|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường Trung Quốc-Hong Kong: Điểm sáng trong bức tranh ảm đạm xuất khẩu cá tra Việt Nam

14:53 | 27/05/2020
Chia sẻ
Kể từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2020, xuất khẩu cá tra sang thị trường này mới bắt đầu phục hồi và tăng trưởng trở lại sau khi các nhà máy chế biến của Trung Quốc quay trở lại làm việc.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), trong tháng 4, giá trị xuất khẩu cá tra sang ba thị trường Trung Quốc - Hong Kong, Singapore và Anh tăng trưởng dương khả quan, lần lượt: 20,1%; 127,6% và 20,3%. 

Điều này giúp cho bức tranh xuất khẩu cá tra bớt ám ảnh trong nỗi lo lắng về sự gián đoạn do dịch bệnh COVID-19 kéo dài.

Tính đến hết tháng 4, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 449,5 triệu USD, giảm gần 27% so với cùng năm 2019. 

Phần lớn các thị trường xuất khẩu lớn trong top 10 thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam đều giảm về giá trị. Ngoại trừ, xuất khẩu sang Singapore tăng 12,7% và Anh tăng 1,1% so với cùng năm trước.

Thị trường Hong Kong - Trung Quốc đang dần hồi phục

Kể từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2020, xuất khẩu cá tra sang thị trường này mới bắt đầu phục hồi và tăng trưởng trở lại sau khi các nhà máy chế biến của Trung Quốc quay trở lại làm việc. 

Tính tới hết tháng 4, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hong Kong đạt 111,1 triệu USD, giảm 20,2% so với cùng năm 2019. 

Riêng giá trị xuất khẩu sang thị trường Hong Kong giảm 24,6% so với cùng năm ngoái. Như vậy, tính tới thời điểm này, Trung Quốc - Hong Kong vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp cá tra Việt Nam, chiếm 24,7% tổng giá trị xuất khẩu.

Cho tới tháng 3-4, mặc dù khách hàng Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu trở lại nhưng chủ yếu với mục đích trữ hàng do các doanh nghiệp nước này lo lắng sẽ không thể nhập thêm hàng nếu Việt Nam thực hiện cách li xã hội trong thời gian không xác định. 

Hơn thế, sau khi mở cửa lại hoạt động sản xuất hậu COVID-19, người dân Trung Quốc vẫn còn tâm lý lo sợ khi ăn bên ngoài hoặc nhiều nhà hàng còn đóng cửa sau đại dịch, sức tiêu thụ tại kênh này chậm do người mua chủ yếu qua hệ thống trực tuyến hoặc siêu thị. 

Một số khách hàng Trung Quốc cũng đề nghị giảm giá mua.

Thị trường Mỹ, EU và ASEAN vẫn tiếp tục xu hướng giảm

Sau khi tăng 26,4% so với cùng năm 2019 vào tháng 3, thì bước sang tháng 4, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này lại giảm 20,7% so với cùng năm trước. Cho tới nay, Mỹ vẫn là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới, hoạt động sản xuất của nước này gặp rất nhiều khó khăn. 

Các nhà máy chế biến thực phẩm, thủy sản đều khó khăn về lao động. Do đó, hoạt động xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 4 lại giảm. Tính đến hết tháng 4, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 74,6%, giảm 14,6% so với cùng năm trước.

Tính đến hết tháng 4, giá trị xuất khẩu cá tra sang ASEAN đạt 53 triệu USD, giảm 24,4% so với cùng năm trước. Như vậy, tính tới thời điểm này, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của cá tra Việt Nam (sau Trung Quốc - Hong Kong và Mỹ), chiếm 11,8% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. 

Đáng chú ý, trong tháng 4, xuất khẩu cá tra sang ASEAN giảm, trong đó, xuất khẩu sang thị trường lớn nhất trong khu vực là Thái Lan cũng giảm gần 30%, Malaysia giảm 31% nhưng giá trị xuất khẩu sang Singapore tăng 127,6% so với cùng năm 2019. 

Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu cá tra sang Singapore cũng tăng 12,7% so với cùng năm trước. Đây là thị trường đạt mức tăng trưởng dương xuất khẩu cá tra lớn nhất trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Sau Trung Quốc, EU là thị trường thứ 2 bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19, nhất là tại các thị trường nhập khẩu lớn trong khối như Italy, Tây Ban Nha và cả Anh...

Lệnh phong tỏa tại một số nước như Italy khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản sụt giảm mạnh vì hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn trường học bị đóng lại. Sự đình trệ kinh doanh khiến các nhà phân phối thủy sản phải giảm giá, ảnh hưởng đến giá thủy sản nhập khẩu

Do đó, trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang EU gặp rất nhiều khó khăn. Tính tới hết tháng 4, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 48,3 triệu USD, giảm 36%, trong đó, xuất khẩu sang 3 thị trường lớn nhất trong khối là: Hà Lan, Đức và Bỉ đều giảm, lần lượt là: 29%; 31% và 38,8%.

Quí II khó lòng thoát khỏi tăng trưởng âm

VASEP nhận định với tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp tại các thị trường xuất khẩu lớn như: Mỹ, EU, Brazil… nên xuất khẩu cá tra trong quí II khó có thể thoát khỏi mức tăng trưởng âm. 

"Nếu quí II III, tình hình dịch bệnh tại các nước đang là tâm dịch nằm trong tầm kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại thì xuất khẩu cá tra mới có cơ hội phục hồi trở lại" VASEP cho biết.

H.Mĩ