Tiêm vắc xin COVID-19 sau bao lâu có tác dụng bảo vệ?
Thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, Bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết vắc xin phòng COVID-19 sẽ không có tác dụng bảo vệ cho người được tiêm chủng ngay lập tức.
Sau mũi tiêm đầu tiên phải chờ ít nhất hai tuần sau thì vắc xin mới bắt đầu có tác dụng và mức bảo vệ khi này chỉ đạt ở mức rất thấp. Phải sau một tháng sau khi tiêm mũi thứ hai, vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu, tuy nhiên hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức từ 60%-90% tùy theo từng loại vắc xin phòng COVID-19 khác nhau.
Việt Nam đến nay đã phê duyệt 6 loại vắc xin phòng COVID-19 gồm AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Vero Cell, Moderna và Janssen. Các vắc xin này hiệu quả cụ thể như sau:
Hai liều vắc xin AstraZeneca (hai mũi tiêm cách nhau từ 4 - 12 tuần) đem lại hiệu quả bảo vệ từ 62 - 90% trước các tác nhân gây bệnh COVID-19. Khoảng cách giữa hai liều tiêm dài hơn có thể sẽ có hiệu quả cao hơn.
Đối với vắc xin của Pfizer, vắc xin này có hiệu quả 95% sau khi tiêm đủ hai liều. Tiến sĩ Robert Salata, Giám đốc Trung tâm Y tế Du lịch và Sức khỏe Toàn cầu Roe Green của Bệnh viện Đại học ở Cleveland cho biết, sau mũi đầu tiên 14 ngày, vắc xin có hiệu quả bảo vệ khoảng 52%, theo CNN. Hãng dược phẩm Pfizer/BionTech cũng cho biết vắc xin của họ có khả năng bảo vệ trong ít nhất 6 tháng.
Về hiệu quả với các biến chủng mới, BBC đưa tin, một nghiên cứu tại Anh cho thấy trong ba tuần đầu sau mũi tiêm thứ nhất, vắc xin của Pfizer và AstraZeneca chỉ đạt hiệu quả 33% với biến thể từ Ấn Độ, và 50% với biến thể từ Anh.
Hai tuần sau mũi tiêm thứ hai, vắc xin Pfizer có hiệu quả 88% trong việc ngăn chặn các triệu chứng bệnh do biến chủng từ Ấn Độ gây ra, và đạt hiệu quả 93% với biến chủng từ Anh. Trong khi đó, vắc xin AstraZeneca có hiệu quả 60% trong việc ngăn chặn các triệu chứng bệnh do biến thể từ Ấn Độ gây ra, và hiệu quả này là 66% với biến thể ở Anh.
Đối với vắc xin của Moderna (tên gọi khác là Spikevax), sau khi tiêm đủ hai liều, vắc xin này cung cấp hiệu quả 94%. Bên cạnh đó, theo CNBC, hãng Moderna (Mỹ) công bố kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin có hiệu quả phòng ngừa các biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm chủng Delta, và có khả năng bảo vệ trong ít nhất 6 tháng.
Theo dữ liệu được công bố trên Lancet về vắc xin Sputnik V (Nga), hiệu quả của vắc xin này đạt 91,6%. Đây là một trong ba loại vắc xin COVID-19 trên thế giới có hiệu lực bảo vệ trên 90%, ngang hàng với Pfizer và Moderna. Viện Gamaleya, nhà phát triển vắc xin COVID-19 Sputnik V mới đây cho biết vắc xin này có hiệu quả khoảng 90% đối với biến chủng Delta, theo đài RT.
Vắc xin Vero Cell của Sinopharm (Trung Quốc) là vắc xin thứ 6 trên thế giới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), ghi nhận hiệu quả bảo vệ đạt 78.2%.
Vắc xin một liều mang tên Janssen của Johnson & Johnson (Mỹ) đạt hiệu quả 66,3% trong thử nghiệm lâm sàng và có khả năng bảo vệ tốt nhất sau hai tuần tiêm chủng. Công ty Johnson & Johnson (J&J) cho biết vắc xin có khả năng miễn dịch kéo dài ít nhất 8 tháng, đồng thời cung cấp sự bảo vệ đầy đủ chống lại một loạt các biến thể SARS-CoV-2 đáng lo ngại, bao gồm biến thể B.1.617.2 (Delta), B.1.351 (Beta) và P.1 (Gamma).