TikTok nỗ lực xoa dịu lo ngại về bảo mật dữ liệu người dùng châu Âu
Theo kế hoạch, Project Clover sẽ được thực hiện trong các năm 2023 và 2024. Các biện pháp mới bao gồm tăng cường kiểm soát quyền truy cập dữ liệu người dùng, thông qua việc triển khai các cổng bảo mật xác định quyền truy cập đối dữ liệu TikTok ở châu Âu và chuyển dữ liệu ra bên ngoài châu Âu.
TikTok cho hay toàn bộ quá trình trên sẽ do bên thứ ba - một công ty bảo mật của châu Âu - giám sát. Ngoài ra, TikTok cũng sẽ ứng dụng các công nghệ tiên tiến để đảm bảo quyền riêng tư của thông tin người dùng, như đặt mật danh cho mỗi dữ liệu cá nhân để các đối tượng tiếp cận trái phép khó có thể xác định mục tiêu nếu không có thông tin bổ sung.
Tại cuộc họp báo vào thứ Tư, TikTok cũng cho biết họ sẽ bắt đầu lưu trữ dữ liệu người dùng châu Âu tại khu vực trong năm nay. Việc chuyển dữ liệu sẽ kéo dài đến năm 2024. Hiện dữ liệu người dùng châu Âu của TikTok đang được lưu trữ tại Mỹ và Singapore.
Là một phần của động thái trên, công ty xác nhận sẽ sớm mở trung tâm dữ liệu thứ hai ở Ireland và một trung tâm khác ở vùng Hamar của Na Uy. Các trung tâm dữ liệu này sẽ được vận hành bởi một bên thứ ba không được tiết lộ với tổng chi phí hàng năm dự kiến 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD).
Công ty cho biết, họ sẽ giảm việc truyền dữ liệu ra bên ngoài khu vực và giảm quyền truy cập của nhân viên vào dữ liệu người dùng trong nội bộ.
TikTok đã thực hiện một chiến lược tương tự ở Mỹ, có biệt danh là "Dự án Texas", nhằm xoa dịu các nhà lập pháp nơi đây.
Động thái của TikTok được đưa ra khi Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu gần đây đã cấm nhân viên sử dụng TikTok trên điện thoại làm việc. Các cơ quan này viện dẫn lo ngại ngày càng tăng về khả năng ứng dụng thuộc sở hữu của công ty ByteDance thu thập dữ liệu của người dùng và chuyển chúng cho phía Chính phủ Trung Quốc.
Trong khi đó, Nhà Trắng đã ủng hộ luật trao cho chính quyền quyền hạn mới để cấm ứng dụng TikTok cùng các công nghệ nước ngoài khác nếu chúng gây ra các mối đe dọa an ninh quốc gia.