|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Thủ tục làm nhà cho người nghèo còn khó hơn cho người giàu'

16:28 | 21/05/2019
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc công ty Địa ốc Đất Lành, thủ tục quá khó khăn trong khi rủi ro cao khiến các doanh nghiệp bất động sản chùn chân khi xây dựng nhà ở xã hội.

Chính sách, thủ tục phức tạp, quỹ đất hạn chế, lợi nhuận thấp trong khi rủi ro lớn là những bất cập khiến việc phát triển nhà ở cho công nhân nói riêng và nhà ở xã hội nói chung tại TP.HCM khó khăn.

Đây là những rào cản được đại diện các doanh nghiệp, cơ quan chức năng chỉ ra tại hội thảo "Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất" sáng 21/5.

"Có người bảo ngu hay sao mà làm nhà ở xã hội"

Theo Phó giám đốc Địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực, thủ tục hiện tại để làm nhà ở xã hội, nhà cho công nhân cũng giống với nhà thương mại, chưa kể khó hơn ở một số điểm trong khi lợi nhuận lại thấp hơn rất nhiều đẩy rủi ro quá lớn về phía doanh nghiệp.

"Thủ tục làm nhà cho người nghèo còn khó hơn nhà cho người giàu. Làm nhà thương mại nhiều tiền thủ tục chạy phăng phăng, làm nhà cho người nghèo ít tiền, thủ tục rề rà. Thủ tục xong thì chuyển sang nhà thương mại bán cho nhanh", ông Đực bức xúc và kể lại từng có một doanh nhân nói thẳng "ngu hay sao mà làm nhà ở xã hội".

Thủ tục làm nhà cho người nghèo còn khó hơn cho người giàu - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc công ty Địa ốc Đất Lành. Ảnh: PLO

Đồng quan điểm, ông Trần Đức Vinh, Chủ tịch Trần Anh Group, dẫn chứng câu chuyện do vướng mắc quá nhiều thủ tục nên doanh nghiệp của ông chỉ làm được 800 căn nhà ở xã hội tại Long An cho công nhân thay vì 10.000 căn như kế hoạch.

Ông Vinh đề xuất cần đơn giản hóa chính sách mua nhà ở xã hội. Theo chủ tịch Trần Anh Group, chỉ nên áp dụng một vài tiêu chí khi mua nhà ở xã hội như cá nhân đang làm việc tại địa phương, có hợp đồng lao động, có đóng bảo hiểm xã hội và chưa có nhà ở.

Hiện tại, theo quy định, cá nhân muốn mua nhà ở xã hội phải thuộc một trong 5 nhóm đối tượng khó khăn về nhà ở, thỏa mãn điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thấp.

"Lợi nhuận với nhà ở xã hội đã cực kỳ thấp mà đối tượng để bán hàng còn khó khăn nữa thì rất khó cho doanh nghiệp đầu tư", ông Vinh phát biểu.

Một bất cập khác được ông Đực chỉ ra là chưa có quy định cụ thể về việc cho thuê nhà ở xã hội của chủ đầu tư. Ông Đực lấy ví dụ nếu gặp người thuê không tốt, tụ tập quậy phá, chây ỳ không đóng tiền nhà sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả khu dân cư trong khi chủ đầu tư lại không có quyền can thiệp.

Phó giám đốc Đất Lành cũng cho rằng với việc sử dụng nhà ở xã hội, nên đi theo hướng cho thuê nhiều hơn thay vì bán. "Công nhân không có nhiều tiền để mua nhà luôn. Hơn nữa nhiều người có đất, có nhà ở quê, một thời gian dành dụm được họ cũng sẽ trở về quê", ông Đực nêu lý do.

"Chính sách quyết định 70% thành công của nhà ở xã hội"

Tại hội thảo, ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban quản lý các khu công nghiệp TP.HCM, khẳng định nhu cầu nhà ở với công nhân trên địa bàn thành phố là rất lớn khi có tới khoảng 260.000 công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng mới chỉ có 12 khu nhà lưu trú.

Ông Khanh cho hay một bất cập lớn để giải quyết nhà ở cho công nhân là quỹ đất.

Theo quy định, quỹ đất xây nhà ở phải nằm ngoài khu công nghiệp khiến doanh nghiệp nếu muốn xây nhà lưu trú cho công nhân phải đầu tư quỹ đất gần nơi công nhân làm việc.

Ông Trần Quốc Đạt, Phó trưởng Phòng Phát triển nhà ở thuộc Sở Xây dựng TP.HCM, thừa nhận quỹ đất là một vấn đề khó với thành phố. Ông Đạt chia sẻ quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân hiện tại chủ yếu do các doanh nghiệp tự nỗ lực xoay xở.

Đại diện Sở Xây dựng khẳng định luôn quan tâm, đề xuất nhiều chính sách về thuế, lãi suất, tạo lập quỹ đất để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội. Tuy vậy, vẫn tồn tại nhiều khó khăn về thủ tục, tài chính khiến doanh nghiệp quan tâm nhưng chưa thể tham gia được nhiều.

Trong khi đó, ông Đực nhấn mạnh với mô hình nhà ở xã hội, doanh nghiệp chỉ đóng góp 30%, còn lại chính sách quyết định đến 70% thành công. Phó giám đốc Đất Lành cũng đề nghị Nhà nước nên có một quỹ mới cho nhà ở xã hội tương tự gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ trước đây.

"TP.HCM phát triển như hiện nay, đóng góp ngân sách hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm, phần lớn cũng từ những người lao động mà ra. Chăm lo cho công nhân phải là trách nhiệm của thành phố", ông Đực khẳng định.

Việt Đức