|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tiêu thụ vàng trang sức của Việt Nam biến động ngược chiều với Ấn Độ, Trung Quốc

17:11 | 06/05/2022
Chia sẻ
Hội đồng Vàng Thế giới cho biết trong quý đầu năm, tiêu thụ vàng trang sức ở Việt Nam tăng 10% nhờ các đợt lễ, trong khi tại Trung Quốc và Ấn Độ lại giảm.

Sau khi tăng trưởng mạnh vào năm 2021, mức tiêu thụ vàng trang sức toàn cầu trong quý I/2022 giảm nhẹ, chỉ đạt 474 tấn, tương đương 29 tỷ USD, giảm 7% về lượng và giảm 3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).

Nguyên nhân phần lớn do thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, chiếm 55-60% tổng lượng tiêu thụ hàng quý trên toàn cầu.

Bật tăng ở Việt Nam

Trong quý I, tiêu thụ trang sức vàng ở Việt Nam bắt đầu phục hồi, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 6 tấn. Đây là kết quả tốt nhất trong quý I, kể từ năm 2007.

Các dịp Tết Âm lịch vào tháng 2, lễ tình nhân và ngày vía thần tài cũng như hoạt động kinh doanh vàng khởi sắc đã hỗ trợ nhu cầu trang sức so với năm ngoái. Điều này được thể hiện qua con số tăng trưởng GDP mạnh mẽ trên 5% trong quý đầu tiên.

Đi xuống ở Trung Quốc

Nhu cầu trang sức vàng của Trung Quốc trong quý đầu tiên năm 2022 đã giảm 8% xuống còn xấp xỉ 178 tấn.

Dù vậy, nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức của Trung Quốc vẫn tương đối mạnh, cao hơn mức trung bình trong quý I của 5 năm gần đây là 154 tấn và chỉ thấp hơn 6 tấn so với mức tiêu thụ trung bình của 10 năm qua.

WGC cho rằng nhu cầu vàng trang sức của Trung Quốc sụt giảm điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh giá vàng ở mức cao và liên tục biến động; mức chênh lệch so với quý I/2021 quá lớn và nước này đang tăng cường các biện pháp kiểm soát COVID-19.

Trước đó, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp trang sứcTrung Quốc trong tháng 1 và tháng 2 khá tích cực nhờ các chương trình khuyến mại trước dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, các nhà bán lẻ cũng đẩy mạnh quảng cáo sản phẩm vàng có khối lượng lớn giúp khối lượng hàng bán ra tăng đáng kể.

Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine đã đẩy giá vàng tăng mạnh vào cuối tháng 2, tác động trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ của người dân Trung Quốc.

Ngoài ra, nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc như Thượng Hải, Thâm Quyến bị phong tỏa vào tháng 3 cũng kìm hãm nhu cầu của người dân.

Tiêu thụ vàng trang sức toàn cầu trong quý I đạt 474 tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2021. (Ảnh: Reuters).

WGC cho rằng ở triển vọng quý II của thị trường Trung Quốc kém khả quan. Thông thường, tiêu thụ vàng quý II sẽ sụt giảm so với quý I vì không phải mùa cao điểm.

Ở quý II năm nay, nhu cầu tiêu thụ đồ trang sức của người dân Trung Quốc sẽ càng ảm đạm và chịu tác động tiêu cực của các lệnh hạn chế COVID-19 của nước này, cũng như do nền kinh tế Trung Quốc chững lại.

Triển vọng quý II của Ấn Độ

Nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức ở Ấn Độ trong quý I/2022 đã giảm 26% so với cùng kỳ năm 2021, xuống còn 94 tấn. Trước đó, tiêu thụ vàng của nước này đạt kỷ lục vào quý IV/2021.

Ngoài việc thiếu các dịp lễ và cưới hỏi trong tháng 1, đợt tăng mạnh của giá vàng vào cuối tháng 2 - đầu tháng 3 đã khiến nhu cầu mua vàng trang sức sụt giảm.

Cụ thể, giá vàng đã phá kỷ lục 50.000 rupee/10g (tương đương 656,6 USD/10g) vào cuối tháng 2, trước khi tăng lên trên 53.000 rupee/10g (khoảng 696 USD/10g) vào tháng 3.

Ngay sau khi giá vàng tăng, người tiêu dùng Ấn Độ đã hoãn việc mua vàng với hy vọng giá sẽ hạ nhiệt, hoặc ít nhất là bình ổn.

Nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh trong tháng 3 dẫn đến giá vàng ở thị trường nội địa giảm tới 60 USD/ounce, mức giảm sâu nhất trong 18 tháng.

WGC đánh giá triển vọng tiêu thụ vàng quý II của Ấn Độ khá tích cực nhờ mùa cưới hỏi và lễ hội Akshaya Tritiya - dịp mua vàng cầu may thường diễn ra vào tuần đầu tiên của tháng 5.

Tuy nhiên, dự đoán này cũng có rủi ro nếu giá vàng tăng thêm hoặc biến động mạnh, trong khi lạm phát trên toàn thế giới khiến người tiêu dùng siệt chặt chi tiêu, nhu cầu giảm. 

Hoàng Anh