|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông sản, thực phẩm Việt giao thương trực tuyến, tìm cơ hội thâm nhập sâu rộng thị trường Trung Quốc

11:55 | 27/05/2020
Chia sẻ
Đây là dịp thuận lợi để doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam duy trì kết nối, tiếp tục thúc đẩy cơ hội kinh doanh triển vọng với Vân Nam, Trung Quốc trong lúc hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống vẫn chưa thể triển khai như bình thường.

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 26 - 27/5, tại Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam) 2020, 23 doanh nghiệp nông sản, thực phẩm, đồ uống của Việt Nam đã giới thiệu tới các nhà nhập khẩu Vân Nam đa dạng sản phẩm chất lượng của Việt Nam, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của các nhà máy sản xuất, người tiêu dùng Vân Nam nói riêng và thị trường Trung Quốc rộng lớn.

Hội nghị do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại Quốc tế Trung Quốc - Chi nhánh tỉnh Vân Nam (CCPIT Vân Nam) tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, hiện nay, dù Việt Nam và tỉnh Vân Nam đều đã kiểm soát có kết quả dịch COVID-19, nhưng hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống thông qua tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp hai bên vẫn chưa thể triển khai như bình thường. 

Do đó, việc tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến là dịp thuận lợi để doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam duy trì kết nối, tiếp tục thúc đẩy các cơ hội kinh doanh triển vọng tới doanh nghiệp và người tiêu dùng Vân Nam.

Nông sản, thực phẩm Việt Nam giao thương trực tuyến với Trung Quốc giữa lúc - Ảnh 1.

Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam) 2020. Ảnh: Bộ Công Thương.

Thời gian qua, ngành nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Việt Nam đang trở thành trung tâm cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm dồi dào ở châu Á cho thế giới. 

Nhiều sản phẩm của Việt Nam đang được chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng, hình thức và giá trị gia tăng với giá cả cạnh tranh, chắc chắn đáp ứng được tốt hơn các nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của doanh nghiệp và người dân Vân Nam.

Theo ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam như vải, nhãn, thanh long, cà phê, hạt điều, thủy sản được người Trung Quốc ưa chuộng và có nhiều triển vọng tăng cường xuất khẩu sang thị trường này. 

Việt Nam và Trung Quốc nói chung và với Vân Nam nói riêng cần phối hợp chặt chẽ với nhau và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, không chỉ bằng phương thức truyền thống mà còn theo hình thức trực tuyến sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại cho doanh nghiệp hai bên, góp phần củng cố quan hệ thương mại đã được xây dựng trên những nền tảng bền vững giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Ông Liu Guang Xi, Hội trưởng Ủy ban Xúc tiến thương mại Quốc tế Trung Quốc Chi nhánh tỉnh Vân Nam – CCPIT Vân Nam mong muốn 2 bên thúc đẩy giao thương để hợp tác thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc nói chung, với Vân Nam nói riêng khởi sắc trong thời gian tới.


Như Huỳnh

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.