Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: 'Doanh nghiệp khẳng định chỉ bán heo hơi ở mức 66.000 - 70.000 đồng/kg'
Nhiều nguyên nhân khiến giá thịt heo tăng cao
Trao đổi với người viết bên lề Hội nghị quốc tế về bệnh dịch tả heo châu Phi diễn ra ngày 26/11 ở TP HCM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, cho biết do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi, sản lượng thịt heo thiếu cùng với việc xuất heo trái phép sang biên giới và nhu cầu thịt heo của người dân tăng cao vào những tháng cuối năm đang đẩy giá thành của thịt heo lên rất cao.
Bên cạnh đó, khảo sát thực tiễn của Bộ cho thấy: "Các cơ sở chăn nuôi nghĩ giá thịt heo còn tăng nên người ta chưa bán ra, họ để heo trên 1 tạ, có nơi để đến 170 -180 kg và nếu còn hiệu quả họ có thể vẫn để đó. Và khi thương lái không có heo, không mua trực tiếp thì họ bán lại với gía rất cao.
Chính những điểm không phải đại diện như vậy lại khiến chúng ta nghĩ rằng giá heo của toàn quốc bình quân cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đều ở mức cao".
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. Ảnh: Như Huỳnh.
Theo đó, liên quan đến những giải pháp khống chế giá heo hiện nay, Thứ trưởng Tiến cho biết không chỉ có Bộ NN&PTNT mà cả Chính phủ và các Bộ khác đều rất quan tâm đến vấn đề này khi liên tiếp tổ chức các cuộc họp bàn giải pháp với các doanh nghiệp lớn trong ngành.
"Các doanh nghiệp lớn trong cả nước đều khẳng định chỉ bán ở mức 66.000 -70.000 đồng/kg để giữ bình ổn và giữ CPI, đồng thời đảm bảo nhu cầu của người dân trong dịp tết Nguyên đán sắp tới.
Trong trường hợp nếu thiếu Chính phủ sẽ nhập thịt heo nhưng trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích của người chăn nuôi, người tiêu dùng và người làm dịch vụ", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Đồ họa: Đức Việt.
Ngoài ra, một trong những giải pháp cần phải triển khai quyết liệt là không được chuyển heo bất hợp pháp bán qua biên giới.
Việc chuyển heo một ngày hơn 50 xe, đấy cũng chính là nguyên nhân đẩy giá thịt heo lên cao, còn giải pháp khác như tăng sản lượng đàn gia cầm lên 13%, thịt bò tăng 14,2%, nuôi trồng thủy sản tăng 6,72%, trứng tăng 2 tỉ quả.
Tổng sản phẩm thực phẩm là 390.000 tấn, đây sẽ một trong những giải pháp phần nào san sẻ việc thiếu thịt heo và phục vụ tăng trưởng hàng năm của cả nước", đại diện Bộ NN&PTNT nhận định.
Nhu cầu tiêu dùng thịt heo của người tiêu dùng đang tăng vào những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Ảnh: Như Huỳnh.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Việt Nam, ngay từ khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi ở các nước láng giềng, nhiều giải pháp phòng chống đã được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, do có đường biên giới chung với nhiều nước và lượng người, phương tiện qua lại giữa Việt Nam cũng như các nước rất lớn nên đầu tháng 2/2019 dịch bệnh đã xuất hiện, lây lan mạnh tại hơn 8.500 xã ở cả 63 tỉnh, thành phố.
Từ tháng 6 đến nay, dịch tả heo châu Phi đã từng bước được kiểm soát và giảm rất mạnh. Tuy vậy, đường lây truyền vẫn phức tạp bởi virus gây bệnh có thể tồn tại ngoài môi trường rất lâu.
Do đó, nếu không có giải pháp hữu hiệu, bệnh dịch này có nguy cơ bùng phát trở lại và trở thành thách thức lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Vắc-xin phòng dịch tả heo châu Phi chưa có sản phẩm thương mại hóa
Theo Tổ chức Thú y Thế giới, bệnh dịch tả heo châu Phi từ năm 2007 đã lan rộng từ nhiều quốc gia châu Âu, Nga đến Đông châu Á, nơi chiếm hơn 60% lượng heo toàn cầu.
Dịch tả heo châu Phi từ Trung Quốc lan sang Mông Cổ, Việt Nam, Campuchia, Lào, Hàn Quốc, Philippines và là nguy cơ cao tiếp tục đe dọa nhiều quốc gia khu vực Đông và Đông Nam châu Á.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hàng trăm triệu con heo bị tiêu hủy, gây thiệt hại kinh tế xã hội và có thể gây mất an ninh nguồn cung thực phẩm động vật.
Đặc biệt, vắc-xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi đến nay vẫn còn đang được nghiên cứu, chưa có sản phẩm để thương mại hóa.
Đại diện Tổ chức Thú y Thế giới cho rằng, thiếu vắc xin phòng dịch bệnh này sẽ là nguy cơ cho bệnh dịch tả heo châu Phi tái phát ở những nơi đã có dịch, tiếp tục tái đàn và còn có thể lây lan rộng hơn trong tương lai.
Toàn cảnh Hội nghị quốc tế về bệnh dịch tả heo châu Phi diễn ra ngày 26/11 ở TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi đã lây lan ra khắp cả nước, với khoảng gần 6 triệu con heo đã tiêu hủy, tuy nhiên đến nay, dịch tạm được không chế và lắng dịu.
Đáng chú ý, theo thông tin Thứ trưởng chia sẻ hiện nay có một số tổ chức của Trung Quốc bán các loại vắc-xin phòng dịch bệnh chưa được nhà nước Trung Quốc công nhận và công bố đang là một vấn nạn hết sức phức tạp đối với dịch tả heo châu Phi.
"Bởi nó sẽ là một trong những nguyên nhân làm diễn biến của dịch bệnh phức tạp hơn nhiều, do đó, hiện nay các cơ quan Trung Quốc đang điều tra, xem xét việc các tổ chức bán vắc-xin này để xử lí theo qui định của pháp luật", ông Tiến cho hay.
Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng dịch tễ, Cục Thú y cho rằng việc phòng bệnh trong chăn nuôi và tái đàn heo hiện nay mấu chốt vẫn là an toàn sinh học, trong đó, chăn nuôi qui mô lớn sẽ có thể thực hiện hiệu quả việc phòng bệnh còn chăn nuôi nhỏ lẻ thì khó hoặc không thể nào phòng được.
Tại hội nghị có sự tham dự của các nhà khoa học, cơ quan thú y, nông nghiệp Việt Nam và nhiều quốc gia khác như Nga, Lào, Philippines, Hàn Quốc, Campuchia, Trung Quốc...
Theo đó, các đại biểu đã cập nhật tình hình dịch bệnh ở các quốc gia đã xảy ra dịch, các biện pháp kiểm soát phòng chống, các chính sách để tái đàn heo, các nguy cơ trong tương lai, các biện pháp an toàn sinh học, giám sát virus, kiểm soát vận chuyển động vật nơi biên giới, vấn đề tiêu độc, khử trùng...