Thừa than xuất khẩu, thiếu than cho điện
Những năm gần đây, mỗi năm ngành than được cho phép XK hơn 2 triệu tấn, song đến cuối năm vẫn "ế" chất chồng. Ở góc độ khác, Việt Nam thường xuyên rơi vào cảnh thiếu than cho điện, liên tục phải NK. Thực tế nghe có phần trái khoáy này đặt ra vấn đề cần nghiêm túc xem xét lại câu chuyện XNK than, đảm bảo hài hòa lợi ích.
Một tấn than bán đi có thể đủ tiền để mua về khoảng 3 tấn than cho điện. Ảnh: Nguyễn Thanh.
Liên tiếp “ế”
Báo cáo của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thấy: Năm 2019, TKV được phép XK 2 triệu tấn than, nhưng khối lượng than XK ước thực hiện chỉ đạt khoảng 1,2 triệu tấn (bằng 59% kế hoạch). Tương tự, Tổng công ty Đông Bắc được phép XK 50 nghìn tấn, nhưng dự kiến chỉ bán được 10 nghìn tấn.
Nguyên nhân chính của việc “ế” than XK được các đơn vị này chỉ ra là bởi chậm được đồng ý cho XK than. Cụ thể, thị trường XK than truyền thống của TKV và Tổng công ty Đông Bắc chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khu vực châu Âu với yêu cầu cao về chất lượng than và tiến độ giao hàng.
Thời điểm đầu năm 2019, giá than thế giới ở mức cao, than XK của Việt Nam có sức hấp dẫn với các nhà sử dụng nước ngoài. Đến tháng 5/2019, sau khi kế hoạch XK than được thông qua, TKV và Tổng công ty Đông Bắc mới có cơ sở tổ chức tiến hành ký hợp đồng XK than.
Tuy nhiên đến thời điểm này các đối tác truyền thống (đặc biệt là Nhật Bản) đã tìm "kịp" kiếm nguồn than thay thế và ký kết các hợp đồng mua bán than trong năm 2019 với các nhà cung cấp khác. “Đây cũng là thời điểm giá than thế giới có chiều hướng giảm nên việc tìm kiếm đối tác mới gặp nhiều khó khăn”, TKV cho biết.
Điểm đáng chú ý, 2019 đã là năm thứ ba liên tiếp ngành than không XK hết lượng than được cho phép XK.
Theo Bộ Công Thương, tổng khối lượng than được phép XK của TKV và Tổng công ty Đông Bắc trong năm 2017 và 2018 là hơn 4 triệu tấn, bao gồm hơn 2 triệu tấn than cục, than cám 1, 2, 3 cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu; 2 triệu tấn than cám khu vực Vàng Danh - Uông Bí (là loại than có chất lượng bốc thấp, lưu huỳnh cao, nhu cầu sử dụng trong nước ít) cho thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc. Kế hoạch như vậy nhưng năm 2017, Việt Nam không XK được loại than cám và năm 2018 chỉ xuất được 50.000 tấn sang Thái Lan.
“Nguyên nhân chính do Trung Quốc áp dụng quy định về hàng rào chất lượng đối với than NK. Các loại than NK vào Trung Quốc trước khi pha trộn, sử dụng phải được giám định lại chất lượng theo hàng rào tiêu chuẩn các nguyên tố vi lượng như thủy ngân, arsen, clo, flo,... do Chính phủ Trung Quốc quy định.
Than của Việt Nam không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn trên. Khi đó, TKV đã phải liên hệ với đối tác ngoài Trung Quốc để XK và pha trộn với các chủng loại than khác để tiêu thụ trong nước và đã chế biến, tiêu thụ trong nước hết khối lượng than trên”, Bộ Công Thương nêu rõ.
Cần cân đối hài hòa lợi ích
Ngành than năm nào cũng xin XK than, trong khi liên tiếp NK khối lượng than không nhỏ phục vụ nhu cầu trong nước, đặc biệt là than cho điện. Vậy vấn đề chính xác là nằm ở đâu?
Theo Bộ Công Thương, kết quả cân đối cung cầu than hiện nay cho thấy, giai đoạn đến năm 2030 Việt Nam sẽ dư thừa than cục, than cám 1, 2, 3 mà trong nước chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết với khối lượng khoảng 2,1 triệu tấn/năm.
Đây là loại than chỉ có ở Việt Nam, sử dụng phù hợp cho công nghệ luyện thép chất lượng cao (thép không gỉ) của Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó, về mặt NK, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy: Năm 2018, Việt Nam NK tới 23,78 triệu tấn than, trong đó chủ yếu là than bitum và á bitum cho sản xuất điện, không có chủng loại than cục, than cám 1, 2, 3.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Đinh Quang Trung- Phó trưởng Ban Kinh doanh than (TKV) cho biết: Theo Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, XK than theo hướng giảm dần.
Hiện nay, XK than đi đúng hướng giảm dần và cân đối XK các nguồn than trong nước không sử dụng.
“Hiện nay, có một số loại than chất lượng cao cho thép như than cám 1, 2, 3 chủ yếu XK, cấp cho các hộ sản xuất thép ở Nhật Bản. Theo cam kết mà Chính phủ đã cho phép, đến năm 2025 sẽ ký các thỏa thuận nguyên tắc.
Chúng ta hưởng lợi là sẽ được các nguồn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng của Nhật Bản mà không cần bảo lãnh của Chính phủ để cho phát triển mỏ về vấn đề an toàn mỏ cũng như đào tạo cán bộ công nhân cho các hoạt động của ngành.
Đây là việc rất hữu ích cho TKV. Nhờ những nguồn vốn tài chính đó, TKV mới có tiềm lực tài chính để phát triển hoặc mở các mỏ mới, lúc đó mới có nguồn than để cấp cho điện”, ông Đinh Quang Trung khẳng định.
Cũng theo ông Đinh Quang Trung, trước đây khi xây dựng kế hoạch về lâu dài, Việt Nam dự kiến duy trì lượng XK khoảng 2 triệu tấn/năm. Giá XK than cao hơn nhiều so với giá trong nước. Đó cũng là một nguồn lợi cho đất nước. Xét về tổng thể, loại than XK không phù hợp cho sản xuất điện. Việc XNK than là rất là bình thường.
Đánh giá sâu hơn về câu chuyện XNK than, một chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành khoáng sản bày tỏ quan điểm: "XK than phải được nhìn nhận kỹ lưỡng, không phải cứ thấy thiếu than cho điện mà băn khoăn việc XK.
Than XK là loại có giá trị rất cao. Nếu cho TKV XK 10 triệu tấn than, thì tiền thu về có thể nhập được 25-30 triệu tấn than cho điện. Như vậy, chúng ta sẽ cân bằng được năng lượng ngay”.