Thương mại điện tử truyền thống thất thế khi livestream bán hàng lên ngôi
Xu hướng mua sắm qua livestream bùng nổ tại Trung Quốc, dẫn đến sự phát triển của các sản phẩm công nghệ mới như streamer ảo và gói dữ liệu di động. Đây là một nỗ lực để tìm kiếm doanh thu và đổi mới trong một số ít điểm sáng của nền kinh tế.
Theo phân tích của McKinsey, trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân gần đây nhất vào tháng 11, doanh thu thương mại điện tử qua livestream đã tăng 19%, trong khi doanh thu thông qua thương mại điện tử truyền thống giảm 1%.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020, các nhà bán lẻ Trung Quốc đã ngay lập tức thuê hoặc đào tạo phát triển các host livestream (người dẫn chương trình) nội bộ để bán hàng.
Có những cá nhân là người có ảnh hưởng trên mạng xã hội như Austin Li, sau một đêm đã trở thành triệu phú và người nổi tiếng nhờ thương mại livestream.
Ông Daniel Zipser, đối tác cấp cao đồng thời là lãnh đạo bộ phận tiêu dùng và bán lẻ châu Á của McKinsey, cho biết: “Livestream, đặc biệt là livestream bán hàng là thứ mà không có quốc gia nào trên thế giới đạt được quy mô khủng như Trung Quốc”.
Hiện tại, các doanh nghiệp đang đưa vào thử nghiệm các host livestream ảo, là những mô hình giống người thật được tạo ra từ công nghệ. Đó có thể là avatar đại diện cho một host có thật hoặc một con người ảo được lập trình.
Việc sử dụng người dẫn livestream ảo là xu hướng nổi bật trong Ngày Độc thân năm nay.
Theo bà Xiaofeng Wang, nhà phân tích chính tại Forrester, việc sử dụng người dẫn chương trình livestream ảo là một xu hướng nổi bật trong Ngày Độc thân năm nay.
”Trong năm nay, chất lượng đã được cải thiện rất nhiều, các host ảo trông giống thật hơn, ít nhất là những người tôi đã thấy từ Tencent, JD”, bà nói.
Bà Wang nói thêm rằng việc sử dụng streamer ảo là cách để các nhà bán lẻ tạo sự khác biệt so với những người khác, cũng như giảm chi phí thuê một người có ảnh hưởng nổi tiếng. Đồng thời cũng tránh rủi ro khi người thật có thể vướng vào các vụ bê bối không đáng có.
Chỉ cần một video dài 3 phút của người thật cùng 100 câu nói các kỹ sư tại Tencent có thể tạo ra một avatar ảo. Công ty cũng có nền tảng “Zen Video” cho phép mọi người tạo video quảng cáo đơn giản một nhân vật ảo.
Một số công ty cũng đang kết hợp trí tuệ nhân tạo kiểu ChatGPT với livestream bán hàng.
Gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến JD.com cho biết mô hình ảo Yanxi của họ - dựa trên trí tuệ nhân tạo, đã được sử dụng trong các buổi livestream cho hơn 4.000 thương hiệu trong Ngày Độc thân năm nay.
Theo bộ phận công nghệ của JD, một streamer ảo đã phát sóng liên tục trong 28 giờ.
Baidu, nổi tiếng với công cụ tìm kiếm và chatbot AI Ernie, đã tham gia vào mua sắm trực tuyến trong Ngày Độc thân năm nay khi lần đầu sử dụng streamer ảo Huiboxing trên nền tảng thương mại điện tử Youxuan của mình.
Trong cùng khoảng thời gian, theo Baidu, gã khổng lồ điện tử Suning đã chứng kiến streamer ảo mang về hơn 3 triệu nhân dân tệ (420.000 USD) tổng giá trị hàng hóa (GMV) trong một ngày.
Ông Wu Chenxia, người đứng đầu bộ phận phát triển streamer ảo Huiboxing, cho biết các nhân vật ảo hiện đang cung cấp miễn phí cho các nhà bán lẻ hoạt động trên nền tảng thương mại điện tử của Baidu.
Ông cho nói thêm Huiboxing sử dụng dữ liệu lớn để tạo ra nhiều kịch bản livestream ngay lập tức.
ChatGPT của OpenAI hiện không được phép truy cập chính thức tại Trung Quốc. Trong khi đó, tận cuối tháng 8, chatbot Ernie của Baidu mới được sử dụng rộng rãi khi Bắc Kinh bật đèn xanh.
Thành công của livestream bán hàng cũng phụ thuộc vào kết nối video ổn định.
Khách hàng tiềm năng gần như luôn xem các buổi livestream trên điện thoại di động của họ. Trong khi phía người bán cố gắng phát trực tiếp từ nơi sản xuất sản phẩm.
Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ di động như China Unicom và China Mobile đã bắt đầu bán các gói dữ liệu dành riêng cho người livestream ở một số địa phương.
Theo ông Joe Wang - thuộc bộ phận ICT của Huawei, những gói cước này phân tách mạng để người livestream được phục vụ ưu tiên, tương tự như cách làn đường cao tốc chỉ cho phép ô tô sử dụng để tránh tắc nghẽn.
Tất cả những điều này dựa trên việc phổ biến mạng 5G cho phép người bán hàng phát sóng ngoài trời hoặc phát đồng thời trên nhiều nền tảng. Trong tương lai, mạng 5,5 G về lý thuyết sẽ được thương mại vào năm 2025.
Trong khi đó, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đang cho phép các doanh nghiệp biến hình ảnh 2D của các streamer ảo thành hình 3D. Điều đó có nghĩa là livestream bán hàng 3D có thể trở thành hiện thực trong khoảng 2 năm tới.
Ngay cả các công ty như Quantasing chuyên bán các khoá học, cũng tham gia vào xu hướng này bằng cách tổ chức các buổi bán hàng livestream, tạo ra 13,3 triệu nhân dân tệ tổng giá trị giao dịch hàng hoá trong tháng 8 vừa qua.
Giám đốc điều hành Matt Li cho biết Quantasing tổ chức hơn 10 buổi livestream cùng lúc.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng, việc phát trực tiếp sẽ phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về nội dung của Trung Quốc. Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng doanh số bán hàng qua livestream thường là hành động mua sắm ngẫu hứng, bộc phát dẫn đến tình trạng sản phẩm bị trả lại nhiều.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/