Tiết kiệm mua nhà Mỹ, cô gái gây sốc với lối sống tằn tiện, bới rác kiếm đồ ăn
Mới đây, trên chương trình Extreme Cheapskates của kênh TLC - show truyền hình thực tế của Mỹ ghi lại cuộc sống của những người có phong cách tiết kiệm, tối giản đến tuyệt đối, đã phát sóng câu chuyện của Kate Hashimoto, sống ở New York (Mỹ) với mức chi tiêu hàng tháng chỉ 200 USD/tháng (hơn 4,6 triệu đồng).
Được mệnh danh là một trong những đô thị đắt đỏ nhất nước Mỹ và cả thế giới, để có mua nhà ở New York có lẽ không phải là điều dễ dàng gì với nhiều người lao động, làm công ăn lương.
Theo Investopedia, mức chi tiêu cơ bản để có một cuộc sống thoải mái ở New York rơi vào khoảng 2.000 USD đến 2.500 USD với điều kiện bạn có người thuê chung nhà, không có nhiều nhu cầu giải trí và tất nhiên là chưa tính đến chuyện tiết kiệm tiền. Như vậy, thu nhập lý tưởng để đáp ứng rơi vào khoảng 50.000 USD/năm (hơn 1,1 tỷ VNĐ).
Vậy làm sao Kate Hashimoto lại có thể tồn tại ở New York với chỉ 200 USD/tháng? Tờ Mirror đã đăng tải một bài viết về câu chuyện của Kate Hashimoto.
Chia sẻ trên sóng chương trình, Hashimoto cho biết cô đã sống ở New York được hơn 3 năm, dù mức sống ở đây cực kỳ đắt đỏ nhưng cô gái vẫn có cách để có thể xoay sở.
Cô gái cho biết mình chưa bao giờ chi tiền mua sắm đồ đạc trong nhà, mọi thứ đều được cô nhặt từ bãi rác về để trang trí cho căn hộ của mình. "Tất cả đồ đạc trong nhà đều do tôi nhặt từ bãi rác về trước khi chúng bị người ta đem đi. Tôi tiết kiệm được hàng ngàn đô la cho chi phí mua sắm đồ gia dụng," Hashimoto cho biết.
Chiếc "giường ngủ" của Hashimoto là một chồng thảm yoga cũ được cô nhặt về. Trong khi đó, bàn ăn là được tận dụng từ những tờ tạp chí cũ xếp chồng lên nhau. Ở phòng khách, cô gái đặt một khung giường cũ cùng tấm đệm mỏng mà Hashimoto nhặt được bên ngoài một ký túc xá.
Không chỉ mỗi đồ gia dụng, Hashimoto cũng cực kỳ tiết kiệm cho chi phí quần áo. Đã hơn 8 năm qua, cô gái không mua thêm bộ quần áo mới nào. Thậm chí, lần gần nhất Hashimoto mua đồ lót là năm 1998.
Trong danh sách mua sắm, Hashimoto ưu tiên những món đồ có nhiều ưu đãi, sự kiện khuyến mại, phát đồ miễn phí. Điều này giúp cô tiết kiệm rất nhiều tiền cho các nhu cầu cá nhân.
"Tôi là fan cứng của hàng dùng thử. Thậm chí phát cuồng vì những món đồ miễn phí đó," Hashimoto cho biết.
Cô gái không bao giờ mua giấy vệ sinh vì tin rằng sẽ chẳng tiết kiệm được đồng nào vào những thứ mình chắc chắn sẽ vứt đi. Cô thường lấy khăn giấy ở các nhà vệ sinh công cộng để lau tay và mang chúng về tái sử dụng. Ở nhà, Hashimoto vệ sinh bằng cách dùng xà bông cùng bình xịt nước.
Giá cho dịch vụ giặt là rơi vào khoảng 3 USD/lần và dĩ nhiên, Hashimoto hầu như chẳng bao giờ sử dụng dịch vụ đó. Cô gái tự giặt quần áo ở nhà và để tiết kiệm, Hashimoto vừa giặt vừa tắm luôn. Lần gần nhất cô đem quần áo đi giặt có lẽ là cách đây 3 năm, Hashimoto chia sẻ.
Còn về phần thức ăn, Hashimoto cũng rất chi li trong việc mua đồ. "Hồi mới tốt nghiệp, tôi dành khoảng 20 đến 25 USD cho đồ ăn mỗi tuần, 100 USD mỗi tháng. Nhưng sau đó, tôi tự hỏi tại sao lại có thể dành quá nhiều tiền như vậy cho thức ăn?", Hashimoto nói.
Để giải quyết vấn đề, Hashimoto đóng giả làm người vô gia cư. Mỗi tối sau khi tan làm, cô lại lang thang khắp các nhà hàng, siêu thị ở những khu vực đáng sống nhất New York để lục lọi... thùng rác.
"Những cửa hàng đó thường vứt bỏ rất nhiều thực phẩm chất lượng cao, gồm cả đồ hữu cơ và những món ăn đã được chế biến sẵn," Hashimoto giải thích. Cô gái chỉ chọn những món chưa bị bóc vỏ và còn nguyên trong hộp, vì chúng còn đủ "vệ sinh".
"Tôi được ăn rất nhiều thực phẩm đắt tiền mà chưa bao giờ phải chi một đồng cho chúng," Hashimoto chia sẻ. Với mức chi tiêu tằn tiện như vậy, dĩ nhiên Hashimoto cũng không bao giờ chi tiền đi ăn nhà hàng. "Nếu bạn bè có rủ, tôi sẽ lảng trách lời mời đó. Hoặc, tôi sẽ đi trừ khi họ là người trả tiền," cô gái cho biết.
Nhờ việc quản lý chi tiêu tiết kiệm, Hashimoto đã sở hữu được một căn hộ ở New York khi chỉ tiêu 200 USD/tháng.