Thuật toán giúp TikTok đọc suy nghĩ người dùng chỉ sau vài giờ: Chất gây 'nghiện' mới của mạng xã hội
Có 4 mục tiêu chính cho thuật toán của TikTok, lần lượt là "giá trị người dùng", "giá trị người dùng lâu dài", "giá trị của người sáng tạo" và "giá trị nền tảng". Bốn mục tiêu này được thông báo cho các nhân viên công ty.
Mới đây, những thông tin về bốn mục tiêu này này đã lý giải vì sao TikTok trở thành "chất gây nghiện" với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, theo New York Times.
Tài liệu có tên "TikTok Algo 101" do nhóm kỹ sư của TikTok ở Bắc Kinh sản xuất. Người phát ngôn của công ty, Hilary McQuaide, đã xác nhận tính xác thực và cho biết bộ tài liệu được viết để giải thích cho các nhân viên về cách thức hoạt động của thuật toán TikTok.
Tài liệu cung cấp cái nhìn sơ lược về cả giá trị cốt lõi và những cái nhìn sâu sắc về sự hiểu biết của công ty với cảm xúc con người, chẳng hạn như buồn, vui, tức giận,… Điều này lý giải vì sao người dùng TikTok rất khó rời mắt khỏi màn hình.
Tài liệu đồng thời giúp vén màn mối quan hệ giữa TikTok và công ty mẹ, ByteDance, vào thời điểm Bộ Thương mại Mỹ đang chuẩn bị báo cáo về việc liệu TikTok có gây ra rủi ro bảo mật cho nước này hay không.
TikTok - "chất gây nghiện"
TikTok chắc chắn là một trong những ứng dụng được sử dụng phổ biến nhất năm 2021. Khác với nhiều mạng xã hội thông thường, TikTok phục vụ cho công việc giải trí nhiều hơn là kết nối với bạn bè.
Ứng dụng này đã đạt được thành công nhất định trong khi các ứng dụng đối thủ thất bại, và đây là một phần lý do giúp TikTok độc chiếm thị trường, tạo ra chỗ đứng lớn mạnh một cách dễ dàng.
Đối với người dùng thông thường (không đề cập đến những nhà sáng tạo nội dung), TikTok có thể là nơi phù hợp để theo dõi các sở thích cá nhân, từ những chủ đề phổ biến cho tới các chủ đề nhạy cảm. Đặc biệt, thuật toán TikTok giúp người dùng hiểu rõ hơn về mong muốn của bản thân. Nó được ví như một máy chụp X-quang chiếu rõ nội tâm người dùng.
Các nhà phân tích cũng cố gắng tìm ra chìa khóa cho sự thành công của TikTok. Một báo cáo gần đây của The Wall Street Journal đã chứng minh cách TikTok phụ thuộc rất nhiều vào lượng thời gian bạn dành để xem mỗi video để hướng bạn đến nhiều video có nội dung tương tự.
Tuy nhiên, quá trình này đôi khi lại gây ra sự nguy hiểm, đặc biệt với những người bị trầm cảm, thường xem các nội dung liên quan đến tự tử hoặc tự làm hại bản thân, những vấn đề mà TikTok cho biết đang nỗ lực để ngăn chặn.
Bộ tài liệu chỉ ra mục tiêu cuối cùng mà TikTok theo đuổi là tăng lượng người dùng hoạt động hàng ngày, vì vậy họ đã chọn tối ưu hóa hai chỉ tiêu "Tỷ lệ giữ chân" và "Thời gian sử dụng". "TikTok muốn giữ bạn ở đó lâu nhất có thể. Trải nghiệm này đôi khi được mô tả như một cơn nghiện", nhà viết kịch David Mamet nhận xét.
Thuật toán bí mật giúp TikTok đọc tâm trí người dùng
Đối với các nhà phân tích tin rằng các đề xuất thuật toán của các mạng xã hội gây ra những mối đe dọa tiềm tàng, tài liệu TikTok đã xác nhận những nghi ngờ của họ.
"Thuật toán này dường như cố gắng làm mọi người nghiện ứng dụng hơn là đem lại những gì mà họ thực sự mong muốn. Tôi nghĩ rằng đó là một ý tưởng điên rồ khi để thuật toán TikTok định hướng cuộc sống của những đứa trẻ.
Mỗi đứa trẻ xem video, TikTok đều thu được một phần thông tin về chúng. Trong vài giờ, thuật toán có thể biết về sở thích của chúng. Có nhiều rủi ro khi thông tin này bị lộ", Guillaume Chaslot, người sáng lập Algo Transparency, một nhóm nghiên cứu mạng xã hội có trụ sở tại Paris chia sẻ.
Tài liệu cũng tiết lộ "thời gian sử dụng" không phải là yếu tố duy nhất mà TikTok quan tâm. Tài liệu đưa ra một phương trình cơ bản về cách video được chấm điểm, trong đó một dự đoán được thúc đẩy bởi học máy và hành vi thực tế của người dùng được tổng hợp.
"Hệ thống đề xuất cho điểm với tất cả các video dựa trên phương trình đã đề ra và trả về cho người dùng những video có điểm cao nhất. Nói ngắn gọn, phương trình hiển thị trong tài liệu này được đơn giản hóa rất nhiều. Phương trình thực tế đang được sử dụng phức tạp hơn", theo nội dung tài liệu.
Tài liệu đã minh họa chi tiết cách công ty điều chỉnh hệ thống của mình để xác định và ngăn chặn các video được thiết kế để đánh lừa thuật toán. "Thực tế, tổng giá trị mà người dùng xem tất cả các video từ một người sáng tạo nội dung cao hơn giá trị xem từng video đơn lẻ được cộng lại.
Ví dụ: Nếu người dùng thích một loại video nhất định, nhưng ứng dụng vẫn tiếp tục quảng cáo loại video đó cho anh ta, họ sẽ nhanh chóng cảm thấy nhàm chán và đóng ứng dụng. Có hai giải pháp cho vấn đề này: Đưa ra một số giả định hoặc chia nhỏ tổng giá trị thành phương trình khác với giá trị nhỏ hơn", theo nội dung bộ tài liệu.
Julian McAuley, giáo sư tại Đại học California San Diego cho biết: "Thuật toán là hoàn toàn hợp lý, nhưng đều là những thứ truyền thống. Lợi thế của TikTok đến từ việc kết hợp công nghệ học máy với khối lượng dữ liệu lớn. Đây không phải là điều mà những mạng xã hội khác có thể làm được. Nhiều người có vẻ có cái nhìn khác, có thể là họ chịu ảnh hưởng từ truyền thông. Cá nhân tôi thấy những thứ này bình thường".
Thực tế, tài liệu này giúp làm sáng tỏ loại hệ thống khuyến nghị mà các công ty công nghệ thường trình bày. Ví dụ, các tài liệu Facebook bị rò rỉ minh họa cách Facebook coi trọng các bình luận, và điều này đã giúp nội dung gây chia rẽ lan truyền nhanh chóng. Mặc dù các mô hình có thể phức tạp, nhưng không có gì bí mật hoặc khó hiểu về thuật toán đề xuất của TikTok được nêu trong tài liệu.