|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Cần thiết phải tổ chức một hội nghị toàn quốc bàn 4 nội dung lớn ứng phó dịch COVID-19

17:58 | 27/03/2020
Chia sẻ
Dự kiến, Hội nghị sẽ bàn về 4 nội dung lớn là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 27/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt cuộc sống xã hội. Do đó, cần thiết phải tổ chức một hội nghị toàn quốc bàn 4 nội dung lớn.

Thủ tướng: Cần thiết phải tổ chức một hội nghị toàn quốc bàn 4 nội dung lớn - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 27/3. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Thứ nhất là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp phải đình trệ sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực hàng không, du lịch. Năm nay, Việt Nam dự kiến đón khoảng 20 triệu du khách mà chủ yếu đi bằng đường hàng không nhưng do dịch, lượng lớn du khách không thể đến trong thời gian qua; các khách sạn cũng phải đóng cửa.

“Chúng ta phải tìm thấy thị trường mới ở trong nước và thị trường lớn ở nước ngoài”, phải có biện pháp giữ ổn định sản xuất kinh doanh, nếu không, không thể giải quyết việc làm và tăng trưởng", Thủ tướng nói.

Thứ hai là về giải ngân vốn đầu tư công, một kênh quan trọng cho tăng trưởng. Thủ tướng cho biết, có khoảng 30 tỉ USD vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay. 3 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng số vốn chưa giải ngân theo kế hoạch còn rất lớn. 

"Câu hỏi đặt ra là làm sao giải ngân hết số vốn này. Lần này có chế tài mạnh như thế nào để giải quyết dứt điểm vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, phải kỉ luật như thế nào, điều chuyển vốn như thế nào?", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ ba là vấn đề an sinh xã hội khi mà tình trạng nghỉ việc không lương, thất nghiệp diễn ra trên toàn cầu và ở cả Việt Nam. “Cho nên, chúng ta bàn nhiều thứ nhưng cuối cùng vẫn là đời sống của nhân dân, của công nhân, đối tượng chính sách”. 

Biện pháp nào mạnh mẽ hơn, gói hỗ trợ nào để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng nêu vấn đề. An sinh xã hội là câu chuyện lớn ở Việt Nam. Bên cạnh đó, ổn định vĩ mô, chống đầu cơ nâng giá, không để tình trạng thiếu gạo cũng như các vật tư, nhu yếu phẩm khác.

Thứ tư là bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội vì đời sống khó khăn sẽ dẫn tới những nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Bộ Công an cần có giải pháp không để tình trạng lộn xộn xảy ra.

"Ngay sau khi dịch kết thúc, chúng ta phải bắt tay vào việc thì mới vực dậy được nền kinh tế, nhất là khi những thị trường lớn có liên quan đến chúng ta đã phục hồi mà chúng ta không chuẩn bị tâm thế thì chúng ta thất bại", Thủ tướng nêu.

Thủ tướng cho biết, Hội nghị sắp tới, dự kiến diễn ra vào 31/3, sẽ có sự tham dự của bí thư, chủ tịch các tỉnh trong toàn quốc, các bộ trưởng, các cơ quan có liên quan của Quốc hội để cùng thảo luận. 

Đặc biệt, theo Thủ tướng, trong thời gian tới, trước mắt là trong nửa tháng tới và có thể kéo dài thêm, cần phải tập trung mọi sức lực, mọi biện pháp để chống dịch và coi đó là nhiệm vụ số 1.

Hà Lê tổng hợp