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. Trong nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng, TikTok Shop cũng triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục người dùng về các hình thức lừa đảo có liên quan đến thương mại điện tử. 

Bên cạnh những nỗ lực về an toàn, TikTok Shop đã tăng cường các dịch vụ giao hàng, bao gồm miễn phí vận chuyển và cho ra mắt dịch vụ Giao nhanh 24h, đồng thời các chương trình hậu mãi như miễn phí đổi trả hàng cũng được chú trọng, giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi mua sắm.

Theo báo cáo mới nhất,TikTok Shop đã đạt tổng giá trị hàng hóa (GMV) toàn cầu khoảng 32,6 tỷ USD trong năm 2024. Việt Nam nằm trong top ba thị trường hàng đầu của nền tảng ở khu vực Đông Nam Á với giá trị GMV vượt hơn 4,4 tỷ đồng. Hai thị trường đứng đầu khu vực là Indonesia (6,1 tỷ USD) và Thái Lan (5,7 tỷ USD).

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nền tảng. Shopee và TikTok Shop là hai ví dụ điển hình về khả năng bứt phá trong bối cảnh thị trường từng bị chi phối bởi Lazada và Tiki.

Shopee chỉ mất ba năm sau khi gia nhập để vượt qua Lazada vào cuối năm 2018 nhờ vào chiến lược tập trung vào việc mua sắm qua thiết bị di động và miễn phí vận chuyển cho người tiêu dùng.

TikTok Shop, ra mắt giữa năm 2022, đã nhanh chóng vượt qua Lazada để trở thành nền tảng TMĐT lớn thứ hai tại Việt Nam chỉ trong một năm.

Sự phát triển của các sàn TMĐT cũng kéo theo những thách thức liên quan đến hàng giả và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng cục QLTT đã ghi nhận nhiều vụ vi phạm trên các nền tảng này và cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như đảm bảo tính minh bạch trong kinh doanh trực tuyến.

Thành Vũ