|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiền gửi ngân hàng bất ngờ tăng trưởng âm trong tháng 4

15:34 | 11/07/2022
Chia sẻ
Tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng giảm so với tháng trước chủ yếu do tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 69.446 tỷ đồng.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 4, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,3 triệu tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm ngoái, song giảm 11.849 tỷ đồng so với tháng trước. Đây là tháng đầu tiên tiền gửi trong hệ thống ghi nhận sụt giảm kể từ đầu năm nay.

Nguyên nhân chủ yếu do tiền gửi của các tổ chức kinh tế (TCKT) trong tháng 4 giảm 69.446 tỷ đồng so với tháng trước. Tính đến 30/4, tiền gửi của các TCKT đạt hơn 5,79 triệu tỷ đồng, tăng 2,66% so với đầu năm.

 Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Trong khi đó, tiền gửi dân cư trong tháng 4 tiếp tục tăng 57.590 tỷ đồng so với tháng trước, đạt hơn 5,5 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2021, tiền gửi của người dân tăng đến 4,37%, tương đương tăng hơn 231.590 tỷ đồng.

Trước đó, trong tháng 3, tiền gửi của các TCKT tăng mạnh 228.341 tỷ đồng so với tháng 2. Tiền gửi dân cư cũng duy trì đà tăng trong tháng 3, đạt hơn 5,47 triệu tỷ đồng, tăng gần 174.000 tỷ trong ba tháng đầu năm, tương đương tăng 3,28%.

Báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán SSI cho biết chỉ trong 6 tháng đầu năm, lượng tín dụng bơm mới vào thị trường đạt hơn 888.000 tỷ dồng, trong khi đó chỉ có 434.000 tỷ được huy động thêm từ dân cư và các tổ chức kinh tế, và điều này rõ ràng tạo áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian qua.

Thực tế, trong giai đoạn cuối quý I và đầu quý II, hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần đã lần lượt điều chỉnh biểu lãi suất huy động với mức trung bình tăng từ 0,3-1 điểm %. Hai "ông lớn" nhà nước là BIDV và Agribank vừa qua cũng đã tăng 0,1 điểm % cho kỳ hạn trên 12 tháng. 

Chuyên gia cho rằng áp lực tăng lãi suất huy động sẽ rơi về cuối năm, đặc biệt là khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 37% về 34% sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10.  

Mặt khác, CTCP Chứng khoán VNDirect nhận định đà tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong quý III/2022 vì nhu cầu huy động vốn thấp do nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, đà tăng này có thể tăng tốc trở lại trong quý IV sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các NHTM. Lãi suất huy động dự báo có thể tiếp tục tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm % trong 6 tháng cuối năm 2022.

Phương Nga