Thứ trưởng Trung Quốc vừa phát đi một thông điệp mà thị trường có thể rất muốn nghe
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Liao Min vừa đưa ra một phát biểu gây chú ý bên lề cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại thủ đô Washington (Mỹ).
Chia sẻ với Bloomberg vào ngày 25/10, ông Liao cho hay: “Mục tiêu [của các gói kích thích kinh tế gần đây] là tăng cường sức mạnh của các chính sách vĩ mô để mở rộng nhu cầu trong nước và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay”.
Vị thứ trưởng nói thêm rằng chính phủ Trung Quốc sẽ kết hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá để hỗ trợ nền kinh tế tái cấu trúc, thúc đẩy nhu cầu trong nước bao gồm cả tiêu dùng.
“Quy mô của đợt kích thích tới đây sẽ khá lớn”, ông Liao nhấn mạnh với Bloomberg. Bình luận này có phần tương đồng với chia sẻ không lâu trước đó của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lan Fo’an.
Vị thứ trưởng cho biết ông đã nói rõ với đại biểu từ các quốc gia khác rằng Bắc Kinh sẽ công bố chi tiết gói tài khoá sau khi kết thúc cuộc họp quốc hội dự kiến diễn ra từ ngày 4 đến 8/11.
Trong những tuần gần đây, các quan chức Trung Quốc đã tung ra những biện pháp kích thích kinh tế táo bạo nhất kể từ đại dịch, sau khi một loạt dữ liệu yếu kém khiến Bắc Kinh có nguy cơ không đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là “khoảng 5%”.
Các động thái chính của Bắc kinh bao gồm cắt giảm lãi suất, bơm thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ thị trường bất động sản và cam kết ổn định vấn đề nợ nần của chính quyền các địa phương.
Theo nhận định của Bloomberg, các biện pháp trên tập trung nhiều hơn vào việc giảm thiểu rủi ro hơn là kích thích tăng trưởng.
Cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm của thị trường bất động sản đã xoá sổ hàng tỷ USD tài sản của các hộ gia đình và gây áp lực giảm phát lên nền kinh tế khi người tiêu dùng trở nên thận trọng.
Ông Liao nhận xét việc Bắc Kinh sử dụng trái phiếu chính phủ kỳ hạn siêu dài để tài trợ cho chương trình thu cũ đổi mới hàng tiêu dùng trong năm nay là bước đi “chưa từng có”.
“Ở một mức độ nào đó, điều này chứng tỏ tiêu dùng đã trở thành một cân nhắc quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách tài khoá của Trung Quốc”, ông bày tỏ.
Trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã lên tiếng chỉ trích chiến dịch kích thích kinh tế của Bắc Kinh vì cho đến nay, nó không thể giải quyết một vấn đề nhạy cảm là tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc.
Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cũng cảnh báo rằng tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới mức 4% trong tương lai nếu chính phủ nước này không thực hiện cải cách để thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Vài ngày sau khi bà Yellen đưa ra những lời chỉ trích, Thứ trưởng Liao cho biết các quan chức Trung Quốc đã tóm tắt cho những người đồng cấp Mỹ “chi tiết những cân nhắc của Bắc Kinh” đằng sau loạt chính sách gần đây.
“Tôi cũng nhấn mạnh với các đồng nghiệp nước ngoài tại cuộc họp tuần này về quyết tâm của chúng tôi trong việc tiếp tục cải cách và mở cửa nền kinh tế để theo đuổi sự phát triển chất lượng cao...”, ông Liao nói thêm.
Hiện tại, các chuyên gia đang bận rộn suy đoán về quy mô gói kích thích tài khoá sắp tới của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Citigroup dự kiến chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ bơm thêm khoảng 3.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 421 tỷ USD) trong năm nay để giải quyết tình trạng thiếu hụt doanh thu của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng và tái cấp vốn cho các ngân hàng.
Goldman Sachs ước tính Bắc Kinh sẽ chi khoảng 5.000 tỷ nhân dân tệ trong nhiều năm để xử lý khối nợ ẩn của chính quyền các địa phương.