Thung lũng Silicon gặp khó vì Trump trục xuất người nhập cư
Trước cuộc bầu cử, Nicole Manion và sếp của mình từng đùa nhau rằng biết đâu khi Donald Trump thắng cử, cô sẽ phải thôi việc ở Seatle (Mỹ) và bị trục xuất về Canada. Giờ thì hai người đã không thể cười được nữa.
Tương lai của Manion, một chuyên viên phân tích của một công ty phần mềm marketing bỗng dưng trở nên vô cùng bất định. Cô hiện đang làm việc ở Mỹ theo một dạng visa đặc biệt cho người Canada và Mexico, ra đời nhờ có hiệp định NAFTA, một hiệp định thương mại tự do mà Trump từng tuyên bố sẽ “hủy bỏ hoàn toàn”.
“Chuyển đến sống ở Mỹ là ước mở của tôi”, cô cho hay. “Tôi luôn coi nước Mỹ là người anh lớn trong khu vực, là miền đất của những cơ hội mới, đặc biệt là trong ngành công nghệ. Giờ thì tôi đứng giữa những câu hỏi lớn, tôi sẽ phải về Canada và bắt đầu lại từ đầu ư? Cố xây dựng lại tất cả những gì tôi đang có ở Mỹ? Hay tôi nên đánh liều ở lại và chấp nhận rủi ro?”
Tỷ lệ sử dụng người nhập cư ở các ngành nghề tại thung lũng Silicon (Mỹ) (Đồ họa: Ngô Minh) |
10.000 người hiện đang làm việc trong các công ty ngành công nghệ ở Mỹ hiện sở hữu dạng visa tạm thời giống như Manion bỗng nhiên đứng trước nỗi lo liệu nơi họ chọn làm quê hương thứ hai có trục xuất họ trong nhiệm kỳ của Trump.
Cho tới nay, dù đang trì hoãn việc trục xuất người nhập cư để xem xét thêm các số liệu, Trump vẫn khẳng định sẽ “chấm dứt mãi mãi” việc sử dụng lao động giá rẻ từ chương trình lao động H-1B, một chương trình quay số ngẫu nhiên mà hiện phần lớn lao động lĩnh vực công nghệ Mỹ đang phụ thuộc để lấy visa. Trump muốn các công ty Mỹ hướng tới việc thuê lao động là công dân Mỹ.
Tuy nhiên, ông cũng từng nói thung lũng Silicon và nước Mỹ nói chung cần mang về nhiều chất xám hơn nữa.
“Thường thì rất ít khi chúng ta mù mờ như bây giờ về chính sách tổng thống mới đắc cử và hướng đi mà vị này sẽ dẫn dắt dất nước”, Peter Leroe-Muñoz, phó chủ tịch công nghệ và chính sách đột phá của Silicon Valley Leadership Group cho hay.
“Thung lũng Silicon sẽ là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng nếu việc nhập cư vào Mỹ trở nên khó khăn hơn hoặc chính quyền mới tạo nỗi lo khiến lượng chất xám muốn tới Mỹ cống hiến giảm xuống”, Paul Graham, nhà đầu tư kiêm đồng sáng lập dự án hỗ trợ startup Y Combinator cho biết.
Hơn một nửa số startup Mỹ có giá trị hơn 1 tỷ có nhà sáng lập là người nhập cư và rất nhiều công ty phụ thuộc vào lao động sở hữu visa H-1B (khoảng 80.000 người được cấp mỗi năm) như Amazon, Microsoft.
CEO của Facebook Mark Zuckerberg đã từng phải vận động hành lang Quốc hội để nới rộng quota cho visa H-1B nhưng giờ thì việc giữ được số lượng visa H-1B như hiện nay đã là một tin mừng.
Trump từng tuyên bố sẽ "xóa sạch" dấu ấn của Obama trong hai nhiệm kỳ tổng thống (Nguồn: News.zing) |
Tổng thống Obama từng đưa ra các chính sách khuyến khích người nước ngoài tới Mỹ khởi nghiệp và được cấp thẻ cư trú có thời hạn vài năm nếu họ đáp ứng được mức gọi vốn và việc làm tạo ra cho xã hội Mỹ. Tuy nhiên chính sách này có vẻ sẽ trở thành mục tiêu của Trump, người từng tuyên bố sẽ xóa sạch dấu ấn của hai nhiệm kỳ Obama.
CEO của BlackBerry ông John Chen cho hay ông hy vọng tuyên bố hủy các chương trình visa nhập cư của Trump chỉ là một “đòn gió” nhằm vận động cử chi. “Những chính sách này nếu thành hiện thực sẽ gây tổn thương đến những giá trị cốt lõi của đất nước”, Chen, người từng nhâp cư vào Mỹ từ Hong Kong khi còn là sinh viên và từng phục vụ tổng thống George W. Bush dưới vai trò cố vấn xuất khẩu, khẳng định.
Chia sẻ với trang tin Bloomberg, Ava Benach, đồng sáng lập hãng luật Benach Collopy chuyên về chính sách nhập cư cho hay: “Nếu bạn đang vận hành một công ty công nghệ ở Mỹ, việc tuyển người giờ còn khó khăn hơn rất nhiều. Tìm được nguồn chất xám muốn tới Mỹ cống hiến giờ sẽ khó hơn vì bất kỳ người da màu nào cũng cảm thấy không thoái mái khi sống ở Mỹ trong hoàn cảnh này”.
Theo Can Duruk, kỹ sư phần mềm người Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc cho Uber, thung lũng Silicon vẫn là nơi làm việc trong mơ của lao động ngành công nghệ, nhưng chuyện đã không còn như xưa. Duruk vừa có thẻ xanh sau 6 năm làm việc dưới dạng visa H-1B nhưng vẫn lo ngại về số những người nhập cư vào Mỹ.
“Nước Mỹ vừa bầu một tân tổng thống mà có thời điểm từng công khai phân biệt chủng tộc”, Duruk cho hay, “Tôi cảm thấy cuộc bầu cử vừa qua như một cú đấm vào bụng, nó thực sự đau như vậy”.