|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thuỷ triều rút ở Gemadept

12:56 | 13/12/2019
Chia sẻ
Gemadept đang bước vào một giai đoạn mới với nhu cầu vốn tăng cao.
GMD

Trái ngược những kì vọng vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn, cổ phiếu của doanh nghiệp tư nhân sở hữu nhiều cảng biển lớn nhất Việt Nam - Gemadept vẫn đang âm thầm giảm giá khiến không ít nhà đầu tư hoang mang. (Nguồn: Fireant)

Hiện tượng thuỷ triều rút 

Sau đợt giảm giá mạnh cuối năm 2018, cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept tiếp tục sụt giảm sau khi đi ngang trong nửa đầu năm 2019. Điều này khiến những nhà đầu tư bám trụ vào những mã cổ phiếu vốn được cho là có nền tảng kinh doanh vững chắc như Gemadept có lý do để lo ngại.

Trong khi đó, những người đã thu lợi nhiều nhất tại Gemadept, từ việc cổ phiếu GMD tăng giá mạnh năm 2017 cho đến số cổ tức lớn nhất được chia từ 2018 đã và đang lặng lẽ rút lui. 

Năm 2017, VIGroup, nhà đầu tư đến từ thiên đường thuế Cayman Island, đã quyết định thực hiện chuyển đổi số trái phiếu giá gốc 40 triệu USD mà tổ chức này đứng ra cho Gemadept vay hồi năm 2012. 

Theo các điều khoản hợp đồng, VI Fund có quyền yêu cầu chuyển đổi toàn bộ trái phiếu (bao gồm gốc vay và lãi tích lũy) sang cổ phiếu phổ thông sau một năm từ ngày Hợp đồng mua trái phiếu chuyển đổi có hiệu lực (tức là từ ngày 13/8/2013). Giá chuyển đổi được xác định là 88% giá cổ phiếu trên thị trường bình quân từ ngày 15/7 đến ngày 15/8/2012. 

Theo đó, Gemadept đã chốt mức mức giá chuyển đổi là 10.640 đồng/cổ phần, tương đương tỷ lệ chuyển đổi là 1:1.640 (tức là 1 cổ phiếu sẽ chuyển đổi 10.640 đồng nợ vay). Lưu ý, mức giá này thấp hơn rất nhiều so với mức giá thị trường của GMD tại thời điểm phát hành kể cả sau khi pha loãng. 

Với tổng nợ vay và lãi lũy kế là 50,75 triệu USD, tăng 10,75 triệu USD (27%) so với số nợ ban đầu. Gemadept đã phát hành thêm đến 109 triệu cổ phiếu, tương ứng 38% cổ phần Gemadept cho VIGroup và bà Lê Thúy Hương. 

Đến năm 2018, Gemadept cũng thực hiện bước tiếp theo rất có lợi cho VIGroup là chia cổ tức đặc biệt với tỉ lệ tổng cộng 80% cho cổ đông, tương ứng mỗi cổ phiếu được nhận 8.000 đồng. Việc này được thực hiện sau sau thương vụ thoái vốn khỏi mảng vận tải biển và logistics và thoái vốn tại Gemadept Tower.

Nhận được cổ tức tiền mặt giá trị lớn, cùng với việc cổ phiếu GMD trên thị trường đã tăng giá hơn gấp đôi so với mức giá chuyển đổi (đã tính lãi vay), nhóm VIGroup đã và đang liên tục tìm cách rút vốn khỏi Gemadept.

Trong khoảng thời gian từ giữa năm nay, Bà Lê Thuý Hương đã 2 lần bán ra cổ phần và không còn nằm trong danh sách cổ đông lớn của Gemadept và rút khỏi chức danh Thành viên HĐQT Gemadept trong kì đại hội cổ đông năm nay.

Trong khi đó, các quỹ thành viên của VIGroup cũng đã liên tục thoái vốn khỏi Gemadept trong năm nay. Trong đó, VI Fund II gần đây tiếp tục đăng kí bán toàn bộ 42,9 triệu cổ phiếu GMD, tương đương 11,44% cổ phần Gemadept mà đơn vị này sở hữu nhằm mục đích thoái vốn sạch vốn khỏi công ty. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch trong khoảng thời gian từ 10/12/2019 đến 8/1/2020.

Trước đó, vào ngày 8/7, tổ chức này đã bán 29,7 triệu cổ phiếu GMD cho Công ty TNHH SSJ Consulting Việt Nam, công ty con của Sumitomo Nhật Bản, qua đó giảm tỉ lệ sở hữu từ 29,55% xuống còn 19,55%, tương đương 58 triệu cổ phiếu.

Gemalink - Giai đoạn II Nam Đình Vũ: Hai dự án then chốt trong hiến lược phát triển dài hạn

Theo các nhà phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), Gemadept đã bắt đầu triển khai giai đoạn 2 của dự án cảng Nam Đình Vũ (Hải Phòng) trong tháng 11 vừa qua, 9 tháng sau khi tái khởi động dự án Gemalink (Cái Mép, Vũng Tàu). 

Giai đoạn 2 của Nam Đình Vũ sẽ có thiết kế và tổng mức đầu tư tương tự giai đoạn 1 với 2 cầu tàu với công suất bốc dỡ 550.000 TEU/năm. Sau khi hoàn thành (dự kiến vào cuối 2020), cảng Nam Đình Vũ sẽ đạt công suất 1,1 triệu TEU/năm và bao gồm tất cả 4 cầu cảng dài 880m. 

Thiết kế này giúp cho Gemadept hạn chế được tối đa tình trạng thiếu cầu bến để phục vụ khách hàng trong những ngày cao điểm, một tình trạng thường thấy tại các cảng sông khác tại Hải Phòng, vốn chỉ sở hữu 1-2 cầu cảng với chiều dài khoảng 300-400m, trong thời gian gần đây.

Cuối năm 2020, giai đoạn 1 dự án Gemalink sẽ đi vào hoạt động và đóng góp thêm 1,5 triệu TEU mỗi năm vào công suất chung của toàn hệ thống cảng của GMD, giúp tổng công suất của GMD sẽ tăng hơn gấp đôi so với thời điểm cuối 2019, ước đạt khoảng 3,75 triệu TEU/năm.

gmd cong suat

Sở hữu vị trí thuận lợi, những dự án này khi hoàn thành (dự kiến cuối năm 2020) không những giúp Gemadept hoàn thiện chuỗi hệ thống cảng biển và dịch vụ hậu cần trải dọc cả nước, mà còn nâng cao vị thế cạnh tranh với những lợi thế về cơ sở vật chất kỹ thuật và công suất khả dụng so với các đối thủ khác cùng phân khúc trong khu vực tương ứng.

Lo thiếu vốn ảnh hưởng lợi nhuận trung ngắn - trung hạn

VDSC cho rằng, với đà tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực Cái Mép và sự tiếp diễn trong xu hướng dịch chuyển xuống hạ lưu của các hãng tàu quốc tế tại Hải Phòng sẽ là những yếu tố hỗ trợ giúp hiện thực hóa chiến lược gia tăng thị phần của Gemadept tại hai khu vực này trong dài hạn.

"Mặc dù vậy, nhiều khả năng những dự án này sẽ chưa thể đem lại kết quả khả quan trong thời gian đầu hoạt động. Do đó, tác động ngắn hạn lên kết quả kinh doanh của tập đoàn GMD từ dự án cảng Gemalink (ước tính từ nửa cuối năm 2020) và giai đoạn 2 của dự án cảng Nam Đình Vũ (ước tính từ năm 2021) sẽ là những yếu tố cần phải theo dõi sát sao", VDSC lưu ý.

Dong tien GMD

Nguồn: Rồng Việt Research

Sau khi báo lãi lớn từ các thương vụ bán tài sản năm 2018 và chia tiền cho cổ đông, lượng tiền của công ty còn chưa đến 200 tỉ đồng trong tổng tài sản gần 10.000 tỉ đồng tại ngày 30/9/2019.

Trong khi đó, nguồn vốn tài trợ cho các dự án trên hầu hết đến từ nợ vay, chiếm khoảng 2/3 cơ cấu vốn. VDSC ước tính với tổng dư nợ của 2 dự án khoảng 260 triệu USD, trong đó Gemalink chiếm 210 triệu USD và Nam Đình vũ chiếm 50 triệu USD. 

Theo đó, chi phí lãi vay sẽ là tương đối lớn, đặc biệt đối với dự án Gemalink. Do đó, nhiều khả năng những dự án này sẽ chưa thể đem lại kết quả khả quan trong thời gian đầu hoạt động. Ứớc tính, dự án Gemalink sẽ bắt đầu có lãi sau 2 năm hoạt động; trong khi Nam Đình Vũ đã hoạt động có lãi trong nhưng dự báo lợi nhuận sẽ giảm nhẹ trong năm 2021 khi bắt đầu ghi nhận các chi phí của giai đoạn 2.

Trong khi đó, không ít nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về quyết định tài trợ vốn tiếp theo của Gemadept khi đang bung sức để thực hiện hai dự án chiến lược. Thiếu vốn có thể lại đặt Gemadept vào thực tế đã diễn ra năm 2012, khi những người cho vay trái phiếu chuyển đổi mới chính là những người hưởng lợi nhiều nhất?

gmd ước tính KQKD

Nguồn: Báo cáo Rồng Việt.


Hoàng Trung