|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thương mại điện tử: Bảng phân vai mới trên thị trường

20:52 | 12/02/2017
Chia sẻ
Thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam đã có thêm một “tân binh” vào những ngày đầu năm mới này: Vuivui.com. Là gương mặt mới nhưng Vuivui.com đã đặt mục tiêu sẽ đạt doanh thu 20 tỉ đồng mỗi tháng vào cuối năm nay. 

Điều gây sự chú ý hơn cả là Thế giới Di động – chủ sở hữu trang web – đã công khai tham vọng trở thành trung tâm thương mại điện tử hàng đầu của Việt Nam.

Được đánh giá là có tiềm năng phát triển nhanh và mạnh nhưng trên thực tế, thị trường thương mại điện tử trong nước quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có một số thương hiệu quen thuộc như Lazada, Tiki, Sendo, Adayroi… và gần đây là Shopee, Chotot, Muabannhanh. Trong đó, các sàn thương mại trực tuyến có doanh thu lớn cũng chỉ có một vài cái tên như Lazada, Tiki và Sendo.

Những gương mặt dẫn đầu quen thuộc

Mặc dù chưa có những cuộc thống kê chi tiết về doanh thu của các sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng thị trường đang ghi nhận hai gương mặt nổi bật là Lazada và Tiki, giới chuyên gia trong ngành cũng đánh giá đây là hai sàn giao dịch theo mô hình B2C (Business-to-Customer, giao dịch giữa doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng) có doanh thu lớn nhất hiện nay.

Vào đợt cao điểm của mùa khuyến mãi trực tuyến (ngày 12-12-2016), Lazada đã lập kỷ lục với tổng giá trị giao dịch (GMV – Gross Merchandise Value) lên tới 180 tỉ đồng mỗi ngày (vào khoảng 7,8 triệu đô la Mỹ). Đây là mức doanh thu cao nhất được ghi nhận kể từ lúc Lazada bước chân vào thị trường Việt Nam vào năm 2012. Trước đó, vào tháng 3-2016, nhân dịp kỷ niệm lần thứ tư ngày thành lập sàn thương mại điện tử Lazada.vn, ban giám đốc công ty đã cho biết chỉ số GMV của sàn là 1,3 tỉ đô la mỗi năm. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày sàn bán lẻ trực tuyến này có doanh thu khoảng 82 tỉ đồng.

Ban quản trị của sàn thương mại điện tử Tiki.vn cũng cho biết chỉ số GMV của mình vào khoảng 100 tỉ đồng trong năm 2016. Đây cũng là mức doanh thu hằng năm cao nhất của Tiki tính đến thời điểm hiện tại. Có thể nói, Tiki kể từ khi có thêm nguồn vốn 18 triệu đô la (khoảng 376,5 tỉ đồng) từ nhà đầu tư VNG đã có những bước đi táo bạo trong các kế hoạch thu hút khách hàng, tăng nhanh doanh thu… Dù “đốt tiền” khá nhiều cho các chương trình khuyến mãi, quảng cáo và truyền thông nhưng sàn này cũng đã có doanh thu tăng lên nhiều lần so với cùng thời điểm cách đây vài năm.

Trong khi đó, năm 2016 lại là năm mà sàn thương mại điện tử Sendo.vn có dấu hiệu “hụt hơi”, để cho đối thủ cạnh tranh Tiki nhanh chóng vượt qua. Tuy nhiên, Sendo vẫn đang là một trong những sàn có số lượng sản phẩm và chủ cửa hàng (shop) đăng ký bán hàng đông đảo nhất hiện nay. Hiện tại, trên Sendo.vn đang có tổng cộng 80.000 shop và ba triệu mặt hàng được bày bán.

Ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc sàn Sendo.vn, cho biết vào năm ngoái, Sendo đã cho ra mắt ví điện tử có tên gọi Ví FPT và nền tảng thanh toán trực tuyến này sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Sendo. Đồng thời, Sendo cũng sẽ đẩy mạnh mảng thương mại di động với phần mềm ứng dụng Sendo. Hiện tại, ứng dụng này đạt 1 triệu lượt cài đặt và ở trong danh sách ba ứng dụng mua sắm trực tuyến hàng đầu ở Việt Nam trên hai kho ứng dụng App Store và Google Play.

Ông Linh cũng dự báo hoạt động giao dịch thanh toán trực tuyến của Sendo.vn sẽ tăng 30-40% mỗi năm, so với mức tăng 5% trong năm 2015.

thuong mai dien tu bang phan vai moi tren thi truong

Cuộc chuyển đổi giữa các mô hình

Một chuyên gia trong ngành thương mại điện tử nhận định rằng sau sự ra đi của một loạt sàn kinh doanh trực tuyến như Deca.vn, Lingo.vn, Beyeu.com… có vẻ như hướng phát triển của các sàn giao dịch trực tuyến ở Việt Nam đang bị điều chỉnh. Các doanh nghiệp đang có những sự thay đổi, chuyển dịch về cơ cấu hàng hóa, dịch vụ cũng như cách thức tiếp cận khách hàng.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho rằng các mô hình kinh doanh đang có sự phát triển nhanh, đa dạng nhưng quy mô chưa đủ lớn. Việc kinh doanh của một số sàn thương mại điện tử có lúc gặp khó khăn, do đó doanh nghiệp phải thay đổi cách thức tiếp cận người mua. Trên thực tế, các sàn vận hành theo mô hình C2C (Customer-to-Customer, giao dịch giữa người bán lẻ cá nhân và người tiêu dùng) cũng đang vất vả cạnh tranh lẫn nhau để thu hút người mua hàng. Tương tự như các sàn giao dịch lớn như Lazada, Tiki, Sendo…, các chợ rao vặt trực tuyến này cũng đang tích cực đưa ra các chương trình khuyến mãi, chương trình hỗ trợ chi phí vận chuyển… để thu hút người mua lẫn người bán. Sự phân chia về ngôi thứ giữa các sàn C2C hiện nay vẫn chưa rõ ràng, nhưng thị trường đang ghi nhận sự vượt trội của các sàn Shopee, Chotot và Muabannhanh với tính linh hoạt trong kinh doanh và trong việc ứng dụng công nghệ di động (Mobile First), tích hợp các tiện ích trên phần mềm ứng dụng…

Tại cuộc hội thảo dành cho các nhãn hàng đang kinh doanh trên sàn Lazada vào tháng 1 vừa qua, ban quản trị sàn cho biết doanh nghiệp này đang tập trung vào việc kiểm soát quy trình và chất lượng hàng hóa. Theo đó, sàn sẽ loại bỏ các sản phẩm bị người mua phản ánh không đạt chất lượng, có tỷ lệ đổi và trả hàng cao, đồng thời, cũng yêu cầu người bán cung cấp giấy xác nhận xuất xứ hàng hóa, rút ngắn thời gian giao, đổi và trả hàng.

Lazada hiện đang vận hành theo mô hình chợ trực tuyến (marketplace), trong đó một dòng hàng hóa có nhiều nhà cung cấp với giá bán khác nhau. Chính vì đặc điểm này mà Lazada phải tăng cường quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm. Việc lồng ghép mô hình chợ trực tuyến vào B2C sẽ có ưu điểm là giúp tăng nhanh doanh thu, thu hút một số lượng lớn khách vào đặt hàng, nhưng khâu kiểm soát hàng hóa của Lazada sẽ phải chặt chẽ và cải tiến hơn trước đó.

Tiki cũng đang áp dụng mô hình B2C và vẫn vận hành tốt hệ thống bán hàng với sự bảo đảm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Mặc dù phát triển mô hình chợ trực tuyến nhưng Lazada vẫn đầu tư cho nền tảng B2C và đã ký kết bản hợp tác chiến lược với khoảng 40 nhà bán lẻ và các nhãn hàng lớn như Điện máy Chợ Lớn, Trần Anh, Home Center, Sơn Kim, Lock&Lock, Kid Plaza… Điều này giúp Lazada tăng thêm nguồn hàng hóa từ các nhà cung cấp có uy tín trên thị trường.

Theo cuộc khảo sát của Lazada vào tháng 3-2016, có hơn 82% số khách hàng bày tỏ mối quan tâm đến chất lượng hàng hóa khi mua hàng trực tuyến, tỷ lệ dịch chuyển từ việc mua hàng có giá trị thấp sang mua hàng có giá trị lớn cũng đang tăng trên sàn này. Chính vì thế, ông Alexandre Dardy, Giám đốc điều hành của Lazada Việt Nam, cho rằng trong năm 2017 này doanh nghiệp vẫn tập trung vào việc thu hút thêm nhiều nhà bán lẻ, nhãn hàng tham gia kinh doanh trên Lazada.vn. Dự kiến, sàn này sẽ thu hút 10.000 thương hiệu cùng tham gia, tăng gấp ba lần so với hiện nay.

Trong khi đó, Tiki vẫn tiếp tục khẳng định hướng đi của mình là phát triển nền tảng B2C, tập trung mở rộng diện tích các kho hàng tập trung, chú trọng khâu hoàn tất đơn hàng (fulfillment), rút ngắn thời gian giao hàng… Tiki hiện đang đầu tư mạnh cho nguồn nhân lực đảm nhiệm khâu kiểm soát hàng hóa tại kho, điều này nhằm góp phần kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa trước khi giao đến tay người tiêu dùng.

Trong tương lai, sự đa dạng về nguồn hàng hóa và chất lượng dịch vụ (giao nhận, chăm sóc khách hàng) sẽ quyết định thứ hạng của các sàn thương mại điện tử Việt Nam chứ không hẳn là những khoản đầu tư vào hoạt động tiếp thị, khuyến mãi. Doanh nghiệp nào có nguồn hàng tốt, chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý, việc giao nhận nhanh chóng… sẽ có cơ hội vươn lên trên thị trường.

Vuivui.com đặt mục tiêu 200.000 lượt truy cập mỗi ngày

Theo ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Thế giới Di động, việc cho ra đời Vuivui.com là nhằm cạnh tranh “miếng bánh” tiềm năng của thị trường bán lẻ trực tuyến với các đối thủ, hướng tới tham vọng trở thành trung tâm bán lẻ trực tuyến hàng đầu trong nước. Công ty cũng đặt ra mục tiêu đến tháng 12-2017, siêu thị trực tuyến này sẽ đạt số lượt truy cập 200.000 lượt mỗi ngày, tăng gấp bốn lần so với quý 1-2017 (50.000 lượt). Đồng thời, doanh thu bán lẻ trực tuyến của Vuivui.com sẽ tăng từ 5 tỉ đồng mỗi tháng vào cuối quý 1 lên 20 tỉ đồng/tháng khi kết thúc năm 2017 này.

Ông Phạm Văn Trọng, Giám đốc dự án thương mại điện tử Vuivui.com, nói rằng siêu thị chỉ kinh doanh các mặt hàng chính hãng và đưa ra lời cam kết – nếu khách hàng phát hiện có hàng giả hay hàng nhái trên sàn trực tuyến này thì doanh nghiệp sẽ đền 100% số tiền khách mua hàng.

Vuivui.com hiện tại có khoảng 700 sản phẩm, và sẽ nhanh chóng tăng thêm ngành hàng, số lượng hàng hóa từ quý 1-2017 trở đi. Trước đó, Vuivui.com đã trải qua giai đoạn chuẩn bị, vận hành thử nghiệm từ tháng 3 tới tháng 6-2016, xây dựng trang web bán hàng với các mặt hàng đang được kinh doanh tại các chuỗi bán lẻ Thegioididong.com, Điện máy Xanh và Bách hóa Xanh.

Phạm Bảo