Tiền lệ nào cho việc Trung Quốc áp dụng thuế bán phá giá đối với lúa mạch Australia?
Trang The Conversation đăng bài viết của Simon Lacey, Giảng viên cao cấp về Thương mại Quốc tế, Đại học Adelaide, cho rằng việc Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá và trợ cấp đối với lúa mạch Australia có thể coi là một bài học về “gậy ông lại đập lưng ông”, khi chính Australia là một trong những nước đầu tiên ban hành hai loại thuế này và đang áp dụng đối một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là sản phẩm nhôm và thép.
Trung Quốc vừa xác nhận sẽ áp dụng mức thuế chống bán phá giá 80,5% đối với hàng nhập khẩu lúa mạch của Australia và sẽ duy trì mức thuế này trong 5 năm. Australia ngay lập tức đã bày tỏ sự thất vọng sâu sắc với quyết định này.
Quyết định trên của Trung Quốc là kết quả của một cuộc điều tra kéo dài 18 tháng, nhiều khả năng sẽ chấm dứt việc xuất khẩu lúa mạch của Australia sang Trung Quốc, trị giá 600 triệu AUD vào năm 2019, trừ khi Trung Quốc đơn phương rút lại quyết định này hoặc Australia khiếu nại thành công lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tuy nhiên, đã có những tiền lệ cho quyết định trên của Trung Quốc, phần nhiều trong số các tiền lệ này lại đến từ Australia.
Theo bài viết, Australia là một trong các quốc gia đầu tiên ban hành luật chống bán phá giá, cùng với Canada, New Zealand, Mỹ và Anh, trong những năm đầu của thế kỷ XX.
Cho đến nay, Australia vẫn là quốc gia sử dụng nhiều hệ thống này hơn so với các nước khác, và chủ yếu áp dụng các biện pháp phòng vệ này đối với các hàng hóa nhập khẩu từ một quốc gia, Trung Quốc, nhất là sản phẩm thép.
Hướng dẫn của Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) cho rằng bán hàng hóa với giá thấp hơn là việc bình thường, nhưng hành vi này có thể bị coi là bất hợp pháp nếu được thực hiện nhằm mục đích loại bỏ hoặc gây thiệt hại đáng kể cho đối thủ cạnh tranh.
Đối với các biện pháp chống bán phá giá quốc tế, một quốc gia có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sau khi có kết quả điều tra cho thấy hàng hóa nhập khẩu đã được bán thấp hơn giá ở thị trường trong nước và điều này gây ra hoặc đe dọa gây ra tác hại cho ngành sản xuất trong nước sản xuất hàng hóa cùng loại với hàng nhập khẩu đó.
Hiện Australia đang áp dụng hay đề xuất áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với tháp điện gió, thủy tinh, cáp điện, hóa chất, thuốc diệt cỏ, giấy A4 và các sản phẩm nhôm, và thép từ Trung Quốc.
Về lý thuyết, các quy định của WTO chỉ cho phép các biện pháp chống bán phá giá trong thời gian nhất đinh (Trung Quốc thông báo sẽ áp dụng các biện pháp này đối với lúa mạch của Australia trong 5 năm), nhưng trên thực tế, một khi đã được áp dụng, các biện pháp này có thể khó gỡ bỏ.
Bài viết nhận định, trong bối cảnh rộng lớn hơn về mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc, các biện pháp phòng vệ thương mại có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các ngành công nghiệp chịu sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu của Australia khỏi bị ảnh hưởng bởi thương mại tự do với Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều mà các quan chức Trung Quốc đặc biệt chú ý là Australia không tuân thủ cam kết của mình được đưa ra trong các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Australia coi Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, khi tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá.
Sự nhượng bộ trên được Trung Quốc đánh giá là rất có ý nghĩa, nhưng lại khiến Australia khó đưa ra kết luận rằng một số hàng hóa không được bán với giá hợp lý.
Bài viết kết luận, việc Australia tiếp tục sử dụng các biện pháp chống bán phá giá là cần thiết để đáp trả lại các quốc gia khác sử dụng chúng. Mặt khác, để có thể xóa bỏ hệ thống chống bán phá giá hiện nay, Australia cần củng cố các ngành công nghiệp trong nước như thép, nhôm, giấy để có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, hệ thống thuế chống bán phá giá vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ các ngành công nghiệp trên.