Thủ tướng: Giữ vững ổn định vĩ mô, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm
Sáng 13/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu thành phố Cần Thơ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết, vắc xin khan hiếm trên toàn cầu, các hợp đồng mua vắc xin trên thế giới đều không có cam kết ràng buộc chắc chắn và đẩy rủi ro về phía người mua. Việt Nam đang nỗ lực bao phủ vaccine chậm nhất trong quý IVV/2021 với các đối tượng ưu tiên.
Theo Thủ tướng, tính đến ngày 12/10, đã có khoảng 88 triệu liều vắc xin về tới Việt Nam và đã tiêm được khoảng 57 triệu liều. Với hơn 30 triệu liều còn lại, các cơ quan đang tiến hành các thủ tục đánh giá, cấp phép và phân bổ về các địa phương.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang nghiên cứu lộ trình mua và tiêm vắc xin cho trẻ em nhanh nhất, sớm nhất; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin trong nước.
Về những nhiệm vụ trước mắt, Thủ tướng nêu rõ, việc quan trọng nhất là kiểm soát được dịch bệnh, trong đó, vaccine và sự tham gia của người dân là điều kiện tiên quyết, có vai trò hết sức quan trọng. Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung cao độ cho chiến lược vắc xin. Cùng với đó, chăm lo an sinh xã hội cho nhân dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc
Một nhiệm vụ quan trọng khác là nhanh chóng khôi phục lại sản xuất, nơi nào an toàn phải sản xuất, sản xuất phải an toàn, đồng thời với việc phòng, chống dịch hiệu quả. Phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có kế hoạch, giải pháp để các cơ quan phối hợp tốt trong việc khôi phục lại thị trường lao động, đón người dân trở lại làm việc, giải quyết vấn đề đi lại của nhân dân thông suốt,...
Bên cạnh đó, mở cửa trường học tại những nơi an toàn, xây dựng kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em.
Về nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến cuối năm 2021, Thủ tướng nêu rõ, trước hết, phải khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể để phòng chống dịch.
Thứ hai là điều chỉnh linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tiền tệ và tài khóa để vừa giữ vững được ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa góp phần kích thích tiêu dùng, đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Thứ ba là hoàn thành, báo cáo cấp có thẩm quyền về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Thứ tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu, kiểm soát giá cả thị trường,...
Về nhiệm vụ giải pháp cho năm 2022, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang xây dựng, chuẩn bị trình Quốc hội 12 nhóm giải pháp, nhiệm vụ lớn.