|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Chúng tôi kiến nghị bãi bỏ hoàn toàn Thông tư 20

20:28 | 24/08/2016
Chia sẻ
Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về Thông tư 20 đang gây nhiều tranh luận trái chiều. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trao đổi với TBKTSG Online xung quanh chuyện này.
thu truong tran quoc khanh chung toi kien nghi bai bo hoan toan thong tu 20
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh. Ảnh TL

- Bản báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng đang gây tranh cãi trên báo chí. Ông có thể khẳng định lại, là Bộ Công Thương đồng ý bãi bỏ Thông tư 20?

- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Báo cáo gửi Thủ tướng của chúng tôi đã khẳng định quan điểm của Bộ Công Thương là bãi bỏ Thông tư 20. Vấn đề còn lại là bãi bỏ khi nào, ngay lập tức hay khi Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành các quy định trong nước phù hợp.

Bộ Giao thông Vận tải có Thông tư 19 năm 2012 quy định về trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi xe của thương nhân nhập khẩu. Tuy nhiên, từ 1-7-2016, Thông tư này đã tự động hết hiệu lực theo quy định của Luật Đầu tư 2014, có nghĩa là chúng ta đang có một khoảng trống chính sách, không có bất kỳ một văn bản nào quy định về trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi xe của thương nhân nhập khẩu. Thông tư 20 lúc này là văn bản duy nhất đặt ra yêu cầu đó với thương nhân nhập khẩu với tư cách là người được chính hãng sản xuất hoặc chính hãng kinh doanh ủy quyền. Vì vậy, chúng tôi đề xuất tạm thời duy trì Thông tư 20 cho đến khi Bộ Giao thông Vận tải thiết lập lại các quy định về nghĩa vụ bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi xe đối với thương nhân nhập khẩu.

- Nhưng trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Giao thông phải có văn bản “tương đương Thông tư 20”. Ông giải thích như thế nào?

- Chúng tôi đề xuất Bộ Giao thông Vận tải ban hành các quy định trong nước (áp dụng ở khâu đăng ký lưu hành) để mang lại "tác dụng tương đương như Thông tư 20" chứ không đề xuất ban hành "các điều kiện tương đương Thông tư 20".

Tác dụng của Thông tư 20 là gì? Là "bảo đảm rằng chế độ bảo hành, bảo dưỡng của chính hãng sản xuất, cũng như mọi quyền lợi khác mà chính hãng sản xuất cam kết với khách hàng, sẽ được các nhà nhập khẩu, phân phối ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống tôn trọng". Vì vậy, bất cứ lúc nào Bộ Giao thông Vận tải thiết lập lại các quy định về nghĩa vụ bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi xe đối với thương nhân nhập khẩu, Thông tư 20 sẽ được bãi bỏ. Đó là bản chất của đề xuất của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ.

- Nhưng có ý kiến lo ngại, sẽ có quy định thương nhân nhập khẩu xe phải có cơ sở sửa chữa, bảo hành; và cơ sở đó phải được ủy quyền của chính hãng. Ông nói gì về điều này?

- Chúng tôi chỉ yêu cầu thương nhân nhập khẩu phải cung cấp thông tin về bảo hành, bảo dưỡng và đưa ra cam kết về triệu hồi xe cho người tiêu dùng. Chúng tôi không hề đề xuất họ phải sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. Quy định thế nào là thẩm quyền của Bộ GTVT nhưng theo chúng tôi, thương nhân nhập khẩu hay phân phối chỉ có nghĩa vụ thông báo với người tiêu dùng về chế độ bảo hành, bảo dưỡng và địa chỉ bảo hành, bảo dưỡng. Họ có thể tự làm hoặc thuê một người khác thực hiện dịch vụ này.

Qua báo chí, tôi cũng đã giải thích ý tưởng của Bộ Công Thương về ba loại hình cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng. Thứ nhất là các cơ sở do chính hãng mở; thứ hai là các cơ sở do chính hãng ủy quyền; thứ ba là các cơ sở không phải do chính hãng mở hay ủy quyền nhưng được Nhà nước cho phép cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng. Loại cơ sở thứ 3 này sẽ giúp xóa bỏ rủi ro độc quyền của hai loại trên. Nhà nhập khẩu, phân phối xe có thể lựa chọn 1 trong 3 đối tượng đó để cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho người tiêu dùng.

- Như vậy có thể khẳng định, doanh nghiệp nào cũng có quyền nhập khẩu ô tô, và người tiêu dùng có thể lựa chọn ô tô thoải mái?

- Vâng, theo mô hình mà chúng tôi đề xuất thì ai cũng được quyền nhập khẩu, phân phối ô tô mà không cần phải sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa. Chúng tôi chỉ có một yêu cầu, đó là khi anh bán chiếc xe cho người tiêu dùng thì anh phải đưa ra cam kết của anh về chế độ bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi xe. Khi anh có các cam kết đó thì xe mới được đăng ký lưu hành. Về phía mình, người tiêu dùng không bắt buộc phải đưa xe đến đúng địa chỉ bảo dưỡng do nhà phân phối cam kết. Họ có thể sử dụng dịch vụ bảo dưỡng của các cơ sở khác, miễn là phải bảo dưỡng đúng cách để xe vượt qua được các tiêu chuẩn an toàn của cơ quan đăng kiểm.

Dư luận đang rất băn khoăn vì cho rằng, theo đề xuất của Bộ Công Thương, tất cả các cơ sở sửa chữa nhỏ lẻ sẽ phải đóng cửa do không đáp ứng được các điều kiện của Bộ Giao thông Vận tải. Tôi xin khẳng định Bộ Công Thương không đề xuất như vậy. Các cơ sở nhỏ lẻ vẫn có thể sửa chữa những hỏng hóc nhỏ lẻ. Chỉ khi động đến những bộ phận quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới độ an toàn của xe và của người tham gia giao thông như động cơ, kết cấu khung gầm, hệ thống lái, truyền động v..v thì mới phải đáp ứng điều kiện. Thông tư 19 trước đây của Bộ Giao thông Vận tải cũng quy định như vậy.

- Vì sao Bộ Công Thương chậm sửa đổi Thông tư 20 khi lẽ ra Thông tư này lẽ ra phải hết hiệu lực từ 1-7, theo Luật Đầu tư? Ông có chịu sức ép nào không?

- Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ và nhận thấy Thông tư 20 không vi phạm bất kỳ luật nào của Việt Nam, kể cả Luật Đầu tư 2014 và vì vậy, Thông tư 20 không đương nhiên hết hiệu lực vào ngày 1-7-2016.

Ngay khi Thủ tướng giao trách nhiệm xem xét lại Thông tư 20 thì Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, người mới tiếp nhận nhiệm vụ từ tháng Tư vừa rồi, đã chỉ đạo thành lập một nhóm công tác độc lập để nghiên cứu toàn diện các vấn đề của Thông tư 20. Bản báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ là kết quả làm việc của nhóm công tác đó, sau khi đã lắng nghe ý kiến của tất cả các bên.

- Bộ Công Thương khẳng định, các quy định trong Thông tư 20 là thủ tục hành chính. Song các cơ quan khác như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI, CIEM khẳng định đây là điều kiện kinh doanh bởi nó vi phạm điều 7 Luật Đầu tư. Ông giải thích như thế nào?

- Điều 7, Luật Đầu tư 2014 không đưa ra định nghĩa về điều kiện đầu tư kinh doanh mà chỉ quy định "ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện". Từ đây, có thể coi "điều kiện đầu tư kinh doanh" là những quy định mà nhà đầu tư phải đáp ứng thì mới được "hoạt động đầu tư kinh doanh". Vậy Luật Đầu tư định nghĩa như thế nào về "hoạt động đầu tư kinh doanh"? Là bỏ vốn để thành lập một tổ chức kinh tế! Thông tư 20 không can thiệp vào việc bỏ vốn để thành lập một tổ chức kinh tế nên không thể nói Thông tư 20 là điều kiện đầu tư kinh doanh. Nói cách khác, chúng tôi diễn giải căn cứ vào đúng những gì mà luật viết.

Các ý kiến phản đối thì cho rằng Thông tư 20 là điều kiện bởi nó cản trở quyền tự do kinh doanh của thương nhân. Theo tôi, đây là một cách diễn giải pháp luật quá rộng. Nếu diễn giải theo hướng này, bất kể quy định nào tác động vào hoạt động kinh doanh (phòng cháy chữa cháy, vệ sinh thực phẩm v..v) sẽ đều bị coi là điều kiện đầu tư kinh doanh và hàng loạt ngành nghề, trong đó có cả việc mở quán ăn, sẽ phải bổ sung vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Khi thương nhân mang chiếc xe về đến cửa khẩu, chúng tôi chỉ hỏi: "Thưa anh, ai là người bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi chiếc xe này trong trường hợp nó được nhà sản xuất triệu hồi?". Chúng tôi quan tâm tới chiếc xe. Nhà nhập khẩu có thể nói "Tôi sẽ bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi chiếc xe này" nhưng xin lỗi, anh ta sẽ triệu hồi xe ra sao và gửi đi đâu để khắc phục lỗi nếu anh ta không có bất kỳ quan hệ nào với chính hãng sản xuất hay chính hãng kinh doanh chiếc xe đó?

Nhưng có lẽ chúng ta nên dừng cuộc tranh luận này ở đây bởi suy cho cùng, xử lý Thông tư 20 thế nào mới là quan trọng. Về việc này, chúng tôi đã có kiến nghị và mô hình tiếp theo nên như thế nào cũng đã giải thích. Nếu mô hình nhập khẩu - phân phối - bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi xe do Bộ Công Thương đề xuất vẫn còn điểm bất hợp lý thì xin phản ảnh để Bộ nghiên cứu, tiếp thu.

- Trong thương mại quốc tế luôn có nhập khẩu song song để tránh tình trạng giá cao, hay độc quyền do nhà sản xuất chính hãng áp đặt. Vì sao Thông tư 20 lại hạn chế điều này?

- Thông tư 20 có hoàn cảnh ra đời của nó và đã hoàn thành mục tiêu mà nó đặt ra, đó là bảo đảm rằng chế độ bảo hành, bảo dưỡng của chính hãng sản xuất, cũng như mọi quyền lợi khác mà chính hãng sản xuất cam kết với khách hàng, trong đó có chế độ triệu hồi xe, sẽ được các nhà nhập khẩu, phân phối ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống tôn trọng.

Dù có hay không có Thông tư 20 thì tình trạng độc quyền hay lạm dụng vị trí thống lĩnh vẫn có thể xảy ra. Trong trường hợp đó, bên cạnh việc cân nhắc cho nhập khẩu song song, còn có thể sử dụng các quy định về chống độc quyền của Luật Cạnh tranh để xử lý. Cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ đơn khiếu kiện nào về việc một hãng ô tô nào đó đang cố gắng tạo ra môi trường độc quyền tại Việt Nam. Nếu có bằng chứng, cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam sẵn sàng vào cuộc để điều tra.

Tư Giang